VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ Công Thương: Cơ bản hoàn thành Tiêu chí số 4 và số 7 xây dựng nông thôn mới

24/06/2025 09:32

Nỗ lực hoàn thành Tiêu chí số 4 và số 7, Bộ Công Thương đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai Tiêu chí số 4 về Điện nông thôn và Tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Nỗ lực suốt chặng đường vừa qua trong công tác xây dựng bộ máy chỉ đạo và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp; kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình;… Bộ Công Thương đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mức; chung tay cùng cả nước góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Điện luôn đi trước một bước

Trong giai đoạn 2021-2025, mặc dù gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính nước ngoài, các đơn vị Điện lực đã huy động tối đa nguồn vốn vay thương mại trong nước, vốn đầu tư của các đơn vị và lồng ghép với chương trình khác để đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện trung, hạ áp nông thôn đáp ứng tiêu chí của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.


Dự kiến đến cuối năm 2025, có 7.424/7.914 xã đạt Tiêu chí số 4 nông thôn mới

Đến nay, việc quy hoạch phát triển hệ thống điện nông thôn, xây dựng kế hoạch thực hiện Tiêu chí số 4 đã được thực hiện thống nhất theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương;…

Các đơn vị Điện lực đã thường xuyên kiểm tra, đánh giá hệ thống điện, tình hình cung cấp điện nông thôn để có kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp đối với những khu vực có hệ thống điện bị hư hỏng, xuống cấp, quá tải và đầu tư phát triển mới, nhằm duy trì, giữa vững đối với những địa phương đã đạt chuẩn và xây dựng phát triển thêm những địa phương mới đạt Tiêu chí số 4.

Kết quả dự kiến đến cuối năm 2025, có 7.424/7.914 xã đạt Tiêu chí số 4 nông thôn mới, chiếm 93,8% tổng số xã và hoàn thành 100% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; có 3.239/7.914 xã đạt Tiêu chí số 4 nông thôn nâng cao đạt 3.239/7.914 xã, chiếm 39,7% tổng số xã và hoàn thành 101% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; có 903/7.914 xã đạt tiêu chí số 4 nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 11,4% tổng số xã và hoàn thành 102% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Việc đầu tư phát triển điện nông thôn là yếu tố quan trọng làm thay đổi tình hình cung cấp điện nông thôn, từ chỗ chỉ đáp ứng được ở mức cơ bản lên đáp ứng được hầu hết nhu cầu điện với chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực nông thôn.

Xã hội hóa đầu tư, hạ tầng thương mại nông thôn ngày một khang trang

Với Tiêu chí số 7, sau khi có hướng dẫn thực hiện từ Bộ Công Thương, các địa phương đã rà soát tình hình phát triển chợ nông thôn, các loại hình hạ tầng thương mại liên quan, xem xét đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo nhiều cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chủ động kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, kêu gọi sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, phát triển chợ; hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa tại các chợ đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, phục vụ tốt đời sống sinh hoạt và cả trong sản xuất của người dân.

Một số địa phương đã có cơ chế hỗ trợ một phần vốn nhất định để đầu tư cho chợ được xây mới nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn nông thôn.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 8.274 chợ, trong đó có 230 chợ hạng 1 chiếm 3%, 868 chợ hạng 2 chiếm 10%, 7.036 chợ hạng 3 chiếm 85% và 140 chợ chưa phân hạng chiếm 2%. Ở nhiều vùng nông thôn, các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại, tiện ích, các loại cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cũng đã bắt đầu hình thành và đang phát triển.

Công tác phát triển và quản lý cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tại các địa phương đã từng bước nhận được sự quan tâm của chính quyền,… Việc tổ chức, sắp xếp các điểm kinh doanh ngày một khoa học, phù hợp dần với các thiết kế xây dựng, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, đảm bảo môi trường và giải quyết, xử lý các vấn đề đặt ra.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chủ trì, huy động, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tạo tiền đề vật chất cho hoạt động lưu thông hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh việc phát triển và quản lý chợ, đặc biệt là chợ ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Cùng với đó, thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn gắn với việc đáp ứng các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và đáp ứng nhu cầu thị trường”, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ và phân bổ kinh phícho một số Trường thuộc Bộ tổ chức cho khoảng gần 1.700 học viên tham dự các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn.

Chuyển trọng tâm từ phát triển số lượng sang nâng cao chất lượng

Bộ Công Thương cho biết, Điện khí hóa nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và Chính phủ giao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống lưới điện nông thôn, đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần cho phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị và an ninh quốc phòng cho khu vực nông thôn trên cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương xác định thị trường trong nước sẽ đóng vai trò là động lực chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khai thác có hiệu quả thị trường trong nước với trên 100 triệu dân;...

Phát triển thương mại trong nước trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và sự sáng tạo, tận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khuyến khích phát triển các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa; coi thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa lĩnh vực thương mại trong nước trong thời kỳ mới.

Do đó, triển khai Chương trình trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện nông thôn, đảm bảo giữ vững với những địa phương đã đạt Tiêu chí số 4, liên tục phát triển tăng thêm các địa phương mới đạt Tiêu chí số 4, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tập trung chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng, hoàn thiện tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các quy định của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2026- 2030.

Với Tiêu chí số 7, Bộ Công Thương đặt mục tiêu phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

Tận dụng mọi nguồn lực tạo điều kiện phát triển mạng lưới chợ theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, là kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối sản xuất và tiêu dùng. Tập trung chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng, hoàn thiện tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2026-2030

Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, cần tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm.

Theo đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với mô hình tổ chức hành chính hai cấp (tỉnh – xã).

Tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Quán triệt tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”;...

Chuyển trọng tâm từ phát triển số lượng sang nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng duy trì và nâng cao các tiêu chí sau đạt chuẩn nông thôn mới. Tăng cường lồng ghép, huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện các Tiêu chí số 4 và số 7, chỉ tiêu cụm công nghiệp để nắm bắt thông tin, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời hướng dẫn, hoặc nghiên cứu điều chỉnh bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương;...

Bộ Công Thương cho hay, việc thực hiện tốt các chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa, chuyển đổi số, thương mại điện tử,... sẽ hỗ trợ thiết thực, hiệu quả giúp doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt,... góp phần hỗ trợ thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn.


 

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: t_nguyenhuutam@yahoo.com
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.771.966