Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp thận trọng trong giao dịch thương mại quốc tế
Thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại nhiều thị trường nước ngoài liên tục cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cẩn trọng để tránh bị gian lận thương mại quốc tế.
Cụ thể, từ cuối năm 2023 đến nay, số doanh nghiệp Việt Nam gặp phải tình trạng gian lận, lừa đảo nhiều hơn với những thủ đoạn tinh vi hơn và không ít doanh nghiệp đã bị lừa vài chục nghìn USD, thậm chí lên đến hàng triệu USD. Theo các chuyên gia thương mại, số lượng vụ việc ngày một tăng thêm và diễn ra ở mọi thị trường từ châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ đến các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Hà Lan, Italy … Đó cũng là một bài học để doanh nghiệp Việt cần phát triển thêm cơ chế quản lý rủi ro cũng như không nên mạo hiểm trước rủi ro lớn trong giao thương.
Ảnh: Tạp chí Công Thương
Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã mở ra nhiều cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau trong thương mại quốc tế. Điển hình là vụ việc xuất khẩu 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy hay nông sản sang Trung Đông đã từng xảy ra. Chính vì vậy, Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã liên tục cảnh báo về những sự cố có thể xảy ra trong giao dịch thương mại. Theo đó, các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất khẩu hàng hóa, giao dịch thương mại quốc tế, cần lưu ý các vấn đề sau:
-
Việc tìm kiếm đối tác tin cậy là quan trọng nên doanh nghiệp cần tìm hiểu, xác minh đối tác và cần yêu cầu doanh nghiệp trung gian cung cấp thông tin cụ thể về đối tác; tìm hiểu hình thức bảo hiểm, công cụ phái sinh cho hàng hoá để giảm bớt thiệt hại; Đặc biệt, doanh nghiệp cần xem xét kỹ với hợp đồng giá trị lớn, đối tác tìm kiếm qua mạng;
-
Trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, liên hệ các Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại hoặc kiêm nhiệm để được hỗ trợ thêm thông tin về đối tác. Mặt khác, doanh nghiệp nên chú ý điều khoản về chế tài trong hợp đồng ký kết, tính đến rủi ro có thể phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện giao dịch.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng, bộ, ban, ngành liên quan tới cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp cho doanh nghiệp thông tin, kinh nghiệm trong giao dịch thương mại quốc tế.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai hoạt động liên quan đến đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại quốc tế.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng giao cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình thị trường cũng như khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Thương vụ cũng sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp xác minh thông tin liên quan đến đối tác, bạn hàng mà doanh nghiệp đang tiến hành giao dịch quốc tế.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với ông Shindo Yoshitaka, Bộ trưởng phụ trách Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Nhật Bản nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
-
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, trước sức ép to lớn của các doanh nghiệp và người lao động về hàng hoá nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, đặc biệt là nhóm hàng dệt may đang tràn ngập thị trường Indonesia, Chính phủ Indonesia đã có những tuyên bố cam kết bảo vệ ngành dệt may nước này. Cụ thể, Indonesia dự tính sẽ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các ngành hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử. Đây đang là những mặt hàng xuất khẩu chính, rất quan trọng của Việt Nam sang thị trường Indonesia…
-
Ngày 09/07/2024, Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về Thương mại Việt Nam - Malaysia đã được tổ chức tại Hà Nội, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Tengku Zafrul Aziz - Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia.
-
Sau khi lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của Godaco Seafood, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.