Bình Thuận: Triển khai nhiều biện pháp mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long cả trong nước lẫn nước ngoài
Mới đây, tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt Đề án phát triển cây thanh long đến năm 2030. Nội dung Đề án yêu cầu cần phải chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngoài ra, phải thay thế vườn thanh long già cỗi, năng suất, chất lượng thấp; phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, sinh thái, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường.
Theo Đề án, đối với thị trường tiêu thụ trong nước, cần đa dạng hoá các kênh phân phối cả truyền thống và hiện đại, tạo thuận lợi, dễ dàng cho du khách, người tiêu dùng tiếp cận.
Hoạt động tại một cơ sở tham gia xuất khẩu thanh long Bình Thuận (Ảnh: Ngọc Lân) - Báo Bình Thuận
Đối với thị trường nước ngoài, cần củng cố, mở rộng các thị trường xuất khẩu truyền thống hiện có. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, nâng tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và châu Âu. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, làm thay đổi tư duy sản xuất thanh long gắn với nhu cầu thị trường, chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng với đó, xây dựng các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, hệ thống kho, nhà máy gia nhiệt, chiếu xạ theo yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Chi Lê, Úc…
Bình Thuận đặt mục tiêu tăng đầu tư ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2030 để thực hiện đề án này; tranh thủ thêm các nguồn vốn từ Trung ương, vốn từ các thành phần kinh tế; thực hiện tốt cơ chế lồng ghép các nguồn vốn từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn lực của tỉnh để cùng thực hiện.
Mục tiêu đến năm 2030 diện tích cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm và hình thành nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái thanh long.
Ở thời điểm hiện tại, thanh long được xác định là một trong những cây trồng lợi thế đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ ở hai hình thức là nội địa và xuất khẩu. Thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 15% tổng sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu. Trong số xuất khẩu có khoảng 2 - 3% xuất khẩu chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu, chủ yếu xuất qua thị trường Trung Quốc.
Trong giai đoạn 2016 - 2022, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch đạt gần 53 triệu USD, tương đương với 43.748 tấn. Đồng thời, theo số liệu tổng hợp của Sở Công Thương, giai đoạn 2016 - 2022, giá trị xuất khẩu biên mậu đã đóng góp cho tỉnh 2.637 triệu USD, bình quân khoảng 376,7 triệu USD/năm.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Tỉnh Kon Tum xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu, phấn đấu vào năm 2025, định hướng đến 2050, trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.
-
Bến Tre nỗ lực thực hiện mục tiêu đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dừa phục vụ hoạt động xuất khẩu
Tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với tình hình thực tế địa phương. -
Ngày 9/5/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 389/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
-
Từ ngày 30/5 đến 2/6/2024, Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa (VietNam Dairy 2024) lần thứ 4, chủ đề “Bạn khoẻ mạnh, Việt Nam khoẻ mạnh” sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, do Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) chủ trì, Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm và quảng cáo Việt Nam (VietFair) phối hợp thực hiện.