BÁO CÁO: Tình hình kinh tế – xã hội tháng 01 năm 2024
1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông nghiệp
– Sản xuất nông nghiệp trong tháng 01/2024 tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân, gieo trồng cây hoa màu trên cả nước. Tính đến ngày 15/01/2024, cả nước gieo cấy được 1.821,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 96,9% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 63,4 nghìn ha, bằng 66,6% cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Nam đạt 1.757,9 nghìn ha, bằng 98,5%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.427,7 nghìn ha, bằng 99,5%.
– Cây hàng năm: Diện tích ngô, lạc giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao nên người dân có xu hướng chuyển dịch sang trồng khoai lang, đậu tương và rau các loại để phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
– Chăn nuôi: Tổng số lợn của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 01/2024 tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số bò tăng 0,4%; tổng số trâu giảm 1,2%; tổng số gia cầm tăng 3,6%.
Tính đến ngày 23/01/2024, cả nước không còn dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng còn ở Hòa Bình, Cao Bằng; dịch cúm gia cầm còn ở Bắc Ninh, Tiền Giang; dịch viêm da nổi cục còn ở Tiền Giang; dịch tả lợn châu Phi còn ở 16 địa phương chưa qua 21 ngày. Đáng chú ý là hiện nay đang xuất hiện dịch dại trên động vật tại 5 địa phương chưa qua 21 ngày.
b) Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 01/2024 ước đạt 7,8 nghìn ha, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023; diện tích rừng bị thiệt hại là 31,5 ha, giảm 0,8%, trong đó: Diện tích rừng bị cháy là 2,5 ha, tăng 2%, diện tích rừng bị chặt, phá là 29 ha, giảm 1%.
c) Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng 01/2024 ước đạt 590,1 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 313,3 nghìn tấn, tăng 1,9%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 276,8 nghìn tấn, tăng 4,6%.
2. Sản xuất công nghiệp
– Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.
– Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.
– Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2024 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước.
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[1]
– Tháng Một năm 2024, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 01/2024, có 43,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; có 7.798 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14%; có 2.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,2%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 53,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
4. Đầu tư
– Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 01/2024 ước đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, bằng 4,4% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 3,8% và tăng 5,6%).
– Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.
– Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 01/2024 ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
– Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 01/2024 có 11 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 16,2 triệu USD, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
5. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 01/2024 ước đạt gần 231 nghìn tỷ đồng, bằng 13,6% dự toán năm và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 01/2024 ước đạt 128,9 nghìn tỷ đồng, bằng 6,1% dự toán năm và giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một năm 2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,1%).
b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa[2]
Số ngày làm việc của tháng 01/2024 nhiều hơn tháng 01/2023 (là tháng có Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng), nên kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước đều tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024[3] ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 42%; nhập khẩu tăng 33,3%[4]. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD.
– Xuất khẩu hàng hóa
+ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
+ Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 01/2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 29,48 tỷ USD, chiếm 87,8%.
– Nhập khẩu hàng hóa
+ Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước.
+ Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 28,84 tỷ USD, chiếm 94,1%.
– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 10,9 tỷ USD.
– Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,12 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,04 tỷ USD.
c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng Một tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tháng 01/2024 tăng 2,72%.
– Chỉ số giá vàng tháng 01/2024 tăng 2,55% so với tháng 12/2023 và tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước.
– Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 01/2024 tăng 0,52% so với tháng 12/2023 và tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước.
d) Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách tháng Một ước đạt 392,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 22,7 tỷ lượt khách.km, tăng 3,6% và tăng 7,4%.
Vận tải hàng hóa tháng Một ước đạt 205 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 43 tỷ tấn.km, giảm 0,2% và tăng 13,8%.
đ) Khách quốc tế đến Việt Nam
Chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện rộng khắp cùng với Việt Nam luôn là điểm đến an toàn nên khách quốc tế đến nước ta tháng Một đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước.
7. Một số tình hình xã hội
– Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng Một năm 2024 tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 92,4%.
– Trong tháng Một (15/12/2023-14/01/2024), trên địa bàn cả nước xảy ra 2.434 vụ tai nạn giao thông. Bình quân một ngày trong tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 79 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 52 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 27 vụ va chạm giao thông, làm 31 người chết, 35 người bị thương và 31 người bị thương nhẹ.
– Thiên tai xảy ra trong tháng chủ yếu là mưa lớn; sạt lở làm 9 người mất tích và 1 người bị thương; 969,4 ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; 72 ngôi nhà bị ngập hư hại, thiệt hại ước tính 62,2 tỷ đồng, gấp 3,9 lần cùng kỳ năm 2023.
– Trong tháng 01/2024 (tính từ ngày 17/12/2023 đến ngày 16/01/2024), theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được các Cục Thống kê tổng hợp, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.443 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 2.952 vụ với tổng số tiền phạt 26,1 tỷ đồng, tăng 49,5% so với tháng 12/2023 và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
– Trong tháng 01/2024, trên địa bàn cả nước xảy ra 376 vụ cháy, nổ, làm 5 người chết và 1 người bị thương, thiệt hại ước tính 19,5 tỷ đồng, gấp 4,6 lần tháng trước và gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước./.
[1] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 23/01/2024.
[2] Kim ngạch xuất khẩu tính theo giá F.O.B và kim ngạch nhập khẩu tính theo giá C.I.F (bao gồm chi phí vận tải, bảo hiểm của hàng nhập khẩu). Khi tính cán cân thương mại của nền kinh tế thì kim ngạch xuất, nhập khẩu được tính theo giá F.O.B.
[3] Ước tính tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu tháng 01/2024 do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 29/01/2024. Tổng cục Thống kê ước tính trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 01/2024 dựa trên số liệu sơ bộ về trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu đến hết ngày 25/01/2024 do Tổng cục Hải quan cung cấp.
[4] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01 năm 2023 đạt 46,6 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 23,6 tỷ USD, giảm 25,8%; nhập khẩu đạt 23 tỷ USD, giảm 24,1%.
Nguồn: Trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê
-
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022[1] và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế
-
rong tháng 11/2023, số liệu kinh tế vĩ mô cho thấy kinh tế các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó nhiều nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp diễn và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm
-
Thống kê mới nhất cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Armenia ghi nhận tốc độ tăng trưởng đột biến lên đến 1.532%, tương ứng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 357,82 triệu USD. Kết quả này đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba về thị trường xuất khẩu hàng hóa vào Armenia (chỉ sau Trung Quốc và Nga)
-
Trong tháng Mười Một, cả nước có 14.267 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,6% so với tháng trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; có 6.562 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,6% và tăng 4,7%; 4.510 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 18% và tăng 12,6%; 6.598 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,7%