Cách ly xã hội không phải phong tỏa hay giới nghiêm cả nước, không ngăn sông cấm chợ
Người dân không bị ngăn sông, cấm chợ. Cách ly toàn xã hội không có nghĩa là phong tỏa hay giới nghiêm cả nước - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định.
Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình
Chỉ thị số 16 có quy định “thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc”. Vậy hiểu như thế nào là cách ly toàn xã hội? Cách ly toàn xã hội có giống với biện pháp phong tỏa ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’ như các nơi có ca nhiểm Covid-19 hoặc là lệnh giới nghiêm như thời chiến, thưa Bộ trưởng?
Cách ly toàn xã hội không phải là biện pháp phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập, cũng không phải là lệnh giới nghiêm như thời chiến. Mục tiêu của biện pháp cách ly toàn xã hội là nhằm giảm tối đa tương tác giữa người với người trong xã hội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Tôi mong người dân không nên đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ lại tụ tập đông người, dễ phát sinh lây lan dịch bệnh
Chỉ thị 16 đã đưa ra nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Tức là mỗi cá nhân hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, tránh tiếp xúc quá gần với người khác.
Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy, vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế xã hội. Khi kiểm soát được thì không nên đóng cửa ngay lập tức, vì có những tỉnh chưa có dịch, hoặc có nhưng họ đã khoanh vùng và kiểm soát được.
Vậy tức là người từ tỉnh, huyện, thôn, thậm chí là từ nhà này không được qua nhà, thôn, huyện, tỉnh khác?
Đây là những dự lệnh, những khuyến cáo, hạn chế, yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra, chưa phải lệnh cấm.
Chỉ thị của Thủ tướng khuyến cáo, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
Khi người dân ra ngoài thì cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Vậy trường hợp gia đình hơn 2 người đi ra ngoài có bị phạt không, thưa Bộ trưởng?
Vì đây chưa phải là lệnh cấm nên không áp dụng hình phạt. Tinh thần là Thủ tướng khuyến cáo mọi người dân hạn chế tối đa việc tiếp xúc, tụ tập đông người, càng ít người càng tốt, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Đây là thông điệp mạnh mẽ hơn so với cách đây 4 ngày khi yêu cầu không tụ tập trên 10 người. Điều này truyền đi thông điệp rằng mong mọi người dân nên ở nhà trong giai đoạn cao điểm, hạn chế đi ra ngoài, tụ tập đông người vì tình hình bây giờ đã khác 4 ngày trước.
Các DN sản xuất hàng hóa tiêu dùng có bị hạn chế sản xuất, vận chuyển hàng hóa lưu thông?
Các DN sản xuất vẫn hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa nhưng phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Người đứng đầu DN, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Người dân không bị "ngăn sông, cấm chợ”
Chỉ thị cũng đề cập đến việc làm việc tại nhà, tăng cường họp trực tuyến. Hiện nhiều DN, đơn vị không thể làm việc trực tuyến thì phải xử lý như thế nào?
Chỉ thị của Thủ tướng chỉ yêu cầu đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước mới bố trí làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.
Như Văn phòng Chính phủ hiện đã quyết định cho 50% cán bộ với khoảng hơn 300 người làm việc ở nhà. Nhưng người bắt buộc đến công sở cũng phải đảm bảo ngồi cách nhau 2m, khi ăn mỗi người một bàn.
Còn với DN, các cơ quan tư nhân cũng nên ưu tiên điều chỉnh bố trí, sắp xếp làm việc trực tuyến tại nhà để cùng Chính phủ chung tay chống dịch. Trừ những trường hợp bất khả kháng không thể làm việc trực tuyến được thì phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, hạn chế tụ tập đông người, tránh tiếp xúc quá gần và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh phòng bệnh.
Lần này, Chính phủ giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị để giám sát và xử lý. Nếu thủ trưởng cơ quan để cho đơn vị mình có người bị lây nhiễm Covid-19 do thả lỏng quản lý, để cán bộ đi tụ tập thì người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm.
Với những nhà máy, công xưởng có hàng chục nghìn lao động, chỉ cần lơi lỏng, không kiểm sát tốt, để xảy ra 1 trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.
Khi nghe đến việc cách ly toàn xã hội, người dân có phần lo lắng và đã đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ vì lo sợ phải ở trong nhà 15 ngày?
Thủ tướng không yêu cầu ngăn sông, cấm chợ, không đóng cửa siêu thị, các cửa hàng bán đồ thiết yếu. Thủ tướng cũng không cấm người dân ra ngoài mua lương thực, thực phẩm, thuốc men…
Hiện các DN sản xuất hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động và lưu thông hàng hóa và chỉ hạn chế, đóng cửa những cửa hàng, dịch vụ không cần thiết.
Việc này Thủ tướng đã giao cho các địa phương chủ động, quy định cụ thể. Như Hà Nội đã quy định rõ những cửa hàng nào đóng, cửa hàng nào mở rất rõ ràng. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành đảm bảo nguồn hàng thiết yếu cung ứng cho người dân.
Vì vậy, tôi mong người dân yên tâm là không thiếu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, không nên đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ lại tụ tập đông người, dễ phát sinh lây lan dịch bệnh.
Nếu bỏ qua cơ hội này là mất thời cơ vàng, lúc đó tình hình sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Chính phủ hiểu rằng với những yêu cầu nêu trên, người dân, doanh nghiệp có thể sẽ khó khăn hoặc cảm thấy không thoải mái nhưng đây chỉ là những biện pháp tạm thời và cần thiết vì sức khỏe cộng đồng, mong tất cả chấp hành.
Chống dịch phải có sự đồng thuận của tất cả các cấp từ TƯ đến địa phương và đặc biệt có sự đồng thuận, chung sức của người dân.
Nguồn: Vietnamnet
-
Ngay sau khi có Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, chiều ngày 31/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp trực tuyến triển khai ngay các biện pháp
-
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phân phối lớn:
-
Nhiệm vụ đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, vừa bảo đảm đời sống của người dân
-
(VITIC-DNTM) Trong quý I/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19