Các doanh nghiệp ngành da giày cần tối ưu hóa lợi ích từ các FTA
Thời gian qua, ngành da giày đã tận dụng khá tốt các Hiệp định thương mại tự do (nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường lớn, doanh nghiệp ngành da giày cần có những bước chuyển đổi phù hợp để tối ưu hóa được lợi ích từ các FTA mang lại.
Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD năm 2024. Ngành da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.
Ảnh minh họa - Nguồn: Moit.gov.vn
Theo số liệu của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lefaso dự báo, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đạt 75-80% với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu. Hiện, giày dép Việt Nam đã có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh… Kết quả trên đạt được nhờ việc tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.
Tuy nhiên, cũng theo đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao. Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất. Những chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.
Do đó, các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Hơn nữa, xu hướng xanh hóa trên thế giới đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để các doanh nghiệp da giày tận dụng hiệu quả các FTA, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, cần lập các nhóm kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các cơ quan liên quan; tập trung xây dựng thương hiệu và có chiến lược xây dựng bài bản, hiệu quả; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan tư, địa phương, hiệp hội, công ty xuất khẩu chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào...); tập trung nâng cao chất lượng, chú ý phát triển bền vững...
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao hiệu suất thông quan qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và các sở ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp.
-
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra nằm trong nhóm hàng thủy sản được hưởng ưu đãi của Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
-
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
-
Ngày 19/8/2024, sau khi các Nghị định thư được ký kết, các mặt hàng gồm: dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu của nước ta chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.