VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng năm 2022 khoảng 8%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023

02/10/2022 15:26

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và Hội nghị trực tuyến với các địa phương diễn ra ngày 01/10/2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 09 tháng năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022; triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả 09 tháng đầu năm, dự báo tình hình Quý IV, kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, cao hơn khoảng 1,5-2% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, với hai kịch bản tăng trưởng.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh chụp từ điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cụ thể, Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8%, Quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 5,9%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm, nhưng cao hơn tốc độ tăng của Quý IV năm 2021 (5,22%). Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8,2%, Quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 6,6%, trong kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,2-6,7%), tương đương mức tăng trưởng bình quân Quý IV các năm 2016-2020.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo tại thời điểm xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022 và Nghị quyết 01/NQ-CP. Trong nước, động thái điều chỉnh chính sách của các nước được theo dõi sát sao để kịp thời có các giải pháp tiền tệ, tài khóa, điều hành giá, giải pháp vĩ mô nhằm khác ứng phó đồng bộ, phù hợp với tình hình. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị để vừa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, vừa tập trung giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, cũng như các biện pháp bảo đảm sức khỏe nhân dân, vừa phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phục hồi và phát triển KTXH, vừa ứng phó với những tình huống mới, bất ngờ, phát sinh, đồng thời góp phần ổn định tâm lý thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nhờ đó, nền kinh tế phục hồi rất tích cực; tăng trưởng kinh tế cao đi cùng với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ: GDP Quý III tăng 13,67%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,91%, dịch vụ tăng 18,86%; tính chung 09 tháng GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 03 khu vực. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn: CPI bình quân 09 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu; khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội phương án giảm thuế xăng dầu, tạo dư địa hỗ trợ giá trong trường hợp cần thiết.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thu ngân sách nhà nước 09 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 09 tháng ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư ngoài nhà nước ước tăng 10%, vốn FDI thực hiện tăng 16,2% cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 09 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 09 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%. Nền kinh tế tháng 09 ước xuất siêu 1,14 tỷ USD, tính chung 09 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD. Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc: Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt. Giá trị tăng thêm công nghiệp trong Quý III ước tăng 12,12% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cả năm 2019 là năm trước dịch (tăng 9,38%); tính chung 09 tháng ước tăng 9,63% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,05%). Thương mại, dịch vụ đang phục hồi nhanh, nhất là sức cầu trong nước: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 09 ước tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 09 tháng ước tăng 21%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%. Du lịch tiếp tục phục hồi tích cực, khách quốc tế 09 tháng đạt gần 1,9 triệu lượt, gấp 16,4 lần cùng kỳ năm 2021.

Tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 09 tháng đạt trên 163 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ rào cản nguồn lực cho phát triển; Nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển KTXH: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về ổn định kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp, các thị trường vốn, lao động, bất động sản, khoa học công nghệ…

Nhìn chung, trong tháng 9 và 09 tháng, nền kinh tế có xu hướng phục hồi rất tích cực; tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và bảo đảm được các cân đối lớn. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, tạo dư địa nguồn lực ứng phó với những rủi ro, thách thức của tình hình thế giới hiện nay. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, nhất là áp lực lạm phát từ bên ngoài, thị trường xuất khẩu, khách du lịch quốc tế bị thu hẹp, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn… Các cấp, các ngành cần nắm chắc tình hình, rất chủ động trong công tác quản lý, điều hành phát triển KTXH; phối hợp chặt chẽ, kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, điều hành giá và chính sách vĩ mô khác để giữ vững thành quả về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp theo mục tiêu đề ra.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và 124/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị 15/CT-TTg về ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời bảo đảm dư địa nguồn lực, chính sách để ứng phó với những biến động trong trung và dài hạn của tình hình thế giới; đồng thời tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu phát triển 05 năm đề ra.

Theo đó, đối với các bộ, cơ quan trung ương, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19. Điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để có phản ứng chính sách thống nhất, kịp thời, đáp ứng với điều kiện nguồn lực của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ cần đặt trọng tâm vào kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp. Chính sách tài khóa, chính sách thương mại, xuất nhập khẩu và các chính sách khác là yếu tố quyết định đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều.

Theo dõi sát diễn biến, tình hình thế giới, những vấn đề mới nổi, lạm phát và việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia, giá xăng dầu, khí đốt, vật tư chiến lược; chủ động dự báo, xây dựng kịch bản để có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh, nhất là lạm phát và các cân đối lớn; đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường để có giải pháp sản xuất, điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Chương trình; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các nhiệm vụ chi của Chương trình, báo cáo cấp có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo. Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, bảo đảm thời gian, chất lượng trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án luật, đề án, báo cáo tình hình thực hiện năm 2022 và kế hoạch năm 2023.

Các địa phương phải tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19; đẩy mạnh tiêm vắc-xin, nhất là cho trẻ em dưới 12 tuổi; Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, kế hoạch đầu tư công năm 2022, giải ngân 95-100% kế hoạch vốn đã giao. Chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đảm bảo công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn sát giá thị trường, công bằng, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng... Tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả, thị trường, phòng chống gian lận thương mại; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sau gần 08 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp tục chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao, đến ngày 28/9/2022 giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt 61 nghìn tỷ đồng, trong đó: Các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.552 tỷ đồng; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến ngày 23/9/2022 đạt khoảng 3.545 tỷ đồng cho hơn 5 triệu lao động, vượt mục tiêu ban đầu (04 triệu lao động); Hỗ trợ 2% lãi suất cho khoảng 9.800 tỷ đồng dư nợ tín dụng, với số tiền là 13,5 tỷ đồng; Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường là 39.422 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình cho 94 nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 là 542.105,895 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2022, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 510.368,625 tỷ đồng, đạt 94,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 93,8% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 98,8% kế hoạch). So với thời điểm Phiên họp Chính phủ tháng 8/2022, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ thêm 2.370,381 tỷ đồng (0,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao). Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 31.737,271 tỷ đồng (bằng 5,9% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao); chủ yếu là vốn cân đối NSĐP của 06/63 địa phương chưa phân bổ. Đối với vốn NSTW năm 2022 còn lại chưa phân bổ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1126/QĐ-TTg ngày 25/9/2022 về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương với tổng số vốn còn lại là 3.350,151 tỷ đồng.

Tiến độ giải ngân tháng 9 có chuyển biến tích cực cho thấy hoạt động của 06 Tổ công tác bước đầu phát huy hiệu quả, trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân tháng 9 đạt 40.920,84 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân một tháng trong 8 tháng đầu năm là 26.528,41 tỷ đồng. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng vẫn chưa đạt kỳ vọng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được báo cáo tại các Phiên họp Chính phủ và Hội nghị trực tuyến đôn đốc giải ngân đầu tư công. Trong đó có nguyên nhân do hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công thuộc các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, NSNN và công sản, xây dựng, đấu thầu, đầu tư công chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân đặc thù của năm 2022 và công tác chuẩn bị dự án, năng lực tổ chức quản lý, thực hiện dự án các cấp còn hạn chế…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, lượng vốn cần giải ngân cao hơn khoảng 80 nghìn tỷ đồng so với năm 2021 (chưa tính khoản 38 nghìn tỷ đồng bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH). Do vậy, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 124/NQ-CP, coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2022; chuẩn bị sớm tất cả các điều kiện để khởi công, thực hiện ngay được các dự án ngay từ đầu năm 2023, không để chậm chễ./.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.123.195