BÁO CÁO: Tình hình kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước
TÓM TẮT
Quốc tế:
Do áp lực kinh tế và sinh kế, phần lớn các quốc gia đã chuyển sang tình trạng “bình thường mới”- vừa khôi phục kinh tế vừa chống dịch. Sản xuất công nghiệp trên thế giớido đó đã khởi sắc trong tháng 6 và tháng 7/2020.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tính đến giữa tháng 8/2020, thế giới đã ghi nhận gần 21 triệu ca nhiễm Sars-ncov2. Ngay cả những “hình mẫu chống dịch” như New Zealand và Việt Nam gần đây cũng bắt đầu xuất hiện trở lại các ca lây nhiễm trong cộng đồng sau 3 tháng ngừng giãn cách xã hội, tạo ra những khó khăn, thách thức lớn cho toàn cầu trong việc tìm kiếm các động lực cho tăng trưởng trong nửa cuối năm 2020.
Theo số liệu mới công bố của Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ số giá hàng hóa chung của thế giới cũng như các nhóm hàng hóa chính trong tháng 7/2020 đều trong xu hướng tăng so với tháng 6/2020, cho thấy những tiến triển dù nhỏ trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Chỉ số giá hàng hóa chung và nhóm hàng đầu vào công nghiệp, thực phẩm đã vượt trên ngưỡng của năm gốc (năm gốc 2016=100), trong khi nhóm nhiên liệu và đồ uống vẫn thấp hơn 100.
Để củng cố nền kinh tế trước các cú sốc do dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp, bao gồm tăng chi tiêu tài khóa, giảm thuế và cắt giảm lãi suất cho vay cũng như giảm yêu cầu dự trữ của các ngân hàng và hỗ trợ việc làm. Nhờ đó, GDP, đầu tư nước ngoài, xuất, nhập khẩu, tiêu dùng đều ghi nhận sự cải thiện trong quý II/2020. Nhìn chung, Trung Quốc có thuận lợi hơn các nước khác khi có dư địa và tiềm lực để triển khai các phản ứng tài khóa và tiền tệ. Tháng 8/2020, NHTW Trung Quốc tiếp tục bơm 150 tỷ nhân dân tệ (21,6 tỷ USD) vào nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Nhật Bản đã tăng trong tháng 6/2020. Các nhà sản xuất được khảo sát bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng dự báo sản xuất sẽ tăng trong tháng 7 và tháng 8/2020.
Theo báo cáo của Văn phòng thống kê EU (Eurostat) phát hành ngày 12/8/2020, việc nới lỏng các biện pháp ngăn chặn COVID-19 ở nhiều quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã có tác động tích cực đến sản xuất công nghiệpkhu vực đồng euro và toàn bộ khu vực EU, với mức tăng 9,1% trong tháng 6/2020 so với tháng trước đó.Nếu so với tháng 6/2019, sản xuất công nghiệp vẫn giảm 12,3% ở khu vực đồng euro và 11,6% ở toàn EU.
Nhờ những nỗ lực của Chính phủ cũng như tình hình dịch bệnh lắng xuống ở châu Âu, tâm lý kinh doanh tại Đức đã được cải thiện vào tháng 7/2020. Tình hình hoạt động của các công ty công nghiệp hiện nay đã sáng sủa hơn những tháng trước. Ngoài ra, các công ty Đức dự kiến kinh doanh sẽ cải thiện trong những tháng tới, một mặt do yếu tố mùa vụ, mặt khác do hầu hết các nước đối tác của Đức đều đã mở cửa trở lại nền kinh tế.
Việt Nam
Trong tháng 7/2020, nhập khẩu nhiều loại vật tư, nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng, máy móc thiết bịphục vụ cho sản xuất tiếp tục tăng như sơ xợi dệt, vải, nguyên phụ liệu dệt may da giày,linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị phụ tùng…có thể là tín hiệu tốt cho sự phục hồi dần của sản xuất của nước ta.
Chính phủ và các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất, ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn từ cuối tháng 7/2020.
Các công ty đa quốc gia thực hiện đầu tư vào Việt Nam cho rằng Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứngtheo hướng mở rộng hoặc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc. Việc các công ty Hàn Quốc xây dựng các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam như trường hợp của Samsung và LG là những dấu hiệu tích cực cho thấy, Việt Nam có thể dần dần tiến lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị và thu hút thêm các khoản đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào.
Theo số liệu công bố ngày 12/8/2020 của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2020, Việt Nam vẫn xuất siêu 2,71 tỷ USD hàng hóa.
Kim ngạch xuất khẩu hàng trong tháng 7/2020 đạt 24,8 tỷ USD, tăng 10,2% so với tháng 6/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đạt 147,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Cao su là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất trong tháng 7/2020 so với tháng 6/2020(tăng 51,1%), nhờ tăng cả về lượng và giá. Một số mặt hàng cũng ghi nhận mức tăng cao là vải mành và vải kỹ thuật khác (41,1%),;Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (29,6%).
Nhập khẩu hàng hóa đạt 22,09 tỷ USD trong tháng 7/2020, tăng 6,7% so với tháng 6/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, đạt 139,21 tỷ USD, giảm 3% so với 7 tháng đầu năm 2019.
Sau thời gian giảm thì tháng 7/2020, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại, xe máy và phụ tùng…đã tăng cả về lượng và trị giá so với tháng 6/2020 (nhưng nếu tính chung cả 7 tháng năm 2020 thì vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019). Trong tháng 7/2020, sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước tăng 2,9% so với tháng 6/2020 mặc dù vẫn thấp hơn với cùng kỳ năm trước khoảng 8%.
Ngược lại với xu hướng tăng chung của nhập khẩu, một số mặt hàng có trị giá nhập khẩu giảm trong tháng 7/2020 so với tháng trước đó có thể kể đến như: than các loại, lúa mì, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hàng điện gia dụng và linh kiện.
Tình hình cụ thể về các mặt hàng (Trong báo cáo chi tiết).
Để tham khảo báo cáo chi tiết, vui lòng liên hệ Ban biên tập theo địa chỉ (thongtincongthuong@gmail.com)
Đơn vị thực hiện:
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại
-
Chiều 13/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội có cuộc làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương về hợp tác phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn Thủ đô.
-
Tính đến hết tháng 7, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 147,61 tỷ USD, tăng 1,5% tương ứng tăng 2,11 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.
-
Theo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đợt bảo dưỡng lần này được chia làm 7 gói thầu.
-
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2020, cán cân thương mại cả nước thặng dư tới 2,77 tỷ USD, đưa thặng dư lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7 lên mức 8,23 tỷ USD.