VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Cần phát huy thành quả các chương trình mục tiêu quốc gia

27/07/2021 09:49

Khẳng định sự cần thiết ban hành chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Nếu không có chương trình mục tiêu quốc gia, không có chủ trương chính sách đủ mạnh thì khó có thể đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý để thực hiện được các mục tiêu, dù giảm nghèo bền vững hay nông thôn mới, thì việc lồng ghép các chương trình, mục tiêu, nguồn vốn thực hiện là hết sức quan trọng.

 

Rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền
 
Phiên họp tổ Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, diễn ra chiều 23/7. Điều hành tại Tổ 14 gồm 2 đại biểu là đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư tỉnh Tuyên Quang, Trưởng đoàn đại biểu và đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư TP Hải Phòng, Trưởng đoàn đại biểu Hải Phòng. Tham dự thảo luận Tổ còn có sự tham dự của đồng chí Vương Đình Huệ đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng và đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh...
 
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu nhất trí cao với nội dung các Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây là những chương trình quan trọng nhằm thực hiện chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn hiện đại văn minh; tiếp tục không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, rút ngắn khoảng cách phát triển nông thôn với đô thị, miền núi với đồng bằng.
 
Các đại biểu cũng cơ bản tán thành về nội dung chủ yếu của hai chương trình, cơ quan chủ trì, đối tượng thụ hưởng, mục tiêu, phạm vi, nguyên tắc tiêu chí phân bổ và các dự án thành phần, cơ chế nguyên tắc quản lý điều hành và thực hiện. Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung làm rõ một số vấn đề. Trong đó, cần đánh giá làm rõ hơn những tồn tại hạn chế của giai đoạn trước.
 
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hải Phòng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sự cần thiết ban hành chương trình mục tiêu quốc gia. Theo Bộ trưởng, nếu không có chương trình mục tiêu quốc gia, không có chủ trương chính sách đủ mạnh thì khó có thể đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu, dù giảm nghèo bền vững hay nông thôn mới, thì việc lồng ghép các chương trình, mục tiêu, nguồn vốn thực hiện là hết sức quan trọng.

 

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, theo Bộ trưởng, bên cạnh việc ban hành, điều chỉnh các tiêu chí để các địa phương chưa đạt chuẩn phấn đấu thực hiện đạt, cần có cơ chế để các nơi đã đạt tiêu chí ở giai đoạn trước tiếp tục củng cố, nâng cao, duy trì và phát triển thành quả xây dựng nông thôn mới.
 
Tại phiên thảo luận Tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, đối với Chương trình nông thôn mới, ở đâu có nông thôn thì thực hiện nông thôn mới. Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững thực hiện theo đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo và tập trung ở một số vùng trọng điểm, đối với những đối tượng không có khả năng thoát nghèo thì sẽ chuyển sang đối tượng bảo trợ xã hội.
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong giai đoạn 2021-2026, việc thực hiện chương trình nông thôn mới có sự khác biệt theo hướng, vừa tiếp tục phấn đấu thực hiện xây dựng nông thôn mới ở những nơi chưa đạt và đối với những nơi đã đạt nông thôn mới thì tiến tới làm tốt hơn, nâng cao hơn tiêu chuẩn để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình ban hành tiêu chuẩn khung và tùy theo điều kiện địa phương cụ thể hóa các tiêu chí cho phù hợp, phấn đấu thực hiện cao hơn.
 
Trước đó trong phiên họp buổi sáng 23/7 của Kỳ họp thứ nhất, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Cụ thể có tổng số 470/470 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 94,19% (tính trên tổng số đại biểu Quốc hội). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.
 
Theo tờ trình của Chính phủ, căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 1108-CV/VPTW ngày 23/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, đã chỉ đạo "trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV", Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khóa XIV có 22 cơ quan, gồm: 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
 
Cụ thể, 18 bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế. 4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.

 
Tại phiên họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc, trình bày Báo cáo về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.
 
Cơ chế huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn bất cập
 
Cuối phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra một số mặt tích cực cũng như một số điểm cần được xem xét khắc phục để đạt được hiệu quả cao hơn…

 

Về tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016-2020, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, 5 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện đầy đủ, đồng bộ và toàn diện đổi mới công tác quản lý, điều hành tài chính, ngân sách nhà nước theo định hướng thị trường, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; thu hút vốn đầu tư, nợ công theo hướng bền vững hơn; công khai, minh bạch, tiến tới thông lệ quốc tế; cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; đóng góp quan trọng vào việc cải thiện các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.
 
Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt khoảng 9,2 triệu tỷ đồng bằng 33,7% GDP đạt mục tiêu bình quân 5 năm (32-34%); Tổng thu NSNN đạt khoảng 6,89 triệu tỷ đồng vượt mục tiêu 6,86 triệu tỷ đồng; Tỷ trọng chi thường xuyên đạt dưới 64% bằng với mục tiêu đề ra; Nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đều vượt mục tiêu đề ra lần lượt là 55,2% GDP, 49,1% GDP, 47,2% GDP.
 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được nhìn nhận từ giai đoạn vừa qua để làm tốt hơn trong giai đoạn tới như: Cơ chế huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn bất cập; Chậm thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, đầu ra theo quy định tại Nghị quyết 18-NQ/TW; Chi ngân sách còn dàn trải, chồng chéo, lãng phí.
 
Bên cạnh đó, cơ chế tự chủ đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập chậm được triển khai nên chưa có cơ sở xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của giá dịch vụ sự nghiệp công lập. Đồng thời, việc sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ.
 
Về định hướng Kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thống nhất cao với cơ chế phân cấp ngân sách nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng tính chủ động, sáng tạo, khuyến khích các địa phương tăng thu và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý việc phân cấp cần phải thực chất và phải được Luật hóa làm căn cứ tổ chức thực hiện.

 

Nguồn: Moit.gov
Linh nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.112.838