Bộ Công Thương nỗ lực cụ thể hoá cam kết tại COP26
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình kế hoạch để hiện thực hoá cam kết tại COP26
Năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào 2050; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, không xây dựng nhà máy điện than mới sau 2030 tiến tới giảm dần điện than từ 2045; giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với 2020; tăng cường bảo vệ rừng và quản lý sử dụng đất nhằm giảm phát thải khí nhà kính; tham gia liên minh thích ứng toàn cầu… Tại Hội nghị COP27, Việt Nam đã tích cực đàm phán xây dựng Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước trong và ngoài G7.
Ngay sau COP26, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban với 19 đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.
Là cơ quan quản lý ngành về năng lượng, Bộ Công Thương đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ cũng như các nội dung COP26 để xây dựng chiến lược, đề án, chương trình/kế hoạch hành động để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, không phát triển các dự án nhiệt điện than mới sau 2030; thực hiện chuyển dịch năng lượng triệt để.
Cụ thể, không phát triển các dự án nhiệt điện than mới sau năm 2030. Trước năm 2030 chỉ phát triển các dự án nhiệt điện than đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu. Định hướng năm 2050, không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn nhiên liệu sang sinh khối và amoniac.
Đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, tự sản tự tiêu.
Phát triển Năng lượng tái tạo sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu COP26
Để góp phần đạt được mục tiếu COP26, Bộ Công Thương cũng đưa ra định hướng và phát triển cơ cấu nguồn điện phù hợp, có trọng tâm trọng điểm. Theo đó, ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (tính cả thủy điện) đạt khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất và khoảng 67,5-71,5% vào năm 2050.
Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu: Giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp. Thực hiện chuyển dịch năng lượng bám sát xu thế phát triển công nghệ và giá thành trên thế giới.
Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng, khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 30.127 MW, chiếm 20,1% tổng công suất nguồn điện. Định hướng năm 2050, không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn sang sinh khối/amoniac, tổng công suất 25.632-32.432 MW, sản xuất 72,5-80,9 tỷ kWh (5,3-6,6% tổng điện năng sản xuất).
Cùng với chuyển dịch năng lượng, Việt Nam sẽ thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; tiếp tục đẩy nhanh việc phát triển hệ thống điện thông minh, có khả năng tích hợp nguồn năng lượng tái tạo với tỷ lệ thâm nhập cao; nâng cấp và xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối ngày càng tiên tiến, hiện đại.
Với chương trình phát triển nguồn điện đề ra trong Quy hoạch điện VIII, mức phát thải CO2 của ngành điện năm 2030 đạt 204-254 triệu tấn, 2035 đạt 226-254 triệu tấn và đến năm 2050 sẽ ở mức 27-31 triệu tấn (thấp hơn hạn mức 35 triệu tấn nêu ở trên). Như vậy, lộ trình chuyển đổi năng lượng trong Quy hoạch điện VIII đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 trong Quyết định số 896/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang tích cực xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ Các bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đồng thời chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế về hoạt động quản lý, mua bán, trao đổi chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.
-
Thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, với doanh thu B2C năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD và hơn 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử. Những con số này đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
-
Ngày 24/5 tại Hội nghị thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới Amazon 2024 với chủ đề “Tinh hoa hàng Việt - Cất cánh toàn cầu” do Amazon Global Selling Việt Nam đồng tổ chức với Cục TMĐT và Kinh tế số (iDEA) - Bộ Công Thương được tổ chức tại TPHCM đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu TMĐT cho các ngành hàng tiềm năng Việt Nam.
-
Ngày 22 tháng 5 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Công điện số 3427/CĐ-BCT gửi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ,