VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước

20/03/2023 08:49

Sáng 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển KTXH. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự và phát biểu tại Hội Nghị.

Cùng tham dự hội nghị có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước.

Nhằm hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội là tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước với đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty (trước đây thuộc 5 bộ), góp phần quan trọng để các bộ làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, tập trung vào ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật, kiểm tra, thanh tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua, kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, bởi những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dị biệt của kinh tế thế giới; song, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) cùng với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành Trung ương; các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) đã từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên và đạt được nhiều kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và nguồn thu ngân sách nhà nước; là công cụ hữu hiệu để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của TĐ, TCT như: Vai trò chủ đạo của TĐ, TCT chưa thật rõ; chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của một số TĐ, TCT không cao và chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả hoạt động, hiệu quả đầu tư còn thấp; Một số doanh nghiệp chậm trễ trong việc xây dựng và phê duyệt chiến lược phát triển, đề án tái cơ cấu. Việc xây dựng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp và hệ thống các mục tiêu, chỉ số đánh giá doanh nghiệp Nhà nước theo thông lệ quốc tế chưa có nhiều chuyển biến; Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn dẫn đến chậm tiến độ trong thực hiện dự án (chủ yếu là các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực điện, dầu khí…); Việc nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động mọi mặt của doanh nghiệp còn hạn chế.

Theo Bộ trưởng, những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan là: Dịch bệnh Covid-19, xung đột giữa Nga -Ucraina và chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD, đầu tư của DN, tác động tiêu cực đến thị trường đầu vào và đầu ra chuỗi cung ứng cho sản xuất; Sự trầm lắng của thị trường bất động sản và bất ổn của thị trường trái phiếu... cũng đã ảnh hưởng đến việc thu xếp vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân chủ quan là: Quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò, vị trí của TĐ, TCT nhà nước đã khá rõ ràng nhưng việc quán triệt các quan điểm, chủ trương ấy trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện còn lúng túng; Một số vấn đề chưa rõ, còn có ý kiến khác nhau về vai trò, vị trí của TĐ, TCT nhưng chưa được tổng kết, đánh giá kịp thời để có những quy định phù hợp; Quy định hiện hành về DNNN nói chung còn bất cập, chồng chéo, bị phân tán tại nhiều văn bản; các TĐ, TCT chưa thực sự có quyền tự chủ theo cơ chế thị trường; các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan QLNN trong quản lý các DNNN, dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa UBQLVNN, các Bộ quản lý ngành và doanh nghiệp, nhất là về thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư dẫn đến sự chậm trễ trong đầu tư; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương có lúc, có việc chưa kịp thời, nhất là trong khâu phê duyệt chủ trương đầu tư và giải phóng mặt bằng; Tính chủ động của các TĐ, TCT chưa cao, chưa phát huy tính năng động sáng tạo đúng với thực lực của mình; Năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn yếu; chưa chủ động nghiên cứu phát triển ngành, sản phẩm mới phù hợp với xu thế…

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên và nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm:

Thứ nhất, tập trung cao cho việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về phát triển DNNN; theo đó cần đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN (luật số 69) và sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 1 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Một số vấn đề chưa rõ, còn có ý kiến khác nhau cần phải được tổng kết, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung: như vấn đề trao quyền tự chủ cho TĐ, TCT; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sử dụng TĐ, TCT làm công cụ điều tiết kinh tế… để thúc đẩy các TĐ, TCT hoạt động theo nguyên tắc thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; đồng thời cần mạnh dạn có cơ chế đặt hàng, ưu tiên xem xét giao cho các TĐ, TCT Nhà nước có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án lớn, trọng yếu quốc gia và các dự án đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh (như các dự án khai thác năng lượng điện ngoài khơi, khai thác tài nguyên, khoáng sản…) nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm về quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các TĐ, TCT đầu tư ra nước ngoài và hợp tác đầu tư với các đối tác lớn của các quốc gia phát triển nhằm giúp các TĐ, TCT đi tắt, đón đầu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thứ hai, sớm hoàn thiện mô hình hoạt động của UBQLVNN; cần quy định thật cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền của UB và các Bộ quản lý ngành trong quản lý nhà nước đối với các TĐ, TCT để thống nhất thực hiện.

Thứ ba, xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao tính chủ động, hiệu quả chức năng giám sát của nhà nước đối với hoạt động của TĐ, TCT. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho DN; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động SXKD gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động của TĐ, TCT nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan QLNN, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của TĐ, TCT theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, xác định và làm rõ hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của DNNN trong nền kinh tế. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN trong phát triển KTXH của đất nước; củng cố vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong hoạt động của DNNN, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Thứ năm, việc thực hiện cổ phần hóa DNNN chỉ nên tập trung vào các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thua lỗ, yếu kém để tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài, tạo ra cú huých về tài chính, đổi mới công nghệ, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Đối với các DNNN đang hoạt động có hiệu quả, đóng góp nhiều cho NSNN thì cần giữ lại tiếp tục quản lý hoặc chỉ cổ phần hóa một phần, vốn Nhà nước giữ vai trò chi phối để tiếp tục phát huy hiệu quả, củng cố vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Trong trường hợp vấn đề nằm ở yếu tố quản trị, con người thì cần mạnh dạn nhìn nhận vấn đề và đề xuất thay đổi nhân sự để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ sáu, đối với TĐ, TCT: (1) Tăng cường quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh; (2) Bám sát đề án, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả (3) Tập trung rà soát, đánh giá những vấn đề còn tồn đọng thuộc thẩm quyền của mình hoặc của Bộ, ngành, UBQLVNN để tham mưu đề xuất kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

Sau gần 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan trực thuộc Chính phủ, làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện mô hình, đổi mới hoạt động của Ủy ban để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra, trong đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là hoạch định chiến lược phát triển cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước để giữ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dự kiến sau hội nghị, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị hoặc Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn hiện nay, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.105.874