Hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Ba Lan
Ngày 16/1/2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ đón chính thức do Thủ tướng Donald Tusk chủ trì tại Phủ Thủ tướng và dự Hội đàm giữa hai Thủ tướng.
Tại hội đàm, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho năm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ba Lan (1950-2025), tạo động lực mới đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương tham dự Hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Donald Tusk.
Chia sẻ tình hình mỗi nước, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu rộng về các định hướng lớn, các biện pháp cụ thể và nhất trí xem xét sớm nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm chiến lược. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất với Thủ tướng Donald Tusk những nhóm biện pháp lớn trong đó việc nâng cao hơn nữa hiệu quả, đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ song phương, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 5 tỷ USD, tăng cường kết nối hai nền kinh tế gồm kết nối mềm và kết nối cứng. Hai nhà lãnh đạo đồng thời cũng cam kết sẽ tiếp tục chủ động thúc đẩy hợp tác để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của cả hai nước, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.
Họp Tham vấn Kinh tế song phương Việt Nam – Ba Lan
Chiều ngày 16 tháng 01 năm 2025 bên lề chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tới Cộng hòa Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên và Ngài Krzysztof Paszyk, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan đã đồng chủ trì Phiên họp Tham vấn kinh tế song phương giữa Việt Nam và Ba Lan lần thứ 2.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đồng chủ trì Phiên họp Tham vấn kinh tế song phương lần thứ 2 cùng Bộ trưởng Bộ Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan
Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng đã cùng nhau thảo luận về các lĩnh vực hợp tác như thương mại, công nghiệp, khai thác khoáng sản, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi số, nông sản, dược phẩm và bày tỏ quan điểm về hợp tác trong tương lai trong các lĩnh vực này. Đặc biệt, hai Bên đã trao đổi thông tin về các xu hướng mới nhất trong thương mại song phương và các giải pháp để thuận lợi hoá cho thương mại và đầu tư, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và tham gia các hội chợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại của nhau. Hai Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) tạo điều kiện cho hàng hóa có thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Krzysztof Paszyk, Việt Nam đang là đối tác thương mại quan trọng nhất của Ba Lan trong số các nước ASEAN và là một trong những điểm đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Ba Lan ở châu Á - Thái Bình Dương, Ngày 1/1/2025 vừa qua, Ba Lan đã chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu (EC). Trong nhiệm kỳ này, Ba Lan sẽ thiết lập các chương trình nghị sự tập trung vào các biện pháp nhằm tăng cường an ninh của khối, đặc biệt là an ninh kinh tế, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ xanh, tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong khối, đồng thời tiếp tục thúc đẩy hợp tác ASEAN - EU, Việt Nam - EU. Ngài Bộ trưởng cũng thông báo Ba Lan đã bắt đầu thủ tục nội bộ phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam và Liên minh châu ÂU (EVIPA).
Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan ký Biên bản Phiên họp Tham vấn kinh tế song phương lần thứ 2
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, với lợi thế riêng có của hai nước, cũng như cơ cấu hàng hóa bổ sung cho nhau và các điều kiện và chính sách thương mại đầu tư cởi mở giữa hai nước như hiện nay, dư địa cho phát triển thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn rất lớn, hai nước có thể tiếp tục gặt hái những kết quả tốt đẹp trong tương lai. Đặc biệt, hai nước có tiềm năng tận dụng tốt hơn Hiệp định EVFTA để Ba Lan trở thành cầu nối cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập và phát triển ở thị trường EU cũng như hàng hóa Ba Lan thông qua thị trường Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN và các nước mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, những nền kinh tế mở, hội nhập sâu như Việt Nam và Ba Lan cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và chuyển đổi năng lượng để cùng ứng phó và nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế. Việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại song phương cũng như trong khuôn khổ đa phương giữa hai khối ASEAN và EU sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và Ba Lan.
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số giải pháp để hai bên cùng nhau thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương: Một là, thông qua cơ chế Tham vấn kinh tế song phương sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc, ách tắc để tạo môi trường thông thoáng cho thương mại và đầu tư. Hai là, tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa các cơ quan chính phủ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất hai nước; tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm của nhau để giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh của mỗi nước. Ba là, phối hợp để vận động các nước còn lại trong EU sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) để tạo tiền đề thuận lợi cho việc đầu tư của doanh nghiệp hai bên đầu tư vào nhau, thông qua đó góp phần thúc đẩy cán cân thương mại song phương hài hoà và bền vững. Bốn là, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, còn nhiều dư địa như khai thác khoáng sản đi đôi với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gửi lời mời Bộ trưởng Krzysztof Paszyk và đoàn doanh nghiệp Ba Lan tới thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Tiếp Doanh nghiệp Ba Lan
Sáng ngày 17/1/2025, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Bộ trưởng đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp và làm việc với bà Adamkiewicz, Chủ tịch Tập đoàn Adamed – Tập đoàn dược phẩm, công nghệ sinh học của Ba Lan.
Tại buổi tiếp, Lãnh đạo Adamed bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam và cam kết sản xuất các loại dược phẩm chất lượng cao, giúp thay đổi nhận thức của người dân về các sản phẩm thuốc “Made in Viet Nam”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Adamed Việt Nam cần mở rộng xuất khẩu thuốc ra cả khu vực ASEAN với gần 700 triệu dân và 70 thị trường lớn mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ vướng mắc để Tập đoàn phát triển thuận lợi, hiệu quả tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương tham dự cuộc tiếp xúc với của Thủ tướng Chính phủ với Tập đoàn Adamed
Trong buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cùng Thủ tướng Chính phủ tiếp và làm việc với Tập đoàn LOT – hãng hàng không quốc gia Ba Lan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương tham dự cuộc tiếp xúc với của Thủ tướng Chính phủ với Tập đoàn LOT
Lãnh đạo LOT Airlines cho biết thời gian tới có thể mở lại đường bay thẳng Việt Nam – Ba Lan để kết nối hai cộng đồng năng động. Lãnh đạo LOT cho rằng với việc Chính phủ Việt Nam miễn thị thực cho người dân Ba Lan, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh. Hãng bay Ba Lan là cánh tay nối dài của các hãng hàng không Việt Nam tại vùng Trung và Đông Âu, ngược lại, Vietnam Airlines sẽ là cánh tay nối dài của LOT Airlines tới khu vực Đông Nam Á.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ba Lan
Chiều ngày 17/01/2025 Bộ Công Thương Việt Nam đồng chủ trì với Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ba Lan.
Sau phát biểu chào mừng của ông Krzysztof Paszyk - Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao đổi những định hướng chiến lược, qua đó gợi mở những cơ hội hợp tác mới và những động lực mới định hình mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư song phương đầy triển vọng giữa hai nước.
Tiếp thu ý kiến phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chi tiết hóa nhiều nội dung chiến lược trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Ba Lan. Theo Bộ trưởng, trong quan hệ thương mại song phương, Hiệp định EVFTA thực sự là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ba Lan cất cánh trong những năm gần đây. Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, kim ngạch thương mại song phương vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của hai nước, cơ cấu hàng hóa còn hẹp, chưa đa dạng, đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ của nhau còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.
Bộ trưởng đánh giá cao quyết định của phía Ba Lan về việc bắt đầu thủ tục phê chuẩn nội bộ Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA), và tin tưởng rằng, khi Hiệp định quan trọng này được thông qua, sẽ tạo ra tác động song trùng và đột phá mới cho quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Trong lĩnh vực hợp tác năng lượng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng với tầm nhìn dài hạn của cả hai quốc gia nhằm đảm bảo tương lai năng lượng xanh, bền vững, và tự chủ, và với bề dày kinh nghiệm và công nghệ hiện đại của Ba Lan, hai nước sẽ có nhiều hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này trong thời gian tới; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt đối với những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại, như: công nghệ bán dẫn, phát triển nền tảng số, đổi mới sang tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đào tạo nguồn nhân lực số, công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, môi trường, khai thác mỏ, đóng tàu, công nghiệp quốc phòng, nông nghiệp, quản lý nước thải…
Qua đó, Bộ trưởng tin tưởng rằng, dư địa hợp tác to lớn trong các lĩnh vực nêu trên của 02 nước sẽ tạo ra kỉ nguyên phát triển mới, cân bằng và bền vững hơn cho kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ba Lan.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, một số doanh nghiệp tiêu biểu của hai nước như Tập đoàn dược phẩm Adamed, M2M Team Cool Systems, RawlPlug ( Ba Lan), Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia (PetroVietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tham gia các phiên đối thoại, qua đó chia sẻ về câu chuyện thành công trong quá trình kinh doanh, đầu tư, cũng như định hướng hợp tác tại thị trường của nhau trong thời gian tới. Bên cạnh đó, phiên giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan đã thu hút sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp của cả hai nước tham gia./.
Nguồn: Moit.gov
Link nguồn