Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp tại vùng đồng bằng sông Hồng
Sáng ngày 20/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng đã chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dự và phát biểu tại hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, vùng đồng bằng sông Hồng, với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội, là địa bàn chiến lược, có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước; giữ vai trò là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế và động lực tăng trưởng của cả nước.
Với nhận thức đó, để triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã khẩn trương ban hành Quyết định số 370/QĐ-BCT ngày 21/02/2023 về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết trên, trong đó xác định đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ thực hiện và đang được khẩn trương triển khai.
Để đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu tại vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất các nhóm giải pháp nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới, đó là:
Thứ nhất, nhóm giải pháp về thể chế, chính sách: tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại để hoàn thiện cơ chế, chính sách đủ mạnh và khả thi. Đồng thời, tổ chức sắp xếp, phân bố không gian, liên kết và tích hợp trong quy hoạch Vùng ở tất cả các cấp độ để khai thác có hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương trong vùng gắn với 4 hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình; và 3 cực tăng trưởng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) từ đó lựa chọn phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp theo hướng hiện đại, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, có khả năng lan toả đến các ngành kinh tế khác và tạo ra giá trị gia tăng cao.
Thứ hai, nhóm giải pháp về hạ tầng: sớm hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp và các khu công nghiệp chuyên biệt tập trung vào những sản phẩm công nghệ cao như: Linh kiện bán dẫn, robot, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghệ vật liệu mới, chế biến nông sản, thực phẩm gắn với 3 cực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời kết nối với các điểm sáng về phát triển công nghiệp như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên…; Tập trung thu hút đầu tư phát triển mạng lưới Logistics, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, thông minh, khai thác triệt để lợi thế về vận tải đa phương thức trong vùng theo cả 5 phương thức vận tải gồm: đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ để phát huy tối đa lợi thế vùng ĐBSH là đầu mối giao thông, cửa ngõ chuyển tiếp giữa Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng trung du, Miền núi phía Bắc nhằm khơi thông nguồn hàng, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.
Thứ ba, nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, có thế mạnh của Vùng; ưu tiên đầu tư, phát triển một số trường đại học lớn, đa ngành và trường cao đẳng nghề trọng điểm của Vùng để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, phát triển KHCN (nhất là các công nghệ cơ bản) và xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế; gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động để hình thành đội ngũ người lao động tinh thông về nghiệp vụ, có tay nghề, kỹ năng và tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;
Thứ tư, nhóm giải pháp về thu hút đầu tư: xây dựng chính sách đầu tư gắn với lợi thế nổi trội của vùng để nâng cao hiệu quả thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo quy hoạch và yêu cầu phát triển ngành công nghiệp của vùng phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 50 về thu hút đầu tư nước ngoài; trong đó, tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh (công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp công nghệ số, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ) và ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có tính “dẫn đường” (sản xuất chíp, bán dẫn, rô bốt, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới); phát triển thị trường nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần chú trọng tạo lập cơ chế khuyến khích, ràng buộc để các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ một cách thực chất đối với các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh chuyển đổi số, vươn lên, đủ khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và chống chịu cao trong phát triển công nghiệp;
Thứ năm, nhóm giải pháp về phát triển thương mại hiện đại, gắn với xây dựng thương hiệu bền vững: Tập trung hoàn thiện hạ tầng thương mại (gồm cả thương mại truyền thống và thương mại hiện đại); khai thác tiềm năng phát triển thương mại điện tử; hình thành các sàn giao dịch hàng hóa hiện đại và các cụm, khu vực hội chợ, triển lãm quy mô lớn; tận dụng tối đa cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã và sẽ ký kết để mở rộng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu; chú trọng thực hiện triển khai đề án sản xuất - xuất khẩu chính ngạch; xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế.
Để thực hiện được các nhóm giải pháp trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để triển khai xây dựng, điều chỉnh và kịp thời tích hợp, hoàn thiện quy hoạch tỉnh, thành phố; lập quy hoạch phát triển vùng phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, nhất là trong lĩnh vực Công Thương (QH điện lực, QH hạ tầng xăng dầu, khí đốt, QH thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và QH năng lượng quốc gia) để sẵn sàng triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm của vùng và cả nước. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng kế hoạch bảo đảm khả thi và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng thời tăng cường cơ chế giám sát, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; phối hợp chặt chẽ với Bộ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở phát huy phát huy hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong lĩnh vực Công Thương trên địa bàn.
“Hiện, trên địa bàn vùng ĐBSH có 15 trường cao đẳng, đại học (trong đó có 7 trường đại học, 8 trường cao đẳng) thuộc ngành Công Thương, là cơ sở đào tạo rất tốt để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh/thành phố” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 826/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Thường trực. Các Phó Chủ tịch gồm Bộ trưởng các bộ: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Thông tin và Truyền thông.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục ban hành Quyết định 45/QĐ-HĐĐPĐBSH ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.
Hội đồng được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng. Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Nguồn: Moit.gov
-
áng ngày 17 tháng 7 năm 2023, tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
-
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự phiên họp cấp Bộ trưởng chuẩn bị cho Phiên họp Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
-
Ngày 14/7, tại TP. Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Thường niên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA).
-
Ngày 13/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện 644/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.