VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại: "Lá chắn thép" hạn chế rủi ro

05/09/2021 15:12

Nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, một trong những yêu cầu quan trọng là theo dõi sát diễn biến thị trường, cảnh báo được nguy cơ xuất hiện các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu. Đây là chia sẻ của ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.


Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)

Xin ông cho biết vai trò của công tác cảnh báo sản phẩm có nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) trong bối cảnh hiện nay?

Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng cao, các DN XK của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Trên thực tế, số lượng vụ việc PVTM với hàng hóa XK của ta đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết tháng 7/2021, hàng hóa XK của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 160 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77%. Việc bị nước ngoài áp dụng các biện pháp PVTM sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường XK.

Để hỗ trợ các DN chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Mục tiêu của đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng XK có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM là nhằm giúp các DN có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN có trọng tâm, trọng điểm. Hệ thống cảnh báo sớm còn giúp các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM.

Vậy, Bộ Công Thương đang triển khai hệ thống cảnh báo sớm ra sao để hạn chế các nguy cơ bị kiện PVTM của nước ngoài đối với hàng XK của Việt Nam, thưa ông?

Hệ thống cảnh báo sớm được xây dựng trên nguyên tắc theo dõi biến động XK của những mặt hàng đã bị thị trường XK áp dụng biện pháp PVTM hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng biện pháp tương tự đối với Việt Nam. Nếu xuất hiện những yếu tố rủi ro như XK từ Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh, hàng Việt Nam chiếm thị phần đáng kể tại thị trường XK, hay có những dấu hiệu cho thấy các DN sản xuất tại thị trường XK đang bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ hàng Việt Nam, hệ thống sẽ đưa những mặt hàng này vào danh sách cảnh báo.

Hiện nay, định kỳ hàng quý, Cục PVTM đều cập nhật và thông báo công khai danh sách cảnh báo để các cơ quan chức năng, hiệp hội, DN và các bên liên quan khác có định hướng cụ thể, chuẩn bị trước cho khả năng bị nước ngoài tiến hành điều tra PVTM. Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Cục cung cấp, các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài; hợp tác với cơ quan chức năng của các đối tác thương mại nhằm ngăn chặn các hành vi mạo nhận xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh biện pháp PVTM một cách bất hợp pháp.

Với sự chủ động, quyết liệt, kết quả đạt được từ các hoạt động cảnh báo đang có những tác động quan trọng như thế nào đối với hàng hóa XK Việt Nam, thưa ông?

Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019 tới nay, đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ôtô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men. Bộ Công Thương cũng đã sớm tiếp cận với các DN trong ngành để cung cấp thông tin, giúp DN hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc DN cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, DN có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.

Ngoài ra, các hoạt động cảnh báo sớm hỗ trợ DN dù mới được triển khai nhưng đã thu được một số kết quả tích cực ban đầu. Chẳng hạn như trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các DN Việt Nam (chiếm 95,5% tổng kim ngạch XK lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ) không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với DN Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cáo buộc (110%).

Các biện pháp PVTM là các biện pháp được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, khi đã tham gia vào thương mại quốc tế, DN XK cần xác định khả năng sẽ gặp phải các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Điều quan trọng là cách thức xử lý, ứng phó của DN khi gặp phải các cuộc điều tra như vậy. Các thông tin về cảnh báo là một trong những kênh thông tin giúp DN sớm nhận biết nguy cơ bị điều tra PVTM đối với mặt hàng XK của mình. Các DN cũng có thể chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình một cách hợp lý nhằm tránh để ảnh hưởng lớn trong trường hợp hoạt động XK có kết quả không mong muốn do biện pháp PVTM của nước ngoài gây ra.

Cục PVTM khuyến nghị các DN thường xuyên theo dõi Danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra lẩn tránh thuế PVTM được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục (http://pvtm.gov.vn/) để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.103.733