VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khảo sát và làm việc tại Công ty Xăng dầu khu vực 1

17/10/2022 08:06

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, về việc xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu, chiều ngày 14/10, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với Công ty Xăng dầu khu vực 1, trực tiếp khảo sát Tổng kho Xăng dầu Đức Giang - thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Tham gia Đoàn công tác gồm có lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Dầu khí và than, Vụ Khoa học và công nghệ, Văn phòng Bộ Công Thương.

Buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình thực tế về công tác dự trữ xăng dầu, bảo đảm nguồn cung; việc chấp hành các quy định của Nhà nước đối với công tác dự trữ xăng dầu; khảo sát hiện trạng cơ sở vật chất; đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác dự trữ xăng dầu, bảo đảm nguồn cung và các kiến nghị của doanh nghiệp với nhà nước.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đối với mọi quốc gia, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, không chỉ đơn thuần là năng lượng cho sản xuất, đời sống mà còn là an ninh quốc gia. Nên đây được coi là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật giá trị và phải được đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Chính phủ các nước đều có những tác động cần thiết, thậm chí là rất lớn vào những thời điểm cần phải bình ổn mặt hàng chiến lược này.
Bộ trưởng cho biết, những năm qua, việc quản lý hoạt động kinh doanh, dự trữ quốc gia về xăng dầu đã được Nhà nước quy định rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Điển hình là Nghị định 83/2014/NĐ-CP kinh doanh xăng dầu và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 83 và các quy định về dự trữ quốc gia xăng dầu. Có thể thấy, Nhà nước phân giao nhiệm vụ quản lý xăng dầu cho nhiều cấp, ngành, trong đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về hoạt động cung ứng và hệ thống kinh doanh; Bộ Tài chính quản lý về vấn đề giá, thuế, phí, lệ phí, quy định về dự trữ quốc gia xăng dầu; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý về chất lượng xăng dầu, tiêu chuẩn về môi trường; còn các địa phương chịu trách nhiệm quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu bán lẻ trên địa bàn
Để quản lý tốt lĩnh vực này, không chỉ cần sự nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị mà còn cần sự phối hợp rất nhuần nhuyễn và trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, mặc dù hệ thống pháp luật về quản lý, điều hành kinh doanh mặt hàng xăng dầu đã có sự thay đổi nhưng vẫn có độ trễ nhất định so với những biến động khó lường, “dị biệt” của thị trường trong thời gian qua. Khi khủng hoảng năng lượng diễn ra gay gắt do tác động của đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất và cung ứng mặt hàng chiến lược này trên toàn cầu; cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn… làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường xăng dầu trong nước. Những yếu tố đó đã tác động, làm bộc lộ rõ nét hơn những hạn chế trong hoạt động quản lý kinh doanh, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia đối với mặt hàng chiến lược này.
Nỗ lực đảm bảo nguồn cung, đáp ứng yêu cầu của thị trường
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT Petrolimex Phạm Văn Thanh đã báo cáo nhanh về tình hình kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022 của Tập đoàn. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng tạo nguồn của toàn Tập đoàn là 8.061.579 m3, đạt xấp xỉ 104% tổng nguồn tối thiểu được giao (Tổng nguồn tối thiểu được giao năm 2022 là 7.7 triệu m3), trong đó nhập khẩu chiếm 42% và 58% còn lại mua từ 2 Nhà máy lọc dầu trong nước. Sản lượng xuất bán hợp nhất 9 tháng đầu năm 2022 là 10.118.000 m3/tấn tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 83% kế hoạch.

Ông Thanh cho biết, trong những ngày đầu tháng 10/2022, tình trạng khan hiếm cục bộ tại một số tỉnh phía Nam đã dồn áp lực sang hệ thống phân phối của Petrolimex, đơn cử sản lượng bán lẻ của TP HCM ngày 10/10/2022 tăng 72% so với ngày 09/102022, Bình Dương tăng 77%, Cần Thơ tăng 58%, Bà rịa - Vũng tàu tăng 60%... Với những đặc điểm và khó khăn như vậy, mặc dù sản lượng nội địa của Tập đoàn tăng 20% so cùng kỳ, riêng bán lẻ tăng 26% so cùng kỳ nhưng lợi nhuận xăng dầu 9 tháng của Tập đoàn ước lỗ -780 tỷ đồng.

Đối với công tác dự trữ, hiện, Petrolimex đang bảo quản khoảng 70% lượng xăng dầu dự trữ quốc gia tại 9 điểm kho của các Công ty xăng dầu thành viên trên cả nước. Tuy nhiên, phần lớn xăng dầu dự trữ quốc gia được bảo quản chung với hàng thương mại của đơn vị do hệ thống bồn bể còn hạn chế, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia còn thấp.
Để đảm bảo việc các đầu mối xăng dầu thực hiện đúng các nghĩa vụ trong việc nhập khẩu và bán xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định 95, tại buổi làm việc, ông Thanh kiến nghị Bộ Công Thương tiến hành rà soát và quy hoạch lại số lượng các đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối để tăng khả năng kiểm soát của nhà nước và sự chịu trách nhiệm về nguồn cung của thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc quản lý kinh doanh xăng dầu thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin từ các kho xăng dầu đến các cột bơm tại các cửa hàng xăng dầu một cách đồng bộ trên phạm vi tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Cùng với đó, ông Thanh cũng đề xuất cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất trong những thời điểm khó khăn về nguồn và hoặc khi giá biến động với biên độ cao để đảm bảo các thương nhân kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm chấp hành đúng các qui định của pháp luật; kịp thời điều chỉnh định mức kinh phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia phù hợp với chi phí thực tế của doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Trường hợp Chính phủ quyết định nâng mức Dự trữ quốc gia, Petrolimex đề xuất hoàn thành quy hoạch hệ thống kho bể chứa hàng dự trữ quốc gia trên toàn quốc đồng thời nghiên cứu đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, kho dự trữ xăng dầu hoặc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đầu tư thông qua các cơ chế khuyến khích, tháo gỡ khó khăn.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - ghi nhận Petrolimex là một trong những đơn vị gương mẫu, tiên phong trong thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến xăng dầu, như: chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu; đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị; đặc biệt Petrolimex là một trong số các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong công tác bình ổn thị trường.

Liên quan tới các kiến nghị của Tập đoàn, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ đã và đang tích cực rà soát, quyết liệt thanh kiểm tra, quy hoạch lại số lượng các đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối để đảm bảo các đầu mối thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo Nghị định 95. Ông Trần Duy Đông cũng lưu ý thêm, Nghị định 95/2021/NQ-CP quy định, khi thị trường có biến động bất thường và thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối được phép sử dụng dự trữ lưu thông tại thời điểm đó để cung ứng đủ cho nhu cầu thị trường. Đây cũng là cơ sở để Petrolimex và các doanh nghiệp đầu mối được tạo điều kiện hơn trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cũng đánh giá, sau gần 30 năm thực hiện công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, qua các kỳ kiểm tra, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty Xăng dầu Khu vực I về cơ bản đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống. Tồn tại chính hiện nay trong bảo quản xăng dầu quốc gia là mặt hàng dự trữ quốc gia vẫn chứa  chung với mặt hàng kinh doanh, mà nguyên nhân chính là do chi phí Nhà nước chi trả cho việc bảo quản thấp, doanh nghiệp phải bảo quản chung với mặt hàng kinh doanh để tiết giảm chi phí, cũng như hệ thống bồn bể của Tập đoàn chưa đáp ứng đủ.
Qua quá trình triển khai công tác quản lý thị trường thời gian qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cũng ghi nhận Petrolimex đã thực hiện tương đối tốt các quy định về kinh doanh xăng dầu, đặc biệt liên quan đến điều kiện kho bãi, hệ thống phân phối, cầu cảng, thực hiện trách nhiệm đảm bảo tổng nguồn được giao, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia, quản lý an toàn phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa sự cố,…

Tăng cường công tác kiểm tra giám sát
Tại buổi làm việc Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận những nỗ lực của Petrolimex trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật và theo chỉ đạo của các Bộ, ngành chức năng. Tập đoàn cơ bản đã cung ứng đủ xăng dầu trong phạm vi cả nước cho các thương nhân phân phối và hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình cũng như các công ty thành viên. Hoạt động dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại cơ bản  được thực hiện theo quy định. Riêng Công ty Xăng dầu khu vực 1 đã cơ bản cung ứng đủ lượng xăng dầu cho nhu cầu của 11 tỉnh, thành phố Trung du miền núi phía Bắc và thực hiện tốt bảo quản hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa được chứa riêng theo đúng quy định
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của Tập đoàn trong thời gian qua cần phải khắc phục để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới như: Trong hoạt động điều phối kinh doanh của mình, từ thương nhân phân phối đến cửa hàng bán lẻ, có lúc, có nơi chưa thật tốt, một số thời điểm chưa cung ứng xăng dầu kịp thời đến những nơi cần thiết; dự trữ thương mại có lúc chưa bảo đảm về khối lượng và thời gian theo đúng quy định; ở một số khu vực, dự trữ nhà nước còn bị trộn lẫn với dự trữ thương mại; Điều kiện để thực hiện dự trữ đạt yêu cầu theo quy định  hiện hành, nhưng trên thực tế có những nơi chưa phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này. Trong đó, về nguyên nhân khách quan, các quy định hiện hành, thậm chí có những quy định vừa mới được sửa đổi (như Nghị định 95), qua cơn sốc vừa rồi đã bộc lộ bất cập. Các quy chuẩn, định mức đã đề xuất nhưng chưa được ban hành; sửa đổi thuế, phí, các loại định mức còn chậm. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia để có đề xuất đối với cấp thẩm quyền; phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong việc phối hợp quản lý mặt hàng này, đặc biệt là trong những tình huống cấp bách.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, mà trước hết là ý thức chấp hành các quy định chưa thật tốt; chưa làm tốt công tác dự báo nên việc lên các phương án dự phòng chưa sát tình hình thực tế; mối liên kết trong các chuỗi cung ứng từ Tập đoàn đến các Công ty thành viên, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ chưa thật sự chặt chẽ, hợp lý; cùng với đó là công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, thiếu kiểm soát, xử lý chưa kiên quyết.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng giao cho Tập đoàn Petrolimex và Công ty Xăng dầu khu vực I với 5 nhiệm vụ cụ thể, trong đó cần tập trung triển khai các nhiệm vụ kinh doanh, dự trữ xăng dầu theo quy định hiện hành, đồng thời chấn chỉnh, xốc lại tổng thể các mối liên kết trong chuỗi cung ứng hoạt động kinh doanh xăng dầu từ Tập đoàn đến các đơn vị bán lẻ, kể cả ngoài hệ thống của mình.
Bộ trưởng đánh giá cao Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là đơn vị tiên phong trong áp dụng công nghệ trong quản lý hệ thống của mình và đề nghị Tập đoàn tiếp tục là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này, triển khai từ Tập đoàn cho đến các đơn vị thành viên và những đơn vị vệ tinh. Tuy nhiên, Tập đoàn cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp trên với cấp dưới đối với các đơn vị thành viên, các đơn vị thành viên đối với các vệ tinh, từ thương nhân phân phối đến các cửa hàng bán lẻ. Kiểm tra, giám sát uốn nắn, xử lý theo quy định.
Từ hoạt động thực tiễn trong kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ dự trữ nhà nước và dự trữ thương mại, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tập đoàn tiếp tục tổng hợp những bất cập và đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập đó. “Bộ Công Thương với tư cách là Bộ chức năng quản lý nhà nước về cung ứng và kinh doanh xăng dầu sẽ tiếp thu các ý kiến, đồng thời  phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương để có những uốn nắn, sửa chữa kịp thời  trong thời gian tới” – Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, những đề xuất kiến nghị của Tập đoàn tại buổi làm việc là xác đáng, đồng thời, trên tinh thần cầu thị, đề nghị Tập đoàn tiếp tục cập nhật, tổng hợp đề xuất, báo cáo nhanh bằng văn bản. Đó cũng chính là cơ sở để Bộ Công Thương và các Bộ, ngành chức năng cùng phối hợp xem xét và giải quyết trong thời gian tới.


 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.013.027