Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng phụ trách Hiệp định CPTPP của Nhật Bản
Ngày 08 tháng 7 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với ông Shindo Yoshitaka, Bộ trưởng phụ trách Hiệp định CPTPP của Nhật Bản nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đã và đang phát triển tốt đẹp và ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ với điểm nhấn là sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước kể từ khi trở thành Thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá cao vai trò điều phối của Nhật Bản trong quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh (UK). Hiện tại, các Thành viên CPTPP đang tiến hành thủ tục phê chuẩn theo quy trình nội bộ của mình để Hiệp định chính thức có hiệu lực với UK và các Thành viên CPTPP. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông báo về việc Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn việc UK gia nhập Hiệp định CPTPP vào ngày 25 tháng 6 năm 2024, đưa Việt Nam vào nhóm nước đầu tiên phê chuẩn để Hiệp định sớm có hiệu lực với UK, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân của cả khối CPTPP.
Về việc gia nhập Hiệp định của các nền kinh tế khác, hai Bộ trưởng nhất trí hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc xem xét gia nhập của các nền kinh tế khác trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn cao của Hiệp định, phù hợp với mong muốn của tất cả các Thành viên CPTPP.
Về việc thực thi Hiệp định CPTPP, hai Bộ trưởng nhất trí hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trong hoạt động Rà soát thực thi Hiệp định, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định CPTPP trong thời gian tới, giúp mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời giúp nâng tầm Hiệp định CPTPP để Hiệp định CPTPP đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong thương mại khu vực và toàn cầu.
Đối với quan hệ thương mại song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị phía Nhật Bản xem xét, tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Nhật Bản nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp của Việt Nam tận dụng hiệu quả các cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do mà cả hai nước cùng là thành viên nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương, tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 18,3 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 3,2%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 8,8 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 45 tỷ USD, giảm 5,6% so với năm 2022; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 23,3 tỷ USD, giảm 3,8%; nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 21,6 tỷ USD, giảm 7,5%.
Nguồn: Moit.gov
Link nguồn
-
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu cho biết Uỷ ban Hợp tác về phát triển bền vững khu vực Bắc Âu đã họp và nhất trí đưa ra một nguyên tắc, tiêu chuẩn chung quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đối với hàng dệt may. Mục tiêu chính của việc đưa ra các quy định là nhằm giảm khối lượng lớn quần áo và hàng dệt may được tiêu thụ ở khu vực Bắc Âu.
-
Kết luận phiên họp Chính phủ và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GDP quý III từ 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024 và giữ đà, giữ nhịp phát triển trong năm 2025.
-
Chiều ngày 05/07/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Cơ chế DPPA).
-
Từ đầu năm 2024, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn quốc (Bộ MOTIE) đã đàm phán, thống nhất và đi đến ký kết “Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc về định hướng xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 150 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn”.