Bộ Công Thương cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành
Cùng với chỉ số tiếp cận điện năng tăng hạng vượt bậc, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành là điểm sáng của Bộ Công Thương trong thời gian qua.
Về cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh và tình hình thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh
Thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ về yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương “Tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến ½ số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý...” và trên cơ sở Quyết định 3610A/QĐ-BCT ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và 09 Nghị định trong năm 2017 và năm 2018.
Như vậy, Bộ Công Thương đã hoàn thành phương án đề xuất tại Quyết định số 3610A/QĐ-BCT ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
Ngày 01 tháng 01 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, trong đó giao các bộ, cơ quan ngang bộ “Công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018”.
Để triển khai nhiệm vụ nêu trên, ngày 02 tháng 7 năm 2019, Bộ Công Thương đã công bố danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương tại cổng thông tin điện tử của Bộ: https://moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/bo-cong-thuong-cong-bo-danh-muc-%C4%91ieu-kien-%C4%91au-tu-kinh-doanh-%C4%91a-%C4%91uoc-bai-bo-%C4%91on-gian-hoa-trong-linh-vuc-quan-ly-nha-nuoc-cua-bo-15911-3003.html
Việc công bố này nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời nhằm mục đích tuyên bố công khai các điều kiện mà Bộ Công Thương đã dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa tại Quyết định số 3610A/QĐ-BCT ngày 20 tháng 9 năm 2017 ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018 và đã được hiện thực hóa tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và các Nghị định khác có liên quan đến việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Như vậy việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như công bố các điều kiện này giai đoạn 2017-2018 đã được Bộ Công Thương hoàn thành.
Theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, Bộ Công Thương được Chính phủ giao theo dõi, giám sát đảm bảo thực thi đầy đủ, nhất quán việc cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước “Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh; đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước”.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11 tháng 10 năm 2018 ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 – 2020. Theo Phương án này, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm tiếp: 202 điều kiện.
Để hiện thực hóa việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh tại Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11 tháng 10 năm 2018 ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 – 2020, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5 tháng 2 năm 2020 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, trong đó tập trung vào cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất, điện lực, ô tô, kinh doanh khí, khoáng sản.
Số lượng điều kiện đã cắt giảm, đơn giản hóa tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP là 205 điều kiện kinh doanh, đã vượt chỉ tiêu so với số lượng dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa tại Quyết định số 3720/QĐ-BCT (dự kiến 202 điều kiện). Đồng thời, các điều kiện đầu tư kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cũng đã được công bố tại cổng thông tin điện tử của Bộ: https://moit.gov.vn/
Công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương
Những kết quả trong giai đoạn đến hết năm 2018
Trong năm 2017, Bộ Công Thương đã hoàn thành các mục tiêu về cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Nghị quyết số 19/NQ-CP của các năm, cụ thể như sau: (i) Bãi bỏ kiểm tra chất lượng sản phẩm thép thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu; (ii) Bãi bỏ kiểm tra chuyên ngành sản phẩm dệt may quy định tại Thông tư số 37/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; (iii) Kiểm tra hiệu suất năng lượng theo Thông tư số 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, chuyển sang giai đoạn sau thông quan; (iv)Kiểm tra an toàn thực phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, chuyển sang áp dụng phương thức theo hướng quản lý rủi ro.
Mức độ hài lòng đối với các thủ tục xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương quản lý liên tục được cải thiện trong những năm vừa qua. Bộ Công Thương chiếm vị trí số 1 về tỷ lệ các doanh nghiệp đưa ra đánh giá "dễ" và "rất dễ" đối với các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong "Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018".
Là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nên tỷ lệ doanh nghiệp có thực hiện các thủ tục quản lý và KTCN trong lĩnh vực QLNN của Bộ Công Thương là lớn nhất trong các Bộ, ngành. Cụ thể, trong số 3061 doanh nghiệp được khảo sát, có 483 doanh nghiệp cho biết đã từng thực hiện các thủ tục quản lý và KTCN trong lĩnh vực QLNN của Bộ Công Thương, chiếm 15,8%. Bản Báo cáo không cho biết số liệu của năm 2017 để so sánh nhưng việc chỉ có 15,8% doanh nghiệp được hỏi phải thực hiện thủ tục quản lý và KTCN trong lĩnh vực QLNN của Bộ Công Thương, bao gồm cả thủ tục cấp phép, công bố hợp quy và kiểm tra chất lượng tại cửa khẩu, đã cho thấy nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương trong việc cắt giảm các thủ tục do Bộ quản lý.
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá các thủ tục của Bộ Công Thương là "dễ" và "rất dễ" luôn nằm ở mức cao nhất. Cụ thể, 27% đánh giá thủ tục cấp phép quản lý chất lượng hàng hóa của Bộ Công Thương là "dễ" và "rất dễ", đứng đầu trong các Bộ, ngành. Về các thủ tục như công bố hợp quy, kiểm tra chất lượng, cấp phép an toàn thực phẩm và kiểm tra an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cũng chiếm vị trí cao nhất về tỷ lệ doanh nghiệp đưa ra đánh giá "dễ" và "rất dễ" (trang 81 và 82 của bản Báo cáo).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy Bộ Công Thương là Bộ có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn thấp nhất khi làm các thủ tục có liên quan đến quản lý chất lượng hàng hóa, bao gồm thủ tục cấp phép, công bố hợp quy và kiểm tra chất lượng. Bộ Công Thương cũng là Bộ có tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia (NSW) cao nhất. Cụ thể, trong số 1210 doanh nghiệp đã từng thực hiện thủ tục trên NSW, có tới 66% (798 doanh nghiệp) thực hiện thủ tục do Bộ Công Thương quản lý, vượt rất xa so với Bộ đứng thứ 2 là Bộ Nông nghiệp và PTNT (459 doanh nghiệp, 38%). Kết quả này cho thấy những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc kết nối các TTHC của mình với NSW theo chủ trương chung của Chính phủ. Đáng chú ý, có tới 41% số doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện các thủ tục của Bộ Công Thương trên NSW là "dễ" và "rất dễ", cao nhất trong các Bộ, ngành.
Kết quả khảo sát nêu tại Báo cáo đã cho thấy hiệu quả và nỗ lực của Chính phủ nói chung và ngành Công Thương nói riêng trong việc cải cách TTHC, đặc biệt là cải cách hoạt động quản lý và KTCN. Những giải pháp đúng hướng của Chính phủ trong các Nghị quyết này và chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động KTCN và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được Bộ Công Thương triển khai tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành các nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm danh mục, thủ tục kiểm tra chuyên ngành giao Bộ Công Thương tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Những kết quả trong năm 2019
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (Nghị quyết 02), Bộ Công Thương đã hoàn thành các nhiệm vụ sau liên quan đến công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành:
- Ban hành Quyết định số 765/QĐ-BCT ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc công bố danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch của Nghị quyết 02. Theo đó, tính đến thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã đưa ra khỏi danh mục các sản phẩm, hàng hóa là đối tượng kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương là 1051 mã HS/1799 mã HS (chi tiết đến 8 số) đạt tỷ lệ hơn 58%. Từ đầu năm đến nay Bộ Công Thương là một trong những Bộ, ngành đầu tiên công bố danh mục các sản phẩm, hàng hóa cắt giảm không còn là đối tượng kiểm tra chuyên ngành.
- Ban hành Quyết định số 1325A/QĐ-BCT ngày 20 tháng 5 năm 2019 về việc ban hành danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương (Quyết định số 1325A/QĐ-BCT), hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo tại Công văn số 320/TTg-KSTT ngày 15 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1254/QĐ-TTg đối với nhiệm vụ ban hành quyết định thay thế Quyết định số 4755/QĐ-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2017. Theo đó, tính từ thời điểm sau khi ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã công bố đầy đủ danh mục các sản phẩm, hàng hóa là đối tượng kiểm tra chuyên ngành là 748 mã HS (chi tiết đến 8 số) trong các lĩnh vực: kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2, kiểm tra chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật, kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra hiệu suất năng lượng.
- Ban hành Quyết định số 2314/QĐ-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành phương án cắt giảm thủ tục, danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương giai đoạn năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Theo đó, tại Quyết định này Bộ Công Thương đã ban hành tiêu chí và nguyên tắc cắt giảm thủ tục, danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành để đảm bảo cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện. Các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành bao gồm các nhóm: (i) Các mặt hàng được đưa ra khỏi danh mục phải kiểm tra chuyên ngành tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực, có 233 mã HS 8 số chiếm khoảng 31% danh mục; (ii) Các mặt hàng được cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành sau khi sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật có liên quan (bao gồm Nghị định và Thông tư), dự kiến có 209 mã HS 8 số chiếm khoảng 28% danh mục; (iii) Các mặt hàng được cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đưa ra khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành sau khi có ý kiến phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan, dự kiến có 49 mã HS 8 số chiếm khoảng 6,6% danh mục. Các phương án này đảm bảo thực hiện cắt giảm thực chất 50% số thủ tục, mặt hàng theo Nghị quyết 02 nhưng cần lộ trình thời gian để tổ chức thực hiện.
- Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xây dựng phương án xử lý chồng chéo về thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một số mặt hàng trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2 và kiểm tra theo tiêu chuẩn kỹ thuật về hiệu suất năng lượng (Nghị quyết 99/NQ-CP phiên họp thường kỳ Chính phủ thàng 10 năm 2019), ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Nghị định số 85/2019/NĐ-CP).
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan: Số tờ khai nhập khẩu có KTCN (đã bao gồm cả Số tờ khai phải kiểm dịch và kiểm tra về văn hóa) năm 2019 chỉ chiếm 6,62% trong tổng số tờ khai nhập khẩu. Nếu tính riêng số tờ khai phải kiểm tra ATTP và kiểm tra chất lượng thì chỉ chiếm 3% tổng số tờ khai nhập khẩu (trong giai đoạn 2015-2016 số liệu này là 8-10%/năm). Như vậy, Bộ Công Thương đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 02. Bộ Công Thương cũng đã thành lập Trang tin về hoạt động Kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để đăng tải, công bố công khai các văn bản, hoạt động liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành, điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương cũng như kịp thời giải đáp những câu hỏi của doanh nghiệp, người dân.
Về công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Bộ Công Thương
Trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung, cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính nói riêng luôn được Lãnh đạo Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế với công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định, TTHC được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước. Trong những năm qua, đơn giản hóa TTHC ở Bộ Công Thương được tiến hành theo lộ trình rõ ràng, cụ thể:
- Ngày 9/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 4846/QĐ-BCT về Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017; theo Phương án này, Bộ đơn giản hóa, bãi bỏ 123 TTHC trong tổng số 443 TTHC thuộc phạm vi Bộ quản lý thời điểm đó. Đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay; tuy nhiên, năm 2017, Bộ Công Thương đã thực hiện vượt mục tiêu này, đã cắt giảm và đơn giản hóa 183 TTHC.
- Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018. Theo đó, có khoảng 55,5% trên tổng số các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công thương đã được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa trong 16 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
- Ngày 27/4/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1408/QĐ-BCT ban hành Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC năm 2018 của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa 50 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý. Cũng trong năm 2018, Luật Quản lý ngoại thương chính thức có hiệu lực, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương. Bộ đã tiến hành rà soát tổng thể hệ thống VBQPPL và TTHC trong lĩnh vực Xuất nhập khẩu để sửa đổi phù hợp với Luật quản lý ngoại thương, đồng thời, tiến hành đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực này tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động Xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng theo hướng minh bạch, ổn định, đơn giản hoá TTHC đồng thời cụ thể hoá quy trình, trình tự, thời gian thực hiện TTHC để các Bộ ngành thực hiện thống nhất. Cụ thể, sau quá trình rà soát đã cắt giảm, bãi bỏ 02 TTHC và đơn giản hóa 36 TTHC trong lĩnh vực Xuất nhập khẩu (Báo cáo số 7338/BCT-VP ngày 11 tháng 9 năm 2018 của Bộ Công Thương về việc báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC của Bộ Công Thương năm 2018).
- Tiếp theo việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh năm 2017, ngày 11/10/2018, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Quyết định số 3720/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương giai đoạn 2019-2020; Phương án tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm: 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%). Theo đó, để triển khai đồng bộ, hiệu quả Quyết định nêu trên, trong dự thảo Phương án đơn giản hóa TTHC của Bộ Công Thương, ngày 24/4/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1019/QĐ-BCT phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2019; theo đó, sẽ tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm 40 TTHC/ tổng số 444 TTHC hiện có. Tính đến thời điểm hiện tại, các Phương án cắt giảm TTHC tại Quyết định số 1019/QĐ-BCT đã được Bộ Công Thương triển khai thực thi tại các VBQPPL sửa đổi, đảm bảo tiến độ thực hiện.
- Đến nay, Bộ Công Thương đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 152/ 444 TTHC hiện có (132 TTHC thực hiện ở cấp tỉnh; 18 TTHC thực hiện ở cấp Huyện, 02 TTHC thực hiện ở cấp xã).
Đánh giá chung về công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Bộ Công Thương
Những năm qua, Bộ Công Thương luôn nỗ lực thực hiện công tác đơn giản hóa TTHC, cắt giảm điều kiện đầu tư – kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể:
- Công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC nói chung, đơn giản hóa TTHC và thực hiện Chính phủ điện tử nói riêng đã và đang được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Hầu hết các Hội nghị của Chính phủ đều ban hành Nghị quyết có nội dung chỉ đạo, điều hành về CCHC với các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể giao cho từng Bộ, ngành, địa phương chủ trì thực hiện.
- Tại Bộ Công Thương, công tác CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng luôn được Lãnh đạo Bộ, đứng đầu là đồng chí Bộ trưởng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, gắn liền với trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị và các đồng chí Thứ trưởng theo lĩnh vực phụ trách.
- Hằng năm, Bộ Công Thương thực hiện rà soát đánh giá tổng thể các TTHC, để xây dựng, ban hành Phương án đơn giản hóa, cắt giảm TTHC và đảm bảo khả năng thực thi của các TTHC được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa.
- Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng công tác CCHC của mình: song song với xây dựng nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị (PAKN) của người dân, doanh nghiệp. Hàng năm, Bộ Công Thương thường xuyên duy trì tổ chức nhiều Diễn đàn, Hội nghị, Tọa đàm lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, TTHC ngành Công Thương nhằm tăng cường đối thoại, khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về các TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
- Công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận: những năm qua, Bộ Công Thương luôn đặc biệt quan tâm chú trọng công tác thông tin tuyên truyền sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong công tác tái cơ cấu ngành Công Thương thông qua việc tổ chức, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, đơn giản hóa, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh đầu tư doanh, kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung ứng dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ điện tử;.... để người dân, doanh nghiệp hiểu, đồng thuận cao và hưởng ứng thực hiện.
- Bộ Công Thương ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng về hoạt động kiểm soát TTHC: Thông tư số 18/2018/TT-BCT ngày 19 tháng 7 năm 2018 (thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BCT). Theo đó, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc ban hành, công bố và rà soát theo định kỳ các TTHC thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, đảm bảo việc ban hành TTHC đáp ứng các tiêu chí về sự cẩn thiết, tính hợp lý, hợp pháp; rà soát, đơn giản hóa TTHC tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện.
Công tác CCHC nói chung, đơn giản hóa, cắt giảm các TTHC, điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương nói riêng, được Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và các Bộ ngành, địa phương đánh giá cao.
Nguồn; Moit.gov
Link nguồn
-
(VITIC-DNTM) Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 162,8 tỷ USD
-
Bao bì là một yếu tố quan trọng nhằm mục đích thu hút người tiêu dùng Trung Quốc. Vì vậy, xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm, mà mẫu mã bao bì cũng cần được cải tiến để người tiêu dùng quan tâm hơn.
-
Chiều 5/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng đến chỉ số CPI, đến đời sống người dân nên cần thực hiện nghiên túc, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong kiểm soát nguồn cung, chất lượng và giá cả.
-
Với tinh thần chủ động của Bộ Công Thương nhằm khơi thông thị trường xuất nhập khẩu (XNK), cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, hoạt động XNK qua các cửa khẩu biên giới đã ổn định trở lại.