Các giải pháp chủ động, liên tục của Bộ Công Thương: Tiệm cận hiệu quả thực thi "mục tiêu kép”
Trong một cuộc họp trực tuyến với các đơn vị trong Bộ Công Thương diễn ra trong những ngày cả nước đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích, không đơn thuần chỉ vì các mục tiêu tăng trưởng; việc làm có trách nhiệm, chủ động còn hướng tới việc đem lại những giá trị mới, chất lượng mới cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của những chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia.
Luôn ở tâm thế chủ động
Còn nhớ, ngay thời điểm Tết Nguyên đán, trước những diễn biến phức tạp trong thông thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Xuất khẩu vào cuộc cùng với các đơn vị hữu quan đi nắm tình hình tại thực địa. Cũng ngay sau đó, Bộ Công Thương là một trong những Bộ đầu tiên trình Chính phủ báo cáo ban đầu về tác động của dịch bệnh Covid-19 lên hoạt động của nền kinh tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, trên cơ sở nhận định đúng và trúng tình hình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ động đề xuất với Chính phủ: Bên cạnh việc đặt ưu tiên cao nhất cho mục tiêu chống dịch, cần có các giải pháp bảo đảm xuất khẩu. Chỉ ít ngày sau đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, tại Văn bản số 808/VPCP-KTTH ngày 5/2/2020, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ theo đó, việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cho đến thời điểm này, thực tiễn đã chứng minh việc ban hành Văn bản số 808 là bước đi hết sức kịp thời bởi chỉ dừng 2-3 tháng thì riêng xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai cũng có thể giảm tới 600 - 700 triệu USD.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiểm tra thực địa tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn để cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong thông quan hàng hóa
Ngay từ khi dịch bệnh chớm bùng phát, bên cạnh việc chỉ đạo quyết liệt lực lượng quản lý thị trường vào cuộc, bảo đảm cao nhất việc mọi người dân đều có đủ khẩu trang phòng dịch, xử lý nghiêm tình trạng thổi giá, găm hàng, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như các đơn vị chức năng đã chủ động mở hướng mới cho các doanh nghiệp dệt may trong nước trong việc chuyển sang tập trung sản xuất khẩu trang vải chống dịch, vừa đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch trong nước, duy trì năng lực sản xuất và tiến tới xuất khẩu như trong thời gian gần đây.
Đầu tháng 2, tình hình dịch bệnh đã có nhiều chuyển biến nhanh với các diễn biến phức tạp, các yêu cầu phòng chống dịch được đề cao hơn. Trong khi đó, các hoạt động bảo đảm bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng trực tiếp phục vụ cho phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn cũng đặt ra những đòi hỏi mới, hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu đứng trước các đòi hỏi gay gắt. Bối cảnh này rõ ràng đặt ra cho công tác quản lý của Bộ cũng như thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ những yêu cầu mới cao hơn, tập trung hơn mà cũng phải minh bạch, mau lẹ hơn. Trong vai trò “Tư lệnh ngành”, Bộ trưởng đã thẳng thắn nêu quan điểm theo đó không thể theo tư duy hành chính và nhất là “không thể chống dịch chỉ bằng một văn bản chỉ thị”. Với tinh thần đó, Bộ trưởng đã yêu cầu từ các lãnh đạo Bộ đến lãnh đạo chủ chốt các đơn vị cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa, bám sát thực tế hơn nữa, kịp thời hơn nữa với tinh thần trong tâm dịch bệnh vẫn phải kiên trì mục tiêu “kép” là vừa phòng chống dịch bệnh có hiệu quả theo chức trách được được phân công, một mặt vẫn bảo đảm tăng trưởng.
Ngày 11/2/2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định 435/QĐ-BCT về thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương với 34 thành viên do Bộ trưởng làm Trưởng ban. Kèm theo đó là chuyên trang phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa chỉ: http://hanhdong.moit.gov.vn/ cũng như Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương trong phòng, chống dịch Covid-19.
Các minh chứng trên cho thấy, trên cơ sở chấp hành nghiêm túc, triệt để các chỉ đạo trong phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ Công Thương đã chủ động vào cuộc từ rất sớm.
Nhiều văn bản quan trọng đã được Bộ Công Thương ban hành để chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng chung. Có thể kể đến Chỉ thị 04/CT-BCT ngày 31/1/2020 về tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của ngành Công Thương; Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 26/2/2020 về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19; Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp, phòng chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19; Quyết định số 481/QĐ-BCT ngày 13/2/2020 về Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19.
Riêng tại Quyết định 481 và Chỉ thị số 06 đã chủ động xây dựng các giải pháp và phân giao 127 nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện. Trong số này bao gồm cả các nhiệm vụ cấp bách trước mắt cũng như mang tính dài hạn.
Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ diễn ra sáng ngày 29/4 vừa qua đã cho thấy, tất cả các nhiệm vụ cấp bách trước mắt được Bộ Công Thương xác định tại 2 văn bản quan trọng nói trên đều đã được hoàn thành, thể hiện trách nhiệm cao của Bộ Công Thương trước Chính phủ, trước cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương cùng người dân cả nước.
Cùng đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và các lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị chức năng đã có nhiều chương trình công tác, làm việc trực tiếp tới các địa phương, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hiệp hội ngành hàng để nắm được thực chất đòi hỏi của thực tiễn của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, nhằm tháo gỡ khó khăn không chỉ cả trước mắt mà còn cả dài hơi trên tinh thần Bộ trưởng đã có lần phát biểu: “Dịch bệnh càng diễn biến khó lường thì vũ khí mạnh nhất, hữu hiệu nhất chính là sự chủ động”.
Không chỉ dừng lại ở đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã thực hiện các cuộc điện đàm với Bí thư Khu ủy Khu tự trị Quảng Tây (Trung Quốc), Bộ trưởng Thương mại và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc, Bộ trưởng Tài chính Philipinnes, Cao ủy Thương mại EU, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản; qua đó đề cập những thực tế hợp tác cả trước mắt lẫn dài hạn, tăng cường đi sâu kết nối nhìn tới bối cảnh dịch bệnh được khống chế, thiết lập những khuôn khổ đường hướng hợp tác theo chiều sâu và thông lệ quốc tế, phát triển các chuỗi cung ứng…
Tại các cuộc điện đàm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với Bộ trưởng nhiều nước mới đây, các Bộ trưởng đều đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam
Tại các cuộc điện đàm và làm việc này, các đối tác đều đánh giá rất cao sự chủ động của Bộ Công Thương, tán thành với cách tiếp cận của Bộ cũng như biểu lộ sự thống nhất cao với các đề xuất mà Bộ trưởng đưa ra.
Có thể nói, Bộ Công Thương đã vào cuộc bằng tâm thế chủ động cao nhất của mình. Chủ động cả trong tư duy, chủ động trong phong cách điều hành, chủ động tiếp cận thực tiễn bằng cái nhìn tổng thể lẫn trong kết nối, cũng như đề ra giải pháp. Điều đáng nói ở đây là suy nghĩ “trong nguy vẫn có cơ”, xác định nếu bỏ lỡ cơ hội nảy sinh từ thực tiễn, chúng ta sẽ vẫn mãi là người đến sau trong việc thiết lập các đường ray tăng trưởng mới cho chính mình.
Tính liên tục trong các giải pháp
Không chỉ vào cuộc với tâm thế chủ động, nét nổi bật đáng chú ý trong thực tế điều hành của Bộ Công Thương trong việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là tính liên tục trong các giải pháp, biện pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.
Chính sự liên tục này đã góp phần tạo niềm tin cho doanh nghiệp, địa phương và người dân cả nước vào các chính sách của Chính phủ, chung tay cùng vượt qua thách thức dịch bệnh ổn định kinh tế, tiếp tục tận dụng các cơ hội mới. Có được niềm tin là rất quan trọng bởi đây chính là nguồn lực to lớn góp phần vào khống chế dịch bệnh để khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế cả nước sẽ bật dậy mạnh mẽ.
Cần nhắc lại, trong số 127 nhiệm vụ được Bộ Công Thương giao cho các đơn vị triển khai thực hiện, cho đến nay, bên cạnh tất cả các nhiệm vụ trước mắt được đề ra và đều được hoàn thành, còn có các nhiệm vụ mang tính dài hạn hướng tới việc củng cố năng lực sản xuất trong nước, thúc đẩy tái cơ cấu các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương, phục vụ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Tính liên tục của các giải pháp, biện pháp đã và đang được Bộ Công Thương đề ra và triển khai trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, địa phương cũng như khai thông thị trường, xa hơn là bảo đảm cơ sở cho nền kinh tế phát triển bình thường trở lại còn được thể hiện ở việc được triển khai đồng bộ, song hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Điển hình là việc đề xuất chính sách hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng với giá trị ước tính lên tới 11.000 tỷ đồng đã nhận được đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên cả nước.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường được Bộ Công Thương đưa ra đều mang tính liên tục
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện tốt, bảo đảm trật tự thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cùng đó đã tập trung kết nối hệ thống phân phối trong nước để giải phóng được khối lượng hàng hóa lớn, đặc biệt là nông sản, giảm áp lực cho xuất khẩu. Cùng với các địa phương cân đối được cung cầu hàng hóa phục vụ chống dịch và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đại dịch, các nhu yếu phẩm được bảo đảm ở mức cao cho mọi vùng địa lý của cả nước.
Nhiều phương thức xúc tiến thương mại hiệu quả trong mùa dịch thông qua nền tảng số được liên tục triển khai. Cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt với các tham tán thương mại, các vụ thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng được thiết lập. Chưa khi nào mà hoạt động xúc tiến thương mại lại song hành nhịp nhàng trong việc khơi thông xuất khẩu như thời gian qua. Bộ Công Thương đã liên tục bám sát tình hình từ tháng 1/2020 để tham mưu trình Chính phủ các biện pháp để vừa bảo đảm kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, vừa xử lý những ách tắc ở cửa khẩu cũng như tìm kiếm các thị trường mới.
Và việc Trung Quốc đồng ý khôi phục lại thời gian thông quan tại cặp chợ Tân Thanh - Pò Chài từ ngày 30/4 (thay bằng từ ngày 6/5 như dự kiến trước đó) là kết quả tích cực sau hàng loạt các biện pháp đồng bộ, chủ động và tích cực của Bộ Công Thương, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước trước tác động của dịch Covid-19.
Khơi thông thị trường đã được làm liên tục, liền mạch từ công tác nắm thông tin, chủ động kết nối trong và ngoài nước, tham mưu trình chính sách với Chính phủ đến việc chủ động làm việc với các đối tác, lãnh đạo các bộ thẩm quyền của các nước là thị trường lớn. Xuất khẩu giờ đây không chỉ đóng vai trò rộng đường cho hàng xuất khẩu Việt Nam đi mà còn cho hàng nhập khẩu là nguồn cung đầu vào cho các ngành sản xuất quan trọng như dệt may, da giày, điện tử, ô tô… Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại 4 tháng đầu năm, cho dù có sự sụt giảm so với cùng kỳ song vẫn đạt mức tích cực nếu tính đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang lan rộng ở nhiều nước trên thế giới.
Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, dịch bệnh Covid-19, với tư cách không chỉ là khủng hoảng y tế bình thường, mà còn mang hình dáng của khủng hoảng thị trường, khủng hoảng an sinh đã bồi một “cú đánh” ngay lập tức, đồng loạt đến nền kinh tế nói chung, tăng trưởng nói riêng. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương, bằng chính sự chủ động trong chỉ đạo điều hành, sự chủ động trong tham mưu và xây dựng chính sách, không chỉ góp phần bảo đảm sự tăng trưởng ở mức cao nhất, mà còn trên cơ sở đó thiết lập những khung khổ mới, giúp nền kinh tế đang chuyển sang trạng thái bình thường mới hoạt động hiệu quả hơn.
Trong một cuộc họp trực tuyến với các đơn vị trong Bộ diễn ra trong những ngày cả nước đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích, không đơn thuần chỉ vì các mục tiêu tăng trưởng, việc làm có trách nhiệm, chủ động còn hướng tới việc đem lại những giá trị mới, chất lượng mới cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của những chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia, chẳng hạn như nâng cao khả năng truy xuất cho hàng hóa Việt. Đó chính là cơ sở mà cũng là đòi hỏi của việc bảo đảm tính liên tục của các biện pháp, giải pháp được Bộ Công Thương xây dựng và ban hành. Có được chính sách đã khó, nhưng khó hơn chính là tạo ra được sự liền mạch của chính sách.
Có thể thấy rõ hơn triết lý mới của việc xây dựng chính sách để tháo gỡ ách tắc không chỉ dừng ở vài nghìn xe hàng, bảo đảm đích đến cho những hàng hóa; mà còn là sự vận hành của một nền kinh tế có độ mở rất cao như Việt Nam. Triết lý đó, nói như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mọi giải pháp phải hướng mạnh đến doanh nghiệp, tổ chức, người dân.
Đó chính là biểu hiện cao nhất của tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Nguồn: Báo Công thương
-
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ và trực tuyến với 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiều ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về phương án điều hành xuất khẩu gạo từ tháng 5/2020
-
Dù Việt Nam đã nỗ lực củng cố hành lang pháp lý về quản lý thuế nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, và chưa theo kịp với thực tế diễn biến các thủ đoạn trốn thuế ngày càng biến đổi nhanh và phức tạp.
-
Người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg;
-
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 4 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 21,1 tỷ USD,