VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới, vươn tới đỉnh cao

27/01/2023 16:21

Chủ trì Hội nghị gặp mặt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ Công Thương sau Tết Nguyên đán Quý Mão ngày 27/1/2023 (Mùng 6 Tết Âm lịch), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Do đó, phương châm đặt ra của Bộ năm nay là “Tiếp tục đổi mới, vươn tới đỉnh cao”.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Phan Thị Thắng, đại diện Lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức và người lao động của các Đơn vị thuộc Bộ.

Đảm bảo tốt nguồn cung ứng vật tư nguyên liệu, hàng hóa dịch vụ thiết yếu trong dịp Tết

Báo cáo tình hình thực hiện công tác tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai sau dịp Tết do Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng trình bày tại buổi gặp mặt nêu rõ: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành 04 chỉ thị, công điện và các văn bản chỉ đạo các địa phương, tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết.

Trong đó, tập trung vào việc chủ động chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Lãnh đạo Bộ đã tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp để kiểm tra, chỉ đạo việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu, cung cấp điện dịp Tết Nguyên đán và sau Tết, không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống, phục vụ người dân đón Tết vui Xuân vui tươi, an toàn.

Theo đó, các mặt hàng phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú; nguồn cung dồi dào, tăng 15-20% so với ngày thường (riêng tại các siêu thị, trung tâm thương mại nguồn hàng được chuẩn bị tăng 20-30%), trong đó hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn được nhiều người lựa chọn do giá cả phù hợp, hình thức đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sức mua của người dân trong dịp Tết tăng khoảng 8-10% so với tháng thường và tăng tương đương so với dịp Tết năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết.

Nhìn chung, thị trường hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tăng, giảm phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường nhưng không có hiện tượng mất cân đối cung cầu, gây tăng giá bất thường.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “Qua báo cáo nhanh của lực lượng quản lý thị trường, trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không phát hiện những diễn biến bất thường, nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.

Song song với các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, hoạt động truyền thông của Bộ trước, trong và sau Tết Nguyên Đán duy trì ổn định theo đúng kế hoạch và đảm bảo mục tiêu đã đề ra. Các đơn vị đã chủ động phối hợp cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình thị trường, hàng hóa thiết yếu và biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật để người dân theo dõi, giám sát.

Các hoạt động vui Tết đón xuân trong toàn cơ quan (trước, trong Tết) được Lãnh đạo Bộ và các đơn vị quan tâm tổ chức chu đáo, trọng thể, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh.

Thay mặt Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chúc mừng kết quả của Ngành, của Bộ đạt được trong dịp Tết nguyên đán vừa qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, tình hình kết quả công tác trước và trong Tết cho thấy những hoạt động về đảm bảo cung ứng các vật tư, nguyên nhiên liệu, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh đã được toàn Ngành thực hiện một cách nghiêm túc và đạt kết quả tốt. Hàng hóa, vật tư phong phú về chủng loại, chất lượng được bảo đảm và giá cả được kiểm soát hợp lý.

“Một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong những ngày Tết chỉ tăng giá từ 2-10%, lượng hàng tăng từ 15-20%, trong khi đó sức mua của năm nay tăng nhẹ (từ 8-10%) nên lượng cung hàng dự trữ đã vượt cầu. Đây cũng là điểm rất tích cực”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.

Ngoài ra, mặt hàng quan trọng nhất là điện và xăng dầu được bảo đảm cung ứng ổn định, thông suốt. Các nhà máy điện vận hành tương đối ổn định; hệ thống điện luôn đảm bảo dự phòng cao, bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và hoạt động của các doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Về xăng dầu, mặc dù cung ứng về xăng dầu có gặp khó khăn bởi sự cố Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhưng ngay trước thềm năm mới, lãnh đạo Bộ đã kịp thời kiểm tra và đưa ra những mệnh lệnh rất quyết liệt, đã kịp thời khắc phục sự cố trong thời gian ngắn. Chỉ sau 2 ngày Bộ trưởng đi kiểm tra (ngày 12/1) thì đến 13/1, nhà máy đã hoạt động trở lại và chiều 15/1 đạt 100% công suất. Trong những ngày Tết, nhà máy hoạt động với 105% - 107% công suất. Vì thế, nguồn cung xăng dầu cả nhập khẩu và sản xuất trong nước đã được bảo đảm.

Tuy nhiên, trên địa bàn một số địa phương như TP HCM, Thái Bình, Bắc Giang và một số tỉnh ở Nam Bộ có xảy ra hiện tượng một vài cửa hàng xăng dầu đóng cửa với lý do chưa kịp nhập hàng, hàng về chậm, hoặc nhân viên nghỉ tết chưa bố trí được người trực... Lực lượng quản lý thị trường đã nhanh chóng vào cuộc 24/24h, thậm chí kể cả ngày mùng 1 Tết để kiểm tra, giám sát và yêu cầu các cửa hàng khẩn trương nhập hàng xăng, dầu và bố trí nhân viên bán hàng nhằm duy trì hoạt động kinh doanh xăng dầu bình thường, theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể nói, các hoạt động cung ứng vật tư, nguyên nhiên liệu, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được đảm bảo tốt. Đây cũng là điểm cộng cho toàn Ngành trong dịp Tết này” – Bộ trưởng ghi nhận.

Đối với công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến phạm vi quản lý của Ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, công tác này đều thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Trước Tết, Bộ đã có các đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động sản xuất, cung ứng điện, kinh doanh xăng dầu và một số ngành hàng có tính chất bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trong khi đó, các hoạt động truyền thông về tình hình và kết quả công tác của năm 2022, những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2023 cũng được thực hiện rất tốt trên các kênh truyền hình, tờ báo lớn của Trung ương, giúp lan tỏa được những điều tích cực, những điểm sáng về hoạt động của Ngành trong năm qua; chia sẻ những khó khăn mà Ngành gặp phải, đồng thời đưa ra những dự báo về phương hướng, nhiệm vụ trong năm tới để toàn xã hội có những cái nhìn chia sẻ và ủng hộ, tạo điều kiện cho toàn Ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các hoạt động vui Tết, đón xuân đều được ngành Công Thương, Bộ Công Thương và các cơ quan đơn vị của Bộ thực hiện một cách nghiêm túc, bảo đảm chu đáo, ấn tượng, vui tươi lành mạnh, an toàn và tiết kiệm”- Bộ trưởng đánh giá.

Tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm

Về nhiệm vụ ngay sau Tết, Bộ trưởng đã quán triệt các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương tập trung vào công việc chuyên môn, bắt tay ngay thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, toàn Ngành, toàn cơ quan khẩn trương bắt tay vào các công việc chuyên môn mang tính thường nhật mà trọng tâm là hoàn tất ngay những việc tạm dừng do nghỉ Tết và những việc đã đến hạn phải hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và theo quy định của pháp luật. Trong từng lĩnh vực phải chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình để kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ách tắc (về vấn đề lao động, thông quan, thủ tục hành chính, cấp phép…), giúp doanh nghiệp và người dân bắt tay ngay vào công việc, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết; chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tính lan tỏa để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Ngành.

Thứ hai, đối với các đơn vị liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu như Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất, Vụ Dầu khí và than, Cục điện lực, Cục Điều tiết Điện lực, Vụ thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường… cần phải chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm chuỗi cung ứng vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu, lao động… với phương châm: đầy đủ, kịp thời, thuận lợi, giá cả hợp lý, điều hành nhuần nhuyễn, không giật cục, bảo đảm cho quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước được diễn ra thông suốt.

Nếu như trước và trong Tết, chúng ta đã làm tốt việc cung ứng về hàng hóa vật tư, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản sản xuất, ngay sau Tết việc đó phải được tập trung và đề cao hơn. Theo đó, các đơn vị có chức năng phải chú trọng thực hiện thật tốt việc đảm bảo nguồn cung, nguyên vật liệu, dịch vụ thiết yếu. Bộ trưởng nhấn mạnh và giao nhiệm vụ cho lực lượng quản lý thị trường phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nhất là trong hoạt động kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm nguồn cung liên tục, ổn định trong mọi tình huống, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau tết, không để xảy ra việc gián đoạn, đứt gãy nguồn cung.

Thứ ba, các đơn vị liên quan đến công tác quản lý nhà nước, nhất là việc xây dựng và tham mưu cho cấp thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật: Bộ trưởng yêu cầu cần tập trung nguồn lực để khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Nghị định, Thông tư trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2023 đã được ban hành, bảo đảm tiến độ, trình tự, thủ tục và chất lượng, đúng pháp luật, tránh chồng chéo, trái luật, xa rời thực tiễn; nhất là các văn bản có hạn ban hành trong Quý I theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật. Vụ Pháp chế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị của Bộ đôn đốc, giám sát việc thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ một cách tốt nhất.

Thứ tư, đối các việc liên quan đến nội dung kiểm điểm của Ban cán sự đảng theo gợi ý của Trung ương và kiểm tra các dấu hiệu vi phạm trong nhiệm kỳ trước, các đơn vị liên quan cần khẩn trương xây dựng báo cáo giải trình và cung cấp đầy đủ tài liệu theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, đoàn công tác.

Thứ năm, các đơn vị được giao chủ trì xây dựng quy hoạch ngành Quốc gia thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương (như Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch khoáng sản, Quy hoạch dự trữ xăng dầu….) cần khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan của các Bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ để bổ sung, chỉnh sửa, sớm hoàn thành dự thảo quy hoạch, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 2 năm 2023, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu kế hoạch đề ra.

Bộ trưởng ghi nhận, năm 2021, Bộ Công Thương xác định hành động của Bộ là “Đoàn kết - Vượt khó - Gắn bó - Thành công”;  năm 2022, phương châm đề ra là: “Đoàn kết - Kỷ cương - Muôn phương - Thắng lợi”. “Thực tế cho thấy, hai năm qua, Bộ Công Thương đã giữ được kỷ cương, giữ được đoàn kết, đó là yếu tố quan trọng để có được thắng lợi trên mọi mặt trận. Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi  mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025. Do đó, phương châm hành động của Bộ năm nay là “Tiếp tục đổi mới, vươn tới đỉnh cao” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Trong không khí tươi vui, phấn khởi của những ngày đầu xuân năm mới, thay mặt Bán cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả các Lãnh đạo đơn vị cũng như cán bộ, người lao động ngành Công Thương; đồng thời quán triệt tất cả các đơn vị thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao theo phương châm hành động đã đề ra.

Cũng vào ngày làm việc đầu tiên của năm Quý Mão 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đến thăm và chúc Tết toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động một số đơn vị thuộc Bộ. Bộ trưởng ghi nhận và biểu dương toàn thể các bộ công chức viên chức người lao động của các Đơn vị đã luôn đoàn kết, không ngừng đổi mới, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp vào thành công chung của ngành Công Thương trong năm vừa qua.

 

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.112.316