Cải cách hành chính cần mạnh mẽ và hiệu quả hơn
Công tác cải cách hành chính (CCHC) cần được thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả và thực chất hơn. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để giúp doanh nghiệp (DN) sớm phục hồi trở lại sau những tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASEM) - nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASEM)
Thưa ông, Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2021 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; từ góc độ doanh nghiệp, xin ông cho biết đánh giá về động thái này?
CCHC là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Theo ghi nhận, công tác CCHC thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng cho thấy, CCHC ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn chậm, kết quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; nhiều điều kiện kinh doanh và các quy định thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, phức tạp, không cần thiết, trọng tâm là các thủ tục hành chính đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước những bất cập đó, nhất là trong giai đoạn đầy thách thức do dịch Covid-19 gây ra hiện nay, việc Chính phủ ban hành Chỉ thị về thúc đẩy mạnh CCHC là hết sức phù hợp, cần thiết và có ý nghĩa rất lớn. Theo tôi, dịch bệnh bùng phát cũng là thời điểm có tính quyết định để chúng ta thúc đẩy nhanh hơn quá trình CCHC của nhà nước.
Theo ông, điều này có giúp DN sớm phục hồi hoạt động hậu Covid-19?
Hiện tại, DN trong nước đang rơi vào cuộc khủng hoảng rất lớn bởi đại dịch, nhiều DN đã thực sự đuối sức. Họ sẽ còn khó khăn hơn khi phải đối diện với nhiều quy định chồng chéo, rườm rà, cứng nhắc, thiếu đổi mới, đơn giản hóa từ các quy định ngay trong thời điểm đầy cấp bách từ các bộ, ngành. Chúng ta đều thấy, trước những tác động tiêu cực chưa có tiền lệ, có địa phương, có nơi ban hành những quy định, triển khai linh hoạt các giải pháp, các thủ tục hành chính rất tốt để vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhưng cũng có địa phương còn lúng túng, làm quá khi triển khai các quy định khiến cho DN thêm rối, bị động trong việc lên kế hoạch hoạt động phù hợp, hiệu quả với đại dịch.
Vì vậy, các kế hoạch về CCHC nói chung cũng như cải cách TTHC nói riêng theo Chỉ thị của Chính phủ là hướng đi đúng đắn, sẽ giải tỏa tâm lý cho cộng đồng DN trong giai đoạn trước mắt. Còn về lâu dài, chủ trương này sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN, để DN có khả năng phục hồi sản xuất nhanh nhất khi dịch bệnh được kiểm soát cũng như khi chúng ta xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả khi thực hiện cải cách về TTHC, rà soát các quy định kinh doanh các bộ, ngành cần dựa trên kinh nghiệm đã triển khai để xác định rõ thủ tục, quy định nào cần phải loại bỏ, cũng như cần phải lấy ý kiến rộng rãi từ DN trong quá trình cải cách để biết điểm mạnh, điểm yếu của các quy định mà sửa đổi, đơn giản cho phù hợp, tránh lỗ hổng về mặt quản lý và khi các văn bản, quy định ra đời sẽ không cản trở hoạt động kinh doanh và thực sự tạo được hành lang pháp lý tốt nhất cho DN.
Được biết, Bộ Công Thương cũng đã xác định công tác CCHC nói chung, đơn giản hóa, cắt giảm các TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ông đánh giá về quyết tâm của Bộ Công Thương đối với vấn đề này?
Ghi nhận của chúng tôi về CCHC của Bộ Công Thương thời gian qua là rất tích cực, đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, trong lúc dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Công Thương đã quan tâm chú trọng để kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, giúp DN vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trước dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn trong thời gian tới, việc Bộ Công Thương chủ trương tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC; kiểm soát chặt chẽ các TTHC ngay từ khi dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; thực hiện công bố, công khai đầy đủ, kịp thời các TTHC mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức trong việc tiếp cận, thực hiện các TTHC… tin rằng sẽ góp phần quan trọng trong việc vực dậy đời sống kinh doanh của DN, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
-
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội về “Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP. Hà Nội”
-
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Chính phủ hai nước Việt Nam - Cuba phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, các cơ chế hợp tác sẵn có, góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng thực chất, nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
-
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương sẽ đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.