VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ Công Thương làm việc với Bộ Khoa học Công nghệ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trạm sạc xe điện

23/09/2024 08:01

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc sớm ban hành về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các trạm sạc xe điện để thực hiện mục tiêu trung hoà carbon năm 2050 cũng như đồng bộ các Quy hoạch quốc gia đã được phê duyệt, ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đồng chủ trì cuộc họp về việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương bao gồm: Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Bộ, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có lãnh đạo Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Vụ pháp chế, Văn phòng Bộ, đại diện Ban tiêu chuẩn, Ban đo lường của Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng cho biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng trạm sạc điện đầy đủ với công nghệ sạc nhanh, đáng tin cậy và tiện lợi sẽ hỗ trợ việc sử dụng xe điện trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy giao thông vận tải thân thiện với môi trường và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện hoàn chỉnh bao gồm cơ sở hạ tầng điện, cơ sở hạ tầng điều khiển và liên lạc, cổng sạc và giắc cắm đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau.

Trên thế giới có 03 thị trường xe điện đang phát triển rất mạnh mẽ là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu. Cùng với đó, ngành công nghiệp sạc điện bao gồm việc sản xuất, lắp đặt các trạm sạc điện, dịch vụ thu phí sạc điện và các dịch vụ khác đang tăng lên nhanh chóng và phát triển theo hai mô hình cơ bản, bao gồm các công ty sản xuất ô tô tự xây dựng trạm sạc riêng của hãng; các công ty chuyên về trạm sạc đầu tư xây dựng.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đang tiến hành sản xuất, lắp ráp ô tô điện như Vinfast với xe điện chạy pin (BEV), Hyundai Thành Công với xe điện chạy pin (BEV) và xe hybrid (HEV), Thaco với xe hybrid (HEV) và plug-in hybrid (PHEV), TMT với xe điện chạy pin cỡ nhỏ (mini-BEV). Năm 2023, tổng cộng 15.676 xe BEV và 5.220 xe HEV/PHEV được tiêu thụ tại việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng cộng 17.536 xe BEV được tiêu thụ tại Việt nam, bao gồm 17.482 xe sản xuất, lắp ráp trong nước và 54 xe nhập khẩu. Với sự phát triển nhanh của xe ô tô điện trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mối quan tâm đối với thị trường cung cấp các thiết bị và dịch vụ cho phương tiện giao thông điện, đặc biệt là trạm sạc điện cho xe ô tô điện tại Việt Nam.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị chuyên môn của hai Bộ cũng đã đưa ra những đề xuất về phương hướng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới nhằm tháo gỡ những vướng mắc, sớm xây dựng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể liên quan đến trạm sạc xe điện.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, xe điện ở Việt Nam được người tiêu dùng ngày càng đón nhận, ưa chuộng và phát triển. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ về tài chính, hạ tầng trạm sạc cũng là yếu tố đang được nhiều nước tập trung đầu tư. Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua về hạ tầng trạm, đặc biệt, nhờ sự đầu tư quyết liệt của VinFast, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có lượng cổng sạc hàng đầu khu vực cũng như thế giới. Chỉ tính riêng trạm sạc của VinFast, theo quy hoạch, cả nước có khoảng 150.000 cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh thành. Mức độ tăng trưởng trạm sạc xe thời gian gần đây cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và các nước có trạm sạc lớn như Mỹ và Hàn Quốc.

Nếu không kịp thời có chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc, chưa xây dựng hoàn thiện được quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc thì sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong triển khai hệ thống các trạm sạc cả nước”- Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh và cho biết thêm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 8 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến trạm sạc dùng cho xe điện và 3 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm. Tháng 4/2024 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung "thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện" và ban hành kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Kỹ thuật quốc gia năm 2024 trong đó, Bộ đang xây dựng 8 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm điện, sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam chưa có quy chuẩn Việt Nam đối với hệ thống trạm sạc xe điện.

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về trụ/thiết bị sạc điện, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện, đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam. Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, theo báo cáo của Ủy Ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia chất lượng, các tiêu chuẩn liên quan đến trạm sạc xe điện đã được ban hành. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và công nghệ sẽ có báo cáo về các tiêu chuẩn này.

 “Các quy chuẩn của Việt Nam về các trạm sạc điện, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thực hiện nhiệm vụ này và có sự phối hợp với Bộ Công Thương. Hiện nay, các thông số kỹ thuật liên quan đến quy chuẩn này đã có trong tiêu chuẩn”- Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng quy chuẩn theo quy trình rút gọn. Còn nội dung khác liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng phối hợp.

Trên cơ sở các ý kiến của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và các đơn vị chuyên môn của hai Bộ, kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc phát triển xe điện là xu hướng chủ đạo của thế giới hiện nay và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này, giao thông vận tải cũng là một trong những lĩnh vực có lượng phát thải tương đối lớn. Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, việc thay đổi các phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang dùng điện cũng đóng vai trò rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xe điện và trạm sạc điện không chỉ là công cụ giúp cho quản lý nhà nước mà còn góp phần định hướng cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc bảo vệ và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các phương tiện giao thông giảm phát thải. Bên cạnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn chung cho các trụ, trạm sạc điện đã có, thì hiện nay còn thiếu những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể. Đặc biệt cũng chưa có quy định cụ thể trong việc xác định vị trí, địa điểm để xây dựng những trụ, trạm sạc điện và những quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện và loại hình năng lượng cung cấp cho hình thức này.

Để thực hiện những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thống nhất những ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị:

Sau cuộc họp, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ sẽ cùng hoàn thiện biên bản cuộc họp, trong đó cần thống nhất nhiệm vụ của hai Bộ, đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Giao thông, Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương trong việc xây dựng quy chuẩn về trạm sạc xe điện và các quy định có liên quan đến xác định vị trí, địa điểm, nguồn cấp điện cho các trạm/trụ điện, đây là yếu tố để trình Thủ tướng phân nhiệm vụ cho các đơn vị bảo đảm rõ người, rõ trách nhiệm và rõ thời gian hoàn thành. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Công Thương cần khẩn trương nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bổ sung thêm nguồn điện phục vụ cho việc lắp đặt các trạm sạc; nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về hệ thống cung cấp điện và phương án cấp điện cho các trạm sạc điện.

Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, bên cạnh những tiêu chuẩn, quy chuẩn chung đã có, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng cho các trụ/ trạm sạc. Việc này cần triển khai theo quy trình rút gọn để có thể hoàn thành trong tháng 9/2024. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông bổ sung quy hoạch xây dựng các trạm sạc điện ở tất cả tòa nhà, khu dân cư, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc…Chính quyền địa phương cũng cần rà soát, bổ sung các địa điểm có thể xây dựng được trạm sạc xe điện.

Theo Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, được sửa đổi, bổ sung, trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với trạm sạc cho xe điện nằm trong lĩnh vực năng lượng điện. Cụ thể như An toàn kỹ thuật công nghiệp (an toàn các thiết bị chịu áp lực, thiết bị nâng, an toàn đối với thiết bị có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp); an toàn điện trong quản lý, vận hành trang thiết bị điện; khai thác mỏ và dầu khí (trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác dầu khí trên biển); an toàn trong sản xuất cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản, hóa chất (bao gồm cả hóa dược); an toàn, vệ sinh lao động (trừ máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động).

Như vậy, đối với lĩnh vực năng lượng điện theo quy định tại Nghị định số 78/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong lĩnh vực năng lượng điện nêu trên, trong đó không bao gồm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe điện, trạm sạc điện cho xe điện và hạ tầng cung cấp điện cho xe điện.

Thực hiện theo thẩm quyền, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện; Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; Thông tư số 39/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện. Bộ Công Thương đã hoàn thành trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện theo đúng phân công của Chính phủ.
 


Nguồn: Moit.gov
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.997.042