VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

10/11/2024 09:52

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải trình, làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại Tổ diễn ra vào chiều ngày 26/10, Bộ Công Thương đã nhận được 104 lượt ý kiến góp ý. Qua tổng hợp, đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) và đánh giá cao sự chuẩn bị về hồ sơ dự án Luật.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay là xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước nhưng vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất và dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc mà không cần quá dài. Được sự thống nhất, đồng hành của Cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ Công Thương đã có báo cáo tiếp thu, giải trình và gửi đến các đại biểu Quốc hội kèm theo dự thảo luật mới bao gồm 10 chương, 93 điều, giảm hơn so với dự thảo ban đầu là 37 điều. Bộ sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của các Đại biểu tại buổi thảo luận hôm nay để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực

Về cần thiết phải sửa đổi và tên gọi của luật, Bộ trưởng cho biết, Luật Điện lực đã ban hành được 20 năm, có 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (trong đó lần sửa đổi gần nhất là tháng 9/2023) và đã giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Song lần này, Bộ trưởng nhấn mạnh “đòi hỏi phải xem xét để sửa đổi một cách toàn diện”,  bởi lẽ Việt Nam đã hội nhập với thế giới, nên chúng ta phải có trách nhiệm nội luật hóa luật của mình để phù hợp, tương thích với điều ước, công ước quốc tế, tương thích với luật trong lĩnh vực năng lượng nói chung, đặc biệt là điện giữa Việt Nam với thế giới và khu vực.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng phân tích, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mới về phát triển năng lượng, tuy nhiên trên thực tế chúng ta chưa thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách nêu trên của Đảng, mà mới ban hành các quy định dưới dạng Nghị định, thậm chí là Thông tư.

"Đã đến lúc phải luật hóa, thể chế các chủ trương, chính sách của Đảng và luật hóa những quy định dưới luật về phát triển năng lượng mà chúng ta đã vận hành trong nhiều năm qua dưới hình thức Nghị định, Thông tư ”- Tư lệnh ngành Công Thương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ điện năng trong nước đang tăng khá mạnh; trong khi Việt Nam phải đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết với quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc nước ta phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới; chuyển đổi mạnh mẽ những nguồn điện có nguồn gốc hóa thạch (trước hết là điện than). Từ đó đặt ra yêu cầu rất cao về hoàn thiện thể chế một cách đồng bộ, thông thoáng để có thể huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển ngành điện.

Tuy nhiên, có một thực tế là các nội dung về năng lượng tái tạo hay nguồn năng lượng mới (như hydrogen, amonic xanh, điện hạt nhân…) chưa được quy định một cách cụ thể trong luật hiện hành. Lấy dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đã công bố Quy hoạch điện VIII từ khoảng 1,5 năm trước, nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư mới nào đề xuất dự án, bởi không có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách; trong khi đó, chỉ còn 5 năm rưỡi nữa (đến năm 2030), nước ta cần phải tăng gấp 2 lần công suất lắp đặt của các nguồn điện toàn hệ thống so với hiện nay.

Nếu như chúng ta không kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi thì chắc chắn không có nhà đầu tư vào và không thể nào đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho đất nước”- Bộ trưởng nói và cho biết thêm, theo tính toán của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 14 - 16 tỷ USD/năm, tương đương mức khoảng 320.000 - 350.000 tỷ đồng Việt Nam. Nếu chúng ta không có cơ chế, chính sách thì không thể nào có nhà đầu tư. Đây là một thách thức rất lớn.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công Thương liên tục phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán. Các cơ quan chức năng này đã chỉ ra nhiều vướng mắc, vi phạm liên quan đến triển khai các dự án điện lực và khuyến nghị những vấn đề phải sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới. Bộ Công Thương đã đưa những nội dung này vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) để cùng với Cơ quan chủ trì thẩm tra trình Quốc hội. Ngoài ra, khi giám sát hoạt động điện lực và thực hiện Luật Điện lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH ngày 13/12/2023, trong đó yêu cầu Chính phủ và Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành có liên quan phải sửa căn bản Luật Điện lực để khắc phục căn bản được những điều đã nêu ra.

Từ các lý do nêu trên trên, Bộ Công Thương đề xuất phải sửa đổi Luật Điện lực. Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật đều là những vấn đề lớn, căn cốt, vấn đề mà nếu không có thì sẽ không thể giải quyết được những ách tắc hiện nay trong lĩnh vực điện lực- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

"Đến năm 2030, chúng ta cần phải tăng gấp 2 lần công suất hiện nay và đến năm 2050, tức là còn 26 năm nữa, chúng ta phải gấp 5 lần công suất hiện nay, trong khi các nguồn điện truyền thống (như thủy điện, điện than) không còn dư địa để phát triển, năng lượng mặt trời cũng chỉ phát trong những khung giờ nhất định, nếu phải tính cả đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện cũng không phải rẻ hơn và cứ cho là có cả lưu trữ điện thì chúng ta cũng không thể nào tăng gấp 2-5 lần công suất hiện nay bằng năng lượng tái tạo. Vì vậy, những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có, nhưng để có được các nguồn năng lượng trên thì ngay từ bây giờ những nội dung về phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới phải được đề cập trong Luật Điện lực. Có như vậy, thì sau 10 năm nữa chúng ta mới có được những dự án về các nguồn năng lượng này"- Bộ trưởng nêu.

Sau khi sửa đổi, dự thảo Luật giữ nguyên và sửa 50/70 điều so với luật hiện hành, hiệu chỉnh lớn 20 điều, bổ sung mới 23 điều. Những điều bổ sung mới chủ yếu quy định về năng lượng mới, phát triển thị trường điện cạnh tranh, quy định rõ thẩm quyền cơ quan quyết định chủ trương đầu tư đối với những dự án điện cấp bách và chủ trương, thẩm quyền thu hồi các dự án điện chậm tiến độ.

Dự án điện khác với các dự án công nghiệp khác ở chỗ điện bao giờ cũng phải đi trước một bước, và điện sản xuất ra phải có địa chỉ tiêu dùng”- Bộ trưởng nói và cho biết thêm, trên thực tế có những dự án đã giao cho nhà đầu tư 10 năm nay, thậm chí có dự án gần 20 năm nay nhưng họ có đủ lý do để chưa triển khai. “Như vậy, chúng ta đang thiếu điện là do các dự án trước đó không có cơ chế nào thu hút, chỉ áp dụng cơ chế chung như các dự án đầu tư khác, trong khi dự án điện thì đặc thù. Mặt khác các dự án điện đã được quy hoạch rồi thì phải làm, đã giao thì phải làm, không làm được thì phải bị thu hồi. Đây là những vấn đề mà chúng tôi thấy không có quy định cụ thể thì không thể nào làm được” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi các quy định trong dự thảo Luật

Đề cập đến tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo luật này, Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến các Đại biểu Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, thiết kế dự thảo Luật Điện lực theo hướng “chỉ đưa vào những điều khoản quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những nội dung chi tiết sẽ giao cho Chính phủ quy định để bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong triển khai dự án luật”. Sau khi tiếp thu ý kiến, dự thảo mới nhất chỉ còn 10 chương, 93 điều; tăng 23 điều (chủ yếu là những nội dung mới như báo cáo ở trên) so với Luật hiện hành và giảm 37 điều so với dự thảo ban đầu của Luật Điện lực (sửa đổi).

Trong hồ sơ dự án trình Quốc hội, Bộ đã có Báo cáo số 242 về rà soát văn bản quy phạm pháp luật và Báo cáo 243 về đánh giá tác động chính sách. Theo đó, đã đối chiếu kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật với các luật chuyên ngành có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không chồng chéo, trùng lắp về nội dung; đồng thời, rà soát, đối chiếu với các điều ước quốc tế để tránh thiếu sót hoặc chưa bảo đảm tính tương thích.

Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu để tiếp thu, hoàn chỉnh những nội dung chi tiết mà các Đại biểu nêu”- Bộ trưởng cho hay.

Thông qua 6 nhóm chính sách trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ cơ bản giải quyết vấn đề thực tiễn

Về 6 nhóm chính sách cụ thể trong dự thảo Luật, Bộ trưởng khẳng định, đã quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định và những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và một số nguồn điện nền như điện khí, điện hạt nhân, kể cả điện hydro xanh nhằm khai thác được tiềm năng năng lượng tái tạo ở các địa phương, nhất là điện mặt trời và điện gió trên bờ.

Giải trình thêm về nội dung được nhiều đại biểu quan tâm như điện gió ngoài khơi, Bộ trưởng cho biết, hiện nay công nghệ chế tạo thiết bị xây dựng, lắp đặt đã được triển khai và thương mại hóa thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, sự phức tạp và rủi ro về công nghệ đã được kiểm nghiệm và minh chứng an toàn trong thực tiễn. Nghị quyết 55 và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cũng đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp là phải thể chế hóa các nội dung để phát triển điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cơ chế, chính sách chủ đạo để xây dựng, phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhất là vấn đề sản xuất, kinh doanh điện. Người đứng đầu ngành Công Thương thông tin, đến nay đã có 52% các nhà đầu tư ngoài nhà nước tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Về thị trường bán buôn điện thì Chính phủ đã ban hành Nghị định về chính sách mua, bán điện trực tiếp và đã quy định không chỉ 5 đơn vị được mua buôn điện. Còn bán lẻ, Bộ Công Thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi, ban hành mới các quy định về giá điện 2 thành phần, khung giá theo giờ… Tất cả những việc đó chúng ta đang vận hành để bảo đảm phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ theo lộ trình.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về cơ chế để có thể quyết định chủ trương đầu tư đối với những công trình điện khẩn cấp (cho phép chỉ định thầu) và xử lý nghiêm các công trình, dự án điện chậm tiến độ… để bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia; bổ sung quy định về giao thẩm quyền cho Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan quy định chi tiết vvận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; về bảo vệ an toàn công trình nguồn điện, về an toàn điện và an toàn theo đặc thù trong lĩnh vực thủy điện mà Luật hiện hành chưa quy định. Các quy định này được bổ sung trên nguyên tắc vừa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật vừa giải quyết được hiệu quả những vấn đề đặc thù của các dự án điện. Việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) đã gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quá trình sửa đổi các Luật trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu đang trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được xây dựng, trình Quốc hội với tinh thần không cầu toàn nhưng phải giải quyết được kịp thời các vấn đề/ điểm nghẽn căn cốt nhất hiện nay, đó là cần có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ và khả thi để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện và lưới điện truyền tải, đặc biệt là NLTT và các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, bảo đảm thực hiện được mục tiêu Quy hoạch điện VIII đã đề ra. Vì vậy, dự kiến Luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được căn bản các khó khăn, vướng mắc của ngành điện hiện nay, bảo đảm an ninh năng lượng điện, hướng đến mục tiêu Net Zero và góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển KTXH và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Đề xuất xem xét, thông qua dự án Luật tại một kỳ họp

Về đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại một kỳ họp, Bộ trưởng cho biết, Quy hoạch Điện VIII xác định đến năm 2030 (tức là chỉ còn hơn 5 năm nữa) chúng ta cần phải tăng gấp 2 lần công suất hiện nay và đến năm 2050 (tức là còn 26 năm nữa), chúng ta phải gấp 5 lần công suất hiện nay.

Nếu từ bây giờ không có luật và không có những cơ chế, chính sách cụ thể chúng ta không thể thu hút được đầu tư. Giai đoạn từ nay đến năm 2030 là 14 đến 16 tỷ, nhưng từ sau năm 2030 phải cần từ 16 đến 18 tỷ USD/1 năm mới bảo đảm an ninh năng lượng điện. Do đó, Bộ rất mong luật này sớm được thông qua vì nếu không có chính sách thì không có đầu tư, không có đầu tư sẽ không có điện, không có điện thì không có gì hết. Điện phải đi trước một bước. Tuy nhiên, Bộ với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo hay lớn hơn là Chính phủ sẽ chấp hành quyết định của Quốc hội”- Bộ trưởng cho hay.

Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cấp bách là phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, khả thi mới thu hút được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cho phát triển các nguồn và lưới điện; đặc biệt là điện từ năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch hay lưới điện truyền tải liên miền, bảo đảm sự phát triển đồng bộ, ổn định, cân bằng của các loại hình nguồn trong hệ thống điện quốc gia, nhất là trong bối cảnh các nguồn điện nền trong hệ thống trước đây (như thủy điện, nhiệt điện than) đã hết dư địa phát triển; một số loại hình nguồn thay thế (như điện khí, điện hạt nhân…) cần có nhiều thời gian để triển khai đầu tư, xây dựng (thực tiễn cho thấy, để hoàn thành đầu tư 01 dự án điện khí trung bình cần 7-8 năm, dự án điện hạt nhân còn đòi hỏi thời gian dài hơn nữa). Vì vậy, nếu Luật Điện lực (sửa đổi) chậm được thông qua, chúng ta không có cách nào để bảo đảm an ninh năng lượng điện, chưa nói đến mục tiêu Net Zero.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định với tinh thần cầu thị, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, Cơ quan soạn thảo đã nỗ lực nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Sau phiên thảo luận hôm nay, Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục cùng Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các Đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.

Đây là điều chúng tôi thiết tha đề nghị, bởi chúng tôi cho rằng, chậm 1 ngày có luật thì chậm cả năm, thậm chí nhiều năm để thu hút đầu tư” - Bộ trưởng nhấn mạnh./.

 

Nguồn: Moit.gov
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.044.841