Các sở GTVT phải nắm chắc việc lưu thông hàng hóa tại địa phương
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh vai trò của các giám đốc sở GTVT trong việc bảo đảm lưu thông hàng hóa tại địa phương, cần chủ động tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố các giải pháp phù hợp, bảo đảm thống nhất, lưu thông hàng hóa thông suốt.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, mỗi tuần Bộ GTVT giao ban 2 buổi với các địa phương, giao trách nhiệm cho các sở GTVT nắm chắc tình hình giao thông trên địa bàn để tháo gỡ kịp thời - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Sáng 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp”. Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành, 28 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp FDI có số vốn lớn, đông công nhân.
Qua phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, có 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt như chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí, giá thành sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như: Chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh; chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ.
Riêng về vấn đề lưu thông hàng hóa, các doanh nghiệp và địa phương phản ánh về tình trạng trừ các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm thì việc vận chuyển, cung cấp hàng hóa đối với các mặt hàng khác thường xuyên bị tắc ở các chốt kiểm dịch và phải thực hiện nhiều thủ tục giấy tờ. Doanh nghiệp tại Phú Thọ cho biết, vận tải hàng hóa phát sinh nhiều chi phí trong quá trình lưu thông do lái xe, phụ xe phải xét nghiệm PCR trung bình 72 giờ/lần.
Doanh nghiệp tại Kiên Giang cũng phản ánh về tình trạng vận chuyển nguyên liệu, hàng hoá, vật tư giữa các địa phương bị kéo dài do thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ và không thống nhất về quy định giữa các địa phương khi phương tiện qua các chốt kiểm soát, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển, làm chậm tiến độ giao nhận hàng hóa.
Tại TPHCM, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đầu cuối phản ánh tình trạng phải phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ không chỉ trong một tỉnh, thành phố mà có sự liên kết kinh tế trong cả vùng kinh tế hoặc trong cả nước, trong khi chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn cục bộ; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, lưu thông hàng hóa hiện không có vướng mắc lớn. Mỗi tuần, Bộ GTVT giao ban 2 buổi với các địa phương, giao trách nhiệm cho các sở GTVT nắm chắc tình hình giao thông trên địa bàn để tháo gỡ kịp thời.
Bộ GTVT cho biết, cơ quan này đang xây dựng kịch bản cho vận tải trong giai đoạn từng bước phục hồi sản xuất khi các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Với các khu công nghiệp, khu chế xuất, Bộ GTVT chú ý việc vận chuyển chuyên gia, người lao động bằng đường hàng không, vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn bằng đường sắt trục Bắc-Nam, đường thủy nội địa cũng được tận dụng tối đa để vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ các công trình xây dựng với khối lượng lớn..., kết nối bằng đường bộ từ các nhà ga, sân bay đến các khu công nghiệp.
"Ngành giao thông đang xây dựng kế hoạch cụ thể của cả 5 phương thức vận tải: Đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa để tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng có quy định chung nhưng một số nơi vẫn chưa thống nhất, dẫn đến việc ách tắc. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Y tế rà soát lại các quy định từ trước để đưa ra quy định chung trong giai đoạn sau giãn cách xã hội, từ đó các bộ, ngành có thể lấy làm căn cứ để xây dựng kế hoạch áp dụng chung cho tất cả các địa phương. Trong tuần này, Bộ GTVT sẽ lấy ý kiến các địa phương để đưa ra quy định tạm thời về vận chuyển hành khách trong giai đoạn nới lỏng giãn cách xã hội", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.
Đối với nội dung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vấn đề lưu thông hàng hóa, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh vai trò điều tiết tổng thể, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cũng như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách. “Doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm, đầu mối giải quyết là các địa phương. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ sát cánh cùng các địa phương, doanh nghiệp”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc luôn bảo đảm thông suốt các tuyến giao thông huyết mạch, trong trường hợp phải phong tỏa thì tìm tuyến thay thế để hàng hóa lưu thông. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế, địa phương có hướng dẫn để công nhân có thể đi lại từ tỉnh này sang tỉnh kia.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các giám đốc sở GTVT trong việc bảo đảm lưu thông hàng hóa tại địa phương, cần chủ động tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố các giải pháp phù hợp, bảo đảm thống nhất, lưu thông hàng hóa thông suốt.
Bộ GTVT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng văn bản cấp trên tạo điều kiện thông suốt nhưng ở cấp dưới lại gây ách tắc. Ngành giao thông và các địa phương không được ban hành các “giấy phép con” gây cản trở lưu thông.
Kịch bản vận tải sẽ có tính kết nối giữa 5 phương thức vận tải và thực hiện theo những nguyên tắc nhất định, bảo đảm việc đi lại, chống ùn tắc, thuận lợi cho người dân theo quy định phòng, chống dịch của địa phương - Ảnh minh họa
Kịch bản vận tải hậu giãn cách xã hội
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về việc tổ chức vận tải, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng kịch bản vận tải khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.
Kịch bản vận tải sẽ có tính kết nối giữa 5 phương thức vận tải và thực hiện theo những nguyên tắc nhất định, bảo đảm việc đi lại, chống ùn tắc, thuận lợi cho người dân, theo quy định phòng, chống dịch của địa phương.
Cụ thể, đối với địa phương thực hiện Chỉ thị 15, tạm dừng hoặc tổ chức lại giao thông công cộng để hạn chế đi lại từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 30% so với bình thường và bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Đối với vùng thực hiện Chỉ thị 19, sẽ tổ chức lại giao thông công cộng. Tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 50% so với bình thường, bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 sẽ theo hướng tập trung tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhu cầu thiết yếu của người dân.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa bình thường, khuyến khích lái xe, người xếp dỡ trên xe áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với vận tải hành khách, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết thêm, vận tải hành khách ở mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng. Thế nên, khi hành khách xuống máy bay, tàu hỏa thì phải có phương án kết nối đường bộ cụ thể.
"Các kịch bản, tình huống đều được Bộ GTVT tính toán để có phương án vận tải cụ thể từ vùng áp dụng Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 và ngược lại, bảo đảm mục tiêu hành khách được lưu thông thuận tiện nhất trong bối cảnh mới", ông Nguyễn Xuân Thuỷ nói.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Link nguồn
-
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực ASEAN đã giảm 25% xuống còn 137 tỷ USD từ mức cao nhất mọi thời đại là 182 tỷ USD vào năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo báo cáo công bố ngày 08/9, ASEAN vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, với tỷ trọng vốn FDI toàn cầu tăng từ 11,9% năm 2019 lên 13,7% năm 2020.
-
Triển khai chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh trong tình hình mới.
-
Nếu tiếp tục phát hiện virus SARS-CoV-2 trên thanh long hoặc hàng hóa khác, phía Đông Hưng (Trung Quốc) sẽ gia hạn thời gian tạm dừng thông quan nhập khẩu thêm 1 tuần đối với mặt hàng đó.
-
Phát triển bền vững ngành Công Thương là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: đến năm 2025,