VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích giải pháp tháo gỡ khó khăn về xăng dầu

24/10/2022 07:52

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyên Hồng Diên cho rằng, việc dư luận cho rằng thiếu nguồn cung xăng dầu trong nước là hoàn toàn không chính xác và Bộ có những số liệu, đánh giá chi tiết.

Theo Bộ trưởng, cả thế giới đang rất khó khăn trong vấn đề năng lượng, giá tăng cao mà không có hàng để mua, 5 ngày trước tôi được cử tham gia diễn đàn năng lượng với các đối tác Nga, Bộ Kinh tế Nga.

Tại Nga sở hữu khối lượng dầu mỏ lớn, chiếm 30-35% dầu lửa thế giới, Nga khó khăn trong việc bán ra sản phẩm dầu lửa và khí đốt, giá bán lẻ của Nga là 58-60 Rup/lít, so với đồng USD là từ 1-1,2 USD (tương đương trên 30 nghìn/lít). Trong khi đó, ở Việt Nam duy trì ở ngưỡng từ 21- 25 nghìn đồng/lít, ở thời điểm này khoảng 23 nghìn đồng/lít. “Giá xăng dầu của chúng ta có giá cơ sở nằm trong nhóm các nước thấp nhất trong khu vực và có thể nói trong nhóm các nước thấp nhất thế giới, trừ Malaysia trợ cấp trong nước thì không nói, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua với giá cao hơn bình quân giá của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, cho nên biên độ dao động của giá xăng dầu rất cao, chúng ta điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo quy định, tăng, giảm phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Đối với mặt hàng xăng, trong 10 kỳ điều hành liên tiếp (100 ngày) giá liên tục giảm, nhưng đến thời điểm này bắt đầu lên. Những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập với giá cao ở kỳ trước nhưng bán giá thấp đương nhiên bị thua lỗ.

Lý giải vấn đề: Tại sao có chuyện bảo đảm cung ứng xăng dầu mà lại có chuyện đứt gãy, nhiều cửa hàng đóng cửa? Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, về nguồn cung, Việt Nam chưa bao giờ thiếu, cho đến thời điểm này, dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác. Chúng tôi có những cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá một cách rất chi tiết.

Chúng tôi có lực lượng quản lý thị trường, Sở Công Thương kiểm soát trên từng địa bàn để nắm được lượng hàng. Đến thời điểm ngày 30/9/2022, chúng ta còn hàng dự trữ thương mại (hàng dự trữ quốc gia không động đến) là 1,255 triệu m3, năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu m3/tháng.

Theo kế hoạch phân giao, 34 doanh nghiệp đầu mối của chúng ta phải nhập trong kỳ tháng 10 là 500 nghìn m3, như vậy chúng ta đã có hơn 3 triệu m3 ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến giữa tháng 11. Trong khi sang tháng 11 tiếp tục sản xuất gối đầu và nhập khẩu.

Rõ ràng, nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường lại có khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã nhập khối lượng tương đối lớn với giá cao kỳ trước, sau đó, giá xăng dầu trong nước (được điều hành theo xu hướng biến động của giá thế giới) đã liên tục giảm, dẫn đến lỗ mà đã lỗ thì không dám làm. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí, định mức của chúng chưa được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế” - Bộ trưởng nói.

Từ lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đều bất cập.

Mặt khác, tại sao lại không xảy ra việc đóng cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu: Thứ nhất, phải khẳng định trước đó ở khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. "Bằng chứng hồi tháng 8, chúng ta tiếp tục bắt giữ, triệt phá những vụ làm giả xăng dầu mấy trăm triệu lít. Đấy là tảng băng nổi thôi, còn chìm là bao nhiêu thì phải có thời gian mới giải quyết được" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

Rõ ràng, khi có lượng xăng dầu trôi nổi như vậy, người kinh doanh trong lĩnh vực này không quan tâm lắm đến chi phí định mức, chiết khấu và kể cả đến việc đăng ký mua của đơn vị đầu mối hay thương nhân phân phối nào một cách ổn định.

Đến bây giờ chúng ta kiểm soát về xăng dầu giả, siết chặt xăng dầu lậu, cho nên chỉ còn xăng dầu chính ngạch. "Mà xăng dầu chính ngạch, như tôi vừa phân tích giá biến động liên tục như thế, chiết khấu thấp. Người đang kiếm được rất nhiều tiền, giờ kiếm được ít tiền, thậm chí lỗ thì không ai muốn làm" - Bộ trưởng nói.

Thứ hai, vừa qua cơn lốc về chứng khoán, bất động sản cũng có những tác động nhất định. "Tôi không nói tất cả nhưng qua quan sát thấy rằng, có một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có tham gia ít nhiều vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Thời gian gần đây lĩnh vực này có những biến động nên nguồn tiền cũng bị vơi đi. Cho nên đến kỳ nhập (bối cảnh nhập cao, bán thấp) thì người ta không còn tiền và không hấp dẫn" - Bộ trưởng nhận định.

Thêm nữa room tín dụng, khi doanh nghiệp được cấp phép là đầu mối hoặc thương nhân phân phối sẽ được ngân hàng cấp cho room tín dụng, khoản vay nhưng vì room được quy định từ trước, giá xăng dầu trước đây chỉ 50-60USD/thùng nhưng bây giờ giá cao, thậm chí có thời điểm gấp hơn 2 lần mà room tín dụng vẫn vậy, những doanh nghiệp kể cả làm ăn đứng đắn cũng không đủ tiền nhập, chứ chưa nói đến những doanh nghiệp "tay trái" kết hợp này kia cũng là nguyên nhân phải đề cập.

Thứ ba, trước đây các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh ở từng khu vực họ có nhiều nguồn để lấy, cùng 1 lúc ký với nhiều doanh nghiệp đầu mối, nhưng ký xong rồi không mua hàng, dẫn đến câu chuyện anh ký với nhiều doanh nghiệp đầu mối nhưng bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng không mua của người ta, thì doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối.

Petrolimex không bao giờ thiếu hàng, nhưng họ phải ưu tiên bảo đảm cho hệ thống của mình trước và các thương nhân phân phối có hợp đồng mua bán ổn định với người ta. Giải quyết chuyện này, về nguyên tắc vẫn phải theo luật, doanh nghiệp nào sai theo quy định của pháp luật thì phải bị xử lý.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang có hiệu lực, nhưng vừa qua đã bộc lộ một số điểm hạn chế, Bộ Công Thương đã và đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu cùng với các bộ ngành để xem xét, đề xuất sửa đổi.

Trách nhiệm không chỉ của Bộ Công Thương

Trong quản lý mặt hàng xăng dầu, dư luận đang đặt vấn đề trách nhiệm, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ngoài Bộ Công Thương, hiện có 6 Bộ ngành cùng quản lý. Bộ Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung - tức là nguồn cung xăng dầu ra thị trường và quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối cho tới thương nhân phân phối. Thuế, chi phí định mức, chi phí kinh doanh xăng dầu... trong giá xăng dầu là Bộ Tài chính; Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo lưu thông mặt hàng này; quản lý chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học và Công nghệ; quản lý môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường; các địa phương cũng được giao trách nhiệm này.

Ngoài ra, còn có Ngân hàng Nhà nước có vai trò là cơ quan cấp hạn mức tín dụng, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường…

Trong hệ thống kinh doanh xăng dầu có 4 tầng lớp: Doanh nghiệp nhập khẩu (tức doanh nghiệp đầu mối) - Thương nhân phân phối (doanh nghiệp mua xăng dầu từ đầu mối) - Tổng Đại lý/ Đại lý - Cửa hàng bán lẻ.

Với cấp Tổng Đại lý/Đại lý và cửa hàng bán lẻ, theo Bộ trưởng hiện có khoảng 17.000 cửa hàng. Đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp phép, giám sát hoạt động. Cho nên, trong việc phân phối thì ngoài việc quản lý kiểm soát, điều tiết doanh nghiệp đầu mối thì rất cần các địa phương vào cuộc kiểm soát và quản lý, xử lý đối với hai cấp độ này. Có như vậy mới đồng bộ, hiệu quả.

Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính  phủ quy định rõ trách nhiệm đối với từng Bộ ngành, đơn vị, địa phương có liên quan, gồm:

1. Bộ Công Thương:

a. Kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu tuân thủ các điều kiện về hoạt động xăng dầu; Hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu.

b. Hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu.

c. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thông qua cơ chế hoạt động của Tổ liên ngành  điều hành giá xăng dầu.

d. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng yêu cầu xăng dầu trên địa bàn.

đ. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đưa nhiên liệu sinh hoạt lưu thông trên thị trường trong nước, theo lộ trình quy định của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách, cơ chế về giá, thuế, phí, cơ chế tài chính khác để khuyến khihcs sử dụng nhiên liệu sinh hoạt, bảo đảm nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

e. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu (trên bộ, trên mặt nước), quy định thực hiện thống nhất trong cả nước.

2. Bộ Tài chính:

a. Chủ trì, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định về các loại thuế, phí có liên quan.

b. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở, hướng dẫn việc quản lý, trích  lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; kiểm tra giám sát việc thực hiện chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.

c. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan hướng dẫn việc sử dụng các công cụ tài chính phù hợp để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, bảo đảm nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ:

a. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quản lý, kiểm tra kiểm soát đo lường, chất lượng xăng dầu sản xuất pha chế, nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

b. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan  xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo lường, chất lượng xăng dầu, quy định thực hiện thống nhất trong cả nước.

c. Hướng dẫn việc sử dụng phụ gia không thông dụng để pha chế xăng dầu; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quả lý năng lực phòng thí nghiệm.

d. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý về đo lường, chất lượng của thương nhân kinh doanh xăng dầu.

4. Bộ Giao thông vận tải:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan quy định tiêu chuẩn, điều kiện điểm đấu nối của hệ thống giao thông với hệ thống cơ sở kinh doanh xăng dầu quy định vùng nước hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở kinh doanh xăng.

b. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu.

c. Chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

6. Ban Chỉ đạo 389: Chủ trì, phối hợp công tác phòng chống buôn lậu trong lĩnh vực xăng dầu.

7. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành tại địa phương hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu tại địa phương, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của luật hiện hành; giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn quản lý; quy định giờ bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu; quy định các trường hợp dừng bán hàng; quản lý thương nhân cung cấp xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.119.359