VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh - Những kết quả tích cực và giải pháp thời gian tới

11/05/2020 08:45

(VITIC-DNTM) Với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo điều hành về xây dựng các thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử.


Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ảnh: VH

 Những kết quả tích cực
Công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì cùng với các bộ ngành đã đạt được một số kết quả tích cực.
 
Thứ nhất, về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành, chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến rất quan trọng
 
Cải cách TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh là một trọng tâm cải cách. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
 
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức theo hướng toàn diện, thực chất hơn. Nhiều bộ, cơ quan đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân định đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo về thẩm quyền. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
 
Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại qua biên giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19USD; ước tính với 12 triệu tờ khai của năm 2018, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng thủ tục thông quan; tiết kiệm 17 triệu giờ lưu kho đối với 5,8 triệu tờ khai xuất khẩu; tiết kiệm 37 triệu giờ lưu kho đối với 6,2 triệu tờ khai nhập khẩu. Hiện nay, riêng hàng luồng xanh, thời gian thông quan chỉ còn 1-3 giây; tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành chỉ còn 19,1%.
 
Thứ hai, về cung cấp dịch vụ công, các bộ, cơ quan và địa phương đã có nhiều tiến bộ trong việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua
 
Đến nay đã có 58/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận, xử lý yêu cầu cung cấp dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp và nhận được những phản hồi tích cực về chất lượng phục vụ. Tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%.
 
Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích ngày càng phát huy hiệu quả sau hơn 3 năm triển khai. Theo báo cáo của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, có 39,5 triệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích, trong đó, riêng Quý I/2020, số lượng hồ sơ được xử lý đạt 4 triệu tăng 26% so với 3,17 triệu hồ sơ của Quý I năm 2019.
 
Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử cũng được đẩy mạnh thông qua việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
 
Được khai trương tháng 12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia là đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng.
 
Với một địa chỉ truy cập duy nhất (www.dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất, người dùng có thể đăng nhập được tất cả các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Người dùng có thể theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết, và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Các thông tin, dữ liệu được chia sẻ, tái sử dụng, giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện TTHC, đặc biệt là những TTHC có liên quan đến nhiều cơ quan.
 
Từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 389 dịch vụ công trực tuyến (160 cho công dân, 229 cho doanh nghiệp). Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp chức năng thanh toán trực truyến, trong đó cho phép người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế, nộp phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khi giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công khác.
 
Tính đến ngày 07/5/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập; trên 134 nghìn tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm. Đã tiếp nhận, xử lý 5.465 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và hoàn thành việc xử lý 4.297 phản ánh, kiến nghị.
 
Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử đã có một số kết quả đáng kể, giúp đổi mới lề lối làm việc trong nội bộ các cơ quan nhà nước
 
Được khai trương từ tháng 3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương và 63 địa phương. Đến nay, gần 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, theo tính toán sơ bộ, tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Tổng số văn bản gửi, nhận trong tháng 3 năm 2020 gấp 5 lần cùng kỳ năm 2019; trung bình mỗi tháng có khoảng 100.000 đến 150.000 văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông.
 
Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) khai trương tháng 6/2019 đã phục vụ 15 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (thay thế cho việc in ấn 51.000 tài liệu giấy) và thực hiện xử lý 330 Phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, thay thế việc phát hành gần 53.000 Phiếu giấy, hồ sơ tài liệu kèm theo.
 
Phát huy hiệu quả của các thiết chế tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành, Tổ công tác, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có những đóng góp thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
 
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị đối thoại để cùng các bộ, ngành tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam; Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ sự quyết liệt của Tổ công tác, những đề xuất có chất lượng, khả thi của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và hiệu quả hơn.
 
Năm 2019, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) có điểm số trung bình tăng rõ rệt so với các năm trước. Vị trí của Việt Nam cải thiện đáng kể trên một số xếp hạng uy tín của các Tổ chức quốc tế. Cụ thể như: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu 2017-2019 tăng 21 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và vị trí thứ 5 ASEAN; Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 ASEAN; Chỉ số phát triển bền vững xếp thứ 57/156 quốc gia, tăng 11 bậc và đứng thứ 3 ASEAN; Tạp chí US News &World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc top 10 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.
 
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Phát huy tinh thần chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong thời gian tới Chính phủ sẽ triển khai nhiều chương trình cải cách mới với một loạt nhiệm vụ, giải pháp mới.
 
Thứ nhất, thông qua Nghị quyết về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm gánh nặng hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động kinh doanh
 
Mục tiêu cơ bản Chương trình đặt ra là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân trên tổng chi phí tuân thủ được các bộ, cơ quan ngang bộ tính toán và công bố sau khi thống kê lần đầu. Chỉ tiêu này được đo kiểm bằng phương pháp và công cụ được áp dụng phổ biến từ các nước OECD thông qua tính toán và so sánh chi phí tuân thủ trước và sau cắt giảm, đơn giản hóa các quy định để lượng hóa lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, người dân.
 
Kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh như quy định về hồ sơ, quy trình, quy định về báo cáo; quy định về yêu cầu, điều kiện trong hoạt động kinh doanh; quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình xây dựng văn bản (đánh giá tác động khi xây dựng, thẩm định, thẩm tra văn bản) giúp đảm bảo cắt giảm thực chất các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
 
Nghị quyết sẽ được triển khai một cách căn bản, có hệ thống. Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng năm được các bộ, cơ quan chủ động triển khai căn cứ trên chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế. Để thực hiện tốt Nghị quyết này, Chính phủ sẽ tăng cường truyền thông và đối thoại với doanh nghiệp, người dân, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, và các chuyên gia.
 
Công tác theo dõi, giám sát, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh sẽ được thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong năm 2020, các Bộ, ngành sẽ tập trung thống kê toàn bộ các quy định để thiết lập hệ thống phần mềm này.
 
Hướng tới mục tiêu Nghị quyết đặt ra, các bộ, cơ quan cũng cẩn tập trung vào các giải pháp như: triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, hoàn thiện các hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, xây dựng các kho dữ liệu điện tử dùng chung, tăng cường khả năng kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công mức độ 3 - 4, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, xã hội hóa thực chất hoạt động đánh giá sự phù hợp (chứng nhận, giám định, thử nghiệm, kiểm định), tăng cường thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp...
 
Việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc sẽ được thực hiện thường xuyên để các nhiệm vụ được thực hiện đúng theo tiến độ, chất lượng, mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết. Văn phòng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình.
 
Với sự quyết tâm cao của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Nghị quyết sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng về chất lượng thể chế kinh tế của nước ta trong thời gian tới, cải thiện một bước căn bản môi trường kinh doanh, qua đó hỗ trợ tối đa cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và chi phí tuân thủ theo Nghị quyết này sẽ đem lại cho doanh nghiệp, người dân nhiều lợi ích thiết thực với chi phí tuân thủ thấp hơn và quan trọng hơn, người dân và doanh nghiệp sẽ có một môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch, hiệu quả.
 
Thứ hai, thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
 
Ngày 8 tháng 4 năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
 
Nghị định giúp tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường điện tử, từ vấn đề xác thực, định danh cá nhân đến quy trình thực hiện, thanh toán trực tuyến, giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử, trách nhiệm của các cơ quan trong xây dựng, kiểm soát chất lượng thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức trong giao dịch trực tuyến với các chi phí xã hội thấp nhất, từng bước nâng cao tỷ lệ giao dịch trực tuyến trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt, Nghị định ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số.
 
Nghị định quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương về việc việc xây dựng kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên các thủ tục hành chính có nhu cầu lớn, liên quan đến hoạt động của phần lớn người dân, doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính liên ngành, liên cơ quan cũng là đối tượng ưu tiên được nghiên cứu và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh các kế hoạch thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử do các bộ, ngành và địa phương chủ động thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo về các thủ tục, nhóm thủ tục hành chính ưu tiên trong từng thời kỳ để có thể đem thủ tục hành chính trực tuyến đến cho người dân và doanh nghiệp nhanh hơn và nhiều hơn.
 
Nghị định quy định việc số hóa các kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cụ thể là các giấy tờ nhà nước cấp cho người dân, doanh nghiệp để sử dụng trong hệ thống nhà nước, giảm thiểu yêu cầu cung cấp các giấy tờ Nhà nước đã cấp cho người dân, doanh nghiệp. Thay vào đó, các cơ quan nhà nước sẽ thực hiện liên thông, chia sẻ dữ liệu và không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp các thông tin, dữ liệu đã có trong cơ quan hành chính nhà nước. Theo quy định của Nghị định, việc số hóa các giấy tờ là kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải được thực hiện xong trước ngày 31 tháng 12 năm 2025. Trong thời gian tới, người dân và doanh nghiệp sẽ không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm đáng kể.
 
Nghị định quy định việc cấp và sử dụng bản sao điện tử. Người dân, doanh nghiệp sẽ sử dụng bản sao điện tử có chứng thực hoặc do cơ quan có thẩm quyền cấp từ sổ gốc để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ hành chính cấp độ 4, không mất chi phí và thời gian để nộp hồ sơ giấy cho cơ quan nhà nước. Quy định này sẽ đáp ứng một cách căn bản nhu cầu được sử dụng dịch vụ công hoàn toàn trực tuyến của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới, giúp giải quyết nộp bản điện tử và bản giấy để xác minh.
 
Chính phủ sẽ dành ưu tiên triển khai thực hiện Nghị định này để sớm đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Kế hoạch thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của các bộ, ngành và địa phương sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên để Nghi định được thi hành nhanh chóng và hiệu quả. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo cụ thể về các ưu tiên thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong từng thời kỳ.
 
Thứ ba, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia
 
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid 19, Dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện nay Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng phương án kỹ thuật cung cấp 06 dịch vụ công hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm:
(1) Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương;
(2) Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động;
(3) Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp;
(4) Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân;
(5) Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất;
(6) Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid.
 
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian, giảm thủ tục thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Các dịch vụ công này trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp. Đồng thời, thông qua kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị sẽ hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát việc thực hiện các gói hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg.
 

VITIC-DNTM

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.103.107