Đoàn kiểm tra có sự tham gia của Lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (cơ quan thường trực PCTT&TKCN Bộ Công Thương) và Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Buổi sáng, Đoàn công tác đã đến khảo sát thực địa tại hồ chứa nước Pa Khoang. Đây là đầu mối quan trọng của hệ thống thủy nông Nậm Rốm, cùng với 12 hồ nước nhỏ cung cấp nước tưới cho toàn bộ huyện Điện Biên. Tại buổi kiểm tra thực địa đập, hồ chứa nước thủy điện Pa Khoang và nhà máy thủy điện Pa Khoang, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao những nỗ lực, chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó về công tác PCTT&TKCN, nhất là công tác an toàn trong vận hành của 2 đơn vị.
Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với mùa mưa bão sắp tới, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục bám sát tình hình thời tiết, để xây dựng các kịch bản ứng phó; thực hiện nghiêm các quy định về quy trình vận hành liên hồ chứa theo quy định và tình hình thực tế tại địa phương. Thứ trưởng cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp, nhất là Sở Công Thương cần căn cứ tình hình thực tiễn, tăng cường phối hợp, chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ các chủ hồ thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về PCTT&TKCN, trong đó có vấn đề an toàn hồ đập.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Công Thương đã làm việc với UBND tỉnh Điện Biên, trong đó, đặc biệt tập trung vào nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2021 của địa phương.
Báo cáo về tình hình thiên tai 5 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh, ông Bùi Minh Hải – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của nhiều hình thái thời tiết thiên tai. Đặc biệt là rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, mưa đá những tháng đầu năm gây ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản của nhà nước và của nhân dân trong tỉnh. Ước tổng thiệt hại khoảng từ đầu năm tới nay là 7,1 tỷ đồng.
Đối với công tác PCTT&TKCN, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, với tinh thần chủ động, tỉnh Điện Biên đã bổ sung, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp năm 2021; tổ chức tổng kết công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch PCTT giai đoạn 2016 – 2020, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và xây dựng kế hoạch PCTT giai đoạn 2021 – 2025.
Tại cuộc họp, ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cho biết: Để chủ động ứng phó với diễn biến mùa mưa bão, Sở đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại xây dựng kế hoạch dự trữ lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, hóa chất khử khuẩn….để đáp ứng kịp thời khi xảy ra thiên tai và đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19.
Về công tác an toàn hồ đập, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị đảm bảo vận hành các nhà máy thuỷ điện, hồ chứa, đặc biệt duy trì điều tiết, khai thác, chấp hành tốt quy định vận hành xả lũ, đảm bảo sinh hoạt, sản xuất đối với hạ du; Chỉ đạo các công ty điện lực đảm bảo các đường dây truyền tải an toàn, xử lý các sự cố về điện.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị bổ sung công tác, diễn tập phòng chống thiên tai, sau mùa mưa lũ cũng được quan tâm. Tập trung các đơn vị trong toàn ngành, củng cố, phân công, các đơn vị doanh nghiệp bổ sung, nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết, chỉ đạo các đơn vị khắc phục những hậu quả, những vùng có nguy cơ gây mất an toàn, chủ động kịp thời những tình huống xảy ra trong mùa mua lũ.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã kiến nghị với đoàn công tác Bộ Công Thương về một số nội dung để thực hiện hiệu quả công tác PCTT& TKCN, như: Thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực trong công tác phòng chống thiên tai đối với cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng xung kích cấp xã; đầu tư thêm mạng lưới, thiết bị dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí cho tỉnh (khoảng 90 tỷ đồng) để xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, suối và di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn...
Sau khi nghe báo cáo công tác PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh Điện Biên và ý kiến của các thành viên, phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị, chủ động trong công tác PCTT&TKCN của tỉnh.
Theo Thứ trưởng, dự báo trong năm 2021, thời tiết, khí hậu diễn biến rất khó lường. Để làm tốt hơn nữa công tác PCTT&TKCN năm 2021, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp phòng chống thiên tai như: Tiếp tục thực hiện chỉ số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai; Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW…
Đặc biệt, các cấp, các ngành, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN của cấp mình, ngành mình phù hợp với tình hình thực tế; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn. Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN, phòng thủ dân sự, đội xung kích từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, đảm bảo thông tin kịp thời cho người dân vùng hạ du khi hồ xả lũ. Các chủ sở hữu đập, hồ chứa thuỷ điện trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khi làm việc, tham quan, du lịch... trên lòng hồ thuỷ điện.
"Các chủ đập, hồ chứa thuỷ điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có việc cảnh báo vận hành xả lũ, vận hành phát điện; lắp đặt tín hiệu, biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm thuộc lòng hồ, vùng hạ du và mốc xác định hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP và Thông tư số 09/2019/TT-BCT" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, đối với cơ quan thường trực phòng PCTT&TKCN Bộ Công Thương, Thứ trưởng chỉ đạo, cần thường xuyên thực hiện công tác liên lạc, thông tin, nhắc nhở các chủ hồ, cơ quan PCTT của Ngành để tránh xảy ra thiếu sót trong vận hành quy trình hồ đập trong mùa mưa lũ gây thiệt hại cho hạ du; Tổ chức tốt công tác trực ban 24/24h, cập nhật xử lý các thông tin dự báo về tình hình thời tiết, thông tin hồ đập thủy điện, tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo kịp thời.
Đối với Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, cần chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị ngành Công Thương trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCTT&TKCN; Triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu, chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt; hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão năm 2021 tại các cơ sở, công trình trong ngành công thương, đặc biệt là các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn quản lý.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cần bảo đảm an toàn cung ứng điện trong mùa mưa lũ; Dự phòng nhiên liệu để đảm bảo sản xuất; thực hiện việc đón lũ theo đúng chỉ đạo; kiểm tra đánh giá an toàn các hệ thống truyền tải, trạm biến áp, đường dây. Tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn, vận hành hồ đập. Đặc biệt là các hồ thủy điện tại khu vực có nhiều rủi ro thiên tai.
Về một số kiến nghị hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của UBND tỉnh Điện Biên, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo TWPCTT, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Nguồn: Moit.gov
Link nguồn