Bộ Công Thương: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó điều tra chống bán phá giá từ WTO
Các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã cam kết dỡ bỏ hoặc cắt giảm các chính sách mang tính cản trở thương mại. Tuy nhiên, một số chính sách nhất định nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước vẫn được cho phép thực hiện.
Một trong số các chính sách đó là các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Các biện pháp PVTM là các chính sách được đưa ra với mục đích chính là bảo đảm cạnh tranh công bằng, bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, các biện pháp này được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia.
Hiện nay, các biện pháp PVTM có thể được áp dụng dưới một trong ba hình thức: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong số các biện pháp PVTM, chống bán phá giá (CBPG) là công cụ được các thành viên sử dụng nhiều nhất, chiếm tỷ lệ trên 90%.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện CBPG
Thống kê của WTO, bên cạnh việc thực thi các hoạt động điều tra CBPG với tần suất cao khoảng 200 vụ/năm, các thành viên WTO cũng thường xuyên thay đổi pháp luật, điều chỉnh chính sách trong nước, cập nhật thực tiễn điều tra từ nước khác nhằm đa dạng hóa cách tính toán biên độ bán phá giá, từ đó tạo cơ sở đưa ra các quyết định chính sách khác nhau. Một trong số những thay đổi đó chính là việc sử dụng quy định tại Hiệp định ADA (Hiệp định CBPG) về tình hình thị trường đặc biệt (PMS). Tình hình thị trường đặc biệt là tình huống trong đó có sự bóp méo giá cả hay chi phí sản xuất do sự tác động của chính phủ dẫn đến việc so sánh giữa giá trị thông thường và giá trị xuất khẩu không được chính xác.
Bộ Công Thương cho biết, về cơ bản, đây là việc nước nhập khẩu từ chối sử dụng số liệu của nước xuất khẩu, dùng số liệu do mình lựa chọn để tăng thuế PVTM nhằm tìm cách nâng cao mức độ “bảo hộ” sản xuất trong nước. Mặc dù Hiệp định ADA của WTO cho phép sử dụng phương pháp thay thế để tính toán biên độ phá giá khi tồn tại một “tình hình thị trường đặc biệt”, nhưng cách thức sử dụng và xác định như thế nào phụ thuộc vào nội luật của từng quốc gia và thực tiễn của cơ quan điều tra mỗi nước.
Trên thế giới đã có một số quốc gia có quy định pháp luật khá chi tiết và có nhiều kinh nghiệm trong điều tra vấn đề này. Ngoài ra, cũng có nhiều vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO về nội dung này với các phán quyết của ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm WTO.
Theo Bộ Công Thương, tính đến nay, Việt Nam đã đối mặt với 7 vụ việc điều tra CBPG trong đó có điều tra về tình hình thị trường đặc biệt đều liên quan đến các sản phẩm thép. Thông thường trong các vụ việc điều tra CBPG, doanh nghiệp sẽ là đối tượng chính phải trả lời các bản câu hỏi để cơ quan điều tra nước nhập khẩu xác định biên độ phá giá. Tuy nhiên, khi kết hợp điều tra về “tình hình thị trường đặc biệt”, cơ quan điều tra nước ngoài còn xem xét đến cả các chính sách có tính chất can thiệp của chính phủ được ban hành ở cấp trung ương cũng như địa phương.
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đối với các vụ việc bị khiếu kiện nội dung “tình hình thị trường đặc biệt”, Bộ Công Thương đều tham gia hợp tác chặt chẽ, chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành và địa phương chuẩn bị và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan điều tra nước ngoài.
Trên cơ sở nỗ lực của Bộ Công Thương và các Bộ/ngành, địa phương, tính đến nay, trong số 7 vụ việc điều tra chống bán phá giá có cáo buộc “tình hình thị trường đặc biệt”, Việt Nam đã xử lý thành công 4 vụ việc với kết quả cơ quan điều tra kết luận rằng cáo buộc của nguyên đơn là không có căn cứ; 2 vụ việc đang tiến hành điều tra và 1 vụ việc cơ quan điều tra kết luận dựa trên dữ liệu sẵn có do doanh nghiệp từ chối tham gia. Từ đó, mức thuế bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu được giảm đáng kể, phần nào hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.
Ứng phó với xu hướng các vụ việc PVTM ngày càng gia tăng, nội dung “tình hình thị trường đặc biệt” cũng có thể được các nước tăng cường sử dụng, thời gian tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội liên quan triển khai các nhiệm vụ, biện pháp để xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
(VITIC-DNTM) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
-
Với mục tiêu hướng tới: “Phát huy truyền thống xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; sáng tạo, đoàn kết tạo sức mạnh tổng hợp, xây dựng, phát triển Báo Công Thương hiện đại, bền vững”, Đại hội Đảng bộ Báo Công Thương lần thứ 2, nhiệm kỳ 2020-2025, đã diễn ra trang trọng với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm và trí tuệ.
-
(VITIC-DNTM) Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
-
Trong không khí cả nước thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, ngày 27/5, Đảng bộ Cục Công thương địa phương (CTĐP) đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.