Bến Tre nỗ lực thực hiện mục tiêu đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dừa phục vụ hoạt động xuất khẩu
Tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Theo kế hoạch, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu ổn định diện tích vườn dừa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của vườn dừa; phát triển diện tích vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ trên cơ sở liên kết chuỗi giá trị bền vững. Địa phương đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm dừa thông qua việc chứng nhận hữu cơ, GAP và tương đương; cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói … theo yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và xuất khẩu.
Sản phẩm dừa tươi Bến Tre - Ảnh: Moit.gov.vn
Tỉnh Bến Tre đã xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu, khảo nghiệm về giống dừa, cung cấp cây giống dừa chất lượng cao cho nhu cầu trồng mới và cải tạo vườn dừa lão, kém hiệu quả; thực nghiệm trình diễn các mô hình canh tác dừa tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, tỉnh cũng tiến hành nghiên cứu phát triển, đa dạng hoá, chế biến sâu sản phẩm dừa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm dừa, xây dựng thương hiệu vững chắc trên các thị trường xuất khẩu chủ lực; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành dừa, hiệu quả sản xuất, đời sống dân cư nông thôn và bảo vệ môi trường.
Mục tiêu đạt được theo kế hoạch đề ra gồm có:
-
Giai đoạn 2024-2025: tỉnh Bến Tre phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000 ha. Tỉnh xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa. Cụ thể, tỉnh phát triển 1.500 ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 20.000 ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000 ha. Giai đoạn này, giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm; kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1 tỷ USD;
-
Giai đoạn 2026- 2030: Bến Tre duy trì và phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000 ha. Giai đoạn này, tỉnh phát triển 5.000 ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 25.000 ha. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000 ha. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 15,74%/năm; kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 14,87%/năm, đạt khoảng 2 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu về phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030 theo kế hoạch đề ra, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền; xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa; đẩy mạnh phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển dịch vụ du lịch. Theo đó, tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, các quy định về xuất nhập khẩu dừa của các quốc gia trên thế giới để thông tin, chuyển kịp thời đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa. Đồng thời, vận động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ngành dừa nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh nói chung.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, củng cố, phát triển hợp tác xã và tổ hợp tác. Tỉnh ưu tiên hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động cho hợp tác xã hoạt động sản xuất, chế biến. Các địa phương tập trung đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực ban quản trị các hợp tác xã, nguồn vốn cho hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất dừa. Với những chiến lược và mục tiêu đã đề ra, tỉnh Bến Tre kỳ vọng thực hiện có hiệu quả Đề phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, đưa cây dừa trở thành mặt hàng xuất khẩu chất lượng cao đến nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 9/5/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 389/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
-
Từ ngày 30/5 đến 2/6/2024, Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa (VietNam Dairy 2024) lần thứ 4, chủ đề “Bạn khoẻ mạnh, Việt Nam khoẻ mạnh” sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, do Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) chủ trì, Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm và quảng cáo Việt Nam (VietFair) phối hợp thực hiện.
-
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn cầu
-
Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, tính chung bốn tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng