VITIC
Thị trường trong nước

Bình ổn thị trường hàng hóa Tết

28/12/2022 14:48

Năm nay, dịp Tết Nguyên đán gần với Tết Dương lịch nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đang được tích cực triển khai, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

Hối hả chuẩn bị hàng hoá Tết

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Quý Mão 2023. Thị trường hàng hóa Tết năm nay ước tính sẽ tăng khoảng 10 - 15% về nhu cầu so với năm ngoái. Do vậy, thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang gấp rút triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo đủ thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng.

Từ tờ mờ sớm, hơn chục lao động của một xưởng sản xuất giò chả đã bắt tay vào công việc để chuẩn bị cho những đơn hàng cuối năm.

"Chúng tôi phải làm việc với các khách hàng thân quen, đặt hàng với số lượng lớn, để mình có kế hoạch làm việc với các bên cung cấp như bên cung cấp thịt lợ để đáp ứng được nhu cầu rất lớn dịp Tết", anh Hoàng Thanh Tùng, Phụ trách kinh doanh thương hiệu Giò chả Bộ Bích, chia sẻ.


Thị trường hàng hóa Tết năm nay ước tính sẽ tăng khoảng 10 - 15% về nhu cầu so với năm ngoái. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Cung ứng ra thị trường gần 100 tấn miến cho dịp Tết năm nay, doanh nghiệp kỳ vọng doanh số tháng Tết sẽ tăng 200%. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, ngay từ đầu tháng 8, doanh nghiệp đã làm việc với các đối tác để giảm chi phí, giữ bình ổn giá sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

"Chúng tôi đã chuẩn bị từ tháng 8. Bây giờ vẫn đang tiếp tục sản xuất để duy trì cấp ra thị trường, giá không tăng, không điều chỉnh", bà Chu Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CPTP Minh Dương, cho biết.

Đảm bảo cung cầu, bình ổn giá tới tay người tiêu dùng cũng là nội dung nằm trong chỉ đạo của Chính phủ trong việc tập trung kiểm soát giá cả, lạm phát thời gian cuối năm nay và những tháng đầu năm tới.

Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Tài Chính đã có Chỉ thị 03, yêu cầu các đơn vị trong ngành bám sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán; đồng thời, chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá trong bối cảnh khó lường của năm 2023.

Đảm bảo giá cả hàng hóa dịp cuối năm

Cục Quản lý giá sẽ phối hợp, triển khai các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện công tác bình ổn tại một số địa phương. Trước mắt trong giai đoạn từ nay đến Tết Nguyên đán, Cục Quản lý giá sẽ tổ chức thiết lập kênh thông tin để nắm bắt biến động giá cả hàng ngày tại từng địa phương.

"Chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cũng như chuẩn bị tốt công tác dự trữ hàng hóa, ưu tiên đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩ, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa thiết yếu khác có nhu cầu tăng cao dịp Tết", bà Phùng Thị Ánh Ngọc, Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, cho hay.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cũng đang bước vào cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm. Đây cũng là thời điểm tương đối áp lực với doanh nghiệp bình ổn khi vừa sản xuất, vừa tìm cách giữ giá.

Tiếp cận vốn, doanh nghiệp bình ổn nỗ lực giữ giá hàng hóa Tết

Ngay sau quyết định nới room của Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp thực phẩm cho biết, đã bắt đầu được giảm lãi suất cho vay và tiếp cận được nguồn vốn dịp cuối năm. Dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng đây là tín hiệu tích cực đối với doanh nghiệp để yên tâm bình ổn giá.

Cung cấp cho thị trường từ 1 - 1,5 triệu trứng gia cầm một ngày là số lượng hàng hóa Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chuẩn bị cho thị trường 1 tháng trước, trong và một tháng sau Tết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đảm bảo giá trứng gia cầm trong các kênh bình ổn luôn thấp hơn thị trường từ 5 - 10%.

Bên cạnh chủ động nguồn cung từ sớm, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, việc được tiếp cận dòng vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi đã khiến doanh nghiệp có thêm nguồn lực để ổn định giá cả, đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng 30 - 50% trong tháng Chạp.


Các doanh nghiệp triển khai chương trình khuyến mãi sâu từ 30 - 50% vào những ngày giáp Tết. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Cách đây vài hôm, chúng tôi nhận được thông báo từ ngân hàng Vietcombank là giảm 1% lãi suất cho chúng tôi. Đây là tín hiệu rất mừng", ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết.

Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, gần 40 doanh nghiệp trong ngành đã chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa phục vụ cao điểm Tết. Tổng nguồn vốn thực hiện bình ổn thị trường là gần 20.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp bình ổn thị trường được ưu tiên tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi.

"Chúng tôi cần nguồn vốn để ổn định cho sản xuất và sau khi chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết cũng phải dự trữ các nguyên, vật liệu", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Các doanh nghiệp cũng đang lên phương án tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động, triển khai chương trình khuyến mãi sâu từ 30 - 50% vào những ngày giáp Tết.

Bên cạnh việc đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều chươnh trình kích cầu tiêu dùng. Năm nay, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán. Không chỉ là 30, 50%, mức khuyến mại trong thời gian này lên đến 100%. Dự kiến có gần 100.000 chương trình khuyến mại, gấp đôi so với năm ngoái.

 

Nguồn: VTV.vn
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.102.571