Canada thay đổi chính sách trong phòng vệ thương mại
Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, thời gian qua, Canada có một số thay đổi lập pháp đối với các biện pháp chống bán phá giá và đối kháng, bao gồm Đạo luật các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA), Đạo luật Tòa án Thương mại Quốc tế Canada, Quy định về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMR) và Quy định của Tòa án Thương mại Quốc tế Canada…
Ảnh minh hoạ, tapchicongthuong.vn
Các sửa đổi này liên quan đến các điều tra chống lẩn tránh, đối phó với tình trạng nhập khẩu lớn, đánh giá thương tích, xem xét hết hạn và quyền của các công đoàn lao động trong việc nộp đơn khiếu nại về biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, các quy tắc chống lẩn tránh nhằm đối phó với tình trạng các nhà sản xuất nước ngoài thay đổi hoạt động kinh doanh và thương mại/lách luật nhằm tránh phải trả thuế chống bán phá giá hoặc thuế đối kháng của Canada (Ví dụ tình huống nhà sản xuất nước ngoài sử dụng các bộ phận và linh kiện của nước bị áp thuế chống bán phá giá hoặc đối kháng để lắp ráp hàng hóa "tương tự" ở Canada hoặc ở nước thứ ba; hoặc tình huống nhà sản xuất nước ngoài thực hiện một sửa đổi nhỏ đối với hàng hóa của mình để chúng không còn thuộc phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc đối kháng). Khi đó, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) có thể tự khởi xướng điều tra chống lẩn tránh hoặc sau khi có khiếu nại (toàn bộ quá trình từ khi nhận được khiếu nại đến quyết định của CBSA là 225 ngày).
Canada cũng có bước chuẩn bị lập pháp để đối phó với tình trạng nhập khẩu ồ ạt trong thời gian ngắn, ví dụ: tăng từ 15% trở lên khối lượng nhập khẩu hàng hóa bán phá giá hoặc trợ cấp từ nước đang bị điều tra; nhà sản xuất hoặc xuất khẩu hàng hóa bán phá giá có tiền sử xuất khẩu vào Canada hàng hóa bán phá giá đã được phát hiện gây hại cho ngành công nghiệp của Canada; chính quyền của một quốc gia khác đã phát hiện ra rằng việc bán phá giá hàng hóa liên quan của nhà xuất khẩu đang bị điều tra đã gây ra thiệt hại cho ngành công nghiệp của nước đó; hoặc có sự gia tăng đáng kể về khối lượng hàng tồn kho của hàng hóa trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Trong các trường hợp này, luật pháp cho phép Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada được áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế đối kháng hồi tố đối với hàng hóa nhập khẩu đó được nhập khẩu ngược về 90 ngày trước ngày có kết luận sơ bộ.
Bên cạnh đó, gần đây Canada đã thay đổi thời hạn thông báo cho nước xuất khẩu về quyết định khởi xướng điều tra vụ việc. Trước đây, Canada thông báo cho các Chính phủ liên quan 30 ngày trước khi quyết định điều tra. Hiện nay, quy định được sửa lại theo hướng chỉ thông báo trước 7 ngày đối với khiếu nại liên quan đến bán phá giá và trước 20 ngày đối với khiếu nại liên quan đến trợ cấp. Sửa đổi này nhằm giảm thiểu rủi ro rằng các nhà xuất khẩu "vội vã đưa hàng hóa ra thị trường" trước khi áp dụng thuế tạm thời trong khi cho phép CBSA linh hoạt hơn để quản lý khối lượng hồ sơ của mình theo một trong những mốc thời gian điều tra ngắn nhất của tất cả các thành viên WTO.
Canada còn có thay đổi liên quan đến việc xem xét hết hạn đối với các phán quyết áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc đối kháng để xem có còn cần thiết hay không; theo đó CBSA có 150 ngày để hoàn thành xem xét hết hạn và Tòa án Thương mại quốc tế Canada (CITT) có 160 ngày kể từ ngày CBSA gửi kết luận theo hướng cần thiết phải gia hạn các biện pháp. Trong thời gian xem xét, các biện pháp áp thuế vẫn có hiệu lực; trong trường hợp kết luận theo hướng không cần gia hạn, các khoản thuế sẽ được hoàn trả.
Theo quy định mới, CITT không cần phải lấy ý kiến các bên liên quan để thực hiện đánh giá hết hạn (02 tháng trước khi hết hạn) và CITT từ nay sẽ tự động xem xét hết hạn đối với mọi phán quyết khi hết hạn 5 năm; tuy nhiên, CITT sẽ vẫn gửi cho các bên liên quan thông báo về việc tiến hành xem xét hết hạn.
Canada cũng mới cho phép các công đoàn có quyền nộp đơn khiếu nại về thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng để tăng cường sự tham gia của người lao động vào hệ thống phòng vệ thương mại của Canada.
Có thể thấy rằng, các thay đổi lập pháp của Canada trong thời gian gần đây về phòng vệ thương mại đều theo hướng trao quyền và mức độ linh hoạt cao hơn cho CBSA và CITT. Các thay đổi lập pháp cũng cho thấy sự chuẩn bị của Chính phủ Canada để đối phó với các hoạt động chuyển dịch sản xuất và thay đổi chiến lược kinh doanh của các tập đoàn lớn cũng như để đối phó với tình trạng mà Canada gọi là hoạt động thương mại không công bằng, không lành mạnh...
Thùy Ngân (VTIC) thực hiện
-
Ngày 17/12 vừa qua, tại TP.Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại với các thị trường RCEP.
-
Ngày 17/12/2024, Diễn đàn Đầu tư - Thương mại TPHCM và Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao được tổ chức tại TPHCM. Tại diễn đàn này, doanh nghiệp các bên đã kết nối, trao đổi và mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
-
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), sáng ngày 11/12/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã tiếp ông Wladyslaw Teofil Bartoszewski, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Ba Lan.
-
Luật số 11203 được Philippines ban hành năm 2019 nhằm đảm bảo an ninh lương thực đồng thời tăng cường sức sống, sự hiệu quả và tính cạnh tranh cho ngành sản xuất nông nghiệp Philippines, đặc biệt là ngành lúa gạo. Luật này quy định xây dựng Chương trình hỗ trợ tăng cường sức cạnh tranh cho ngành lúa gạo Philippine với thời hạn 6 năm, đến hết năm 2024