VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

BÁO CÁO Tình hình kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước (từ 22/5-4/6/2020)

08/06/2020 16:12


TÓM TẮT

Quốc tế:
Tình hình dịch bệnh đã bớt căng thẳng tại khu vực châu Âu, châu Á tuy nhiên dịch đang bùng phát mạnh tại các nước Mỹ Latinh. Tổng số ca nhiễm mới trong ngày trên toàn thế giới vẫn trên 100.000 người/ngày trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020.

 Nhìn chung đến nay, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt những khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19 gây ra, trong đó có gánh nặng nợ công ngày càng tăng.Trong báo cáo tài chính công bố ngày 26/5/2020, ECB cảnh báo các khoản nợ đang ngày một cao tại eurozone kéo theo những quan ngại ngày một tăng về nguy cơ một số nước sẽ rời khỏi eurozone.

Do áp lực kinh tế, nhiều nước Châu Âu và cả Hoa Kỳ đã nới lỏng nhiều lệnh phong tỏa, từng bước tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong tháng 5/2020, hoạt động sản xuất tại châu Âu và Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp so với cùng năm trước nhưng đã khả quan hơn so với tháng 4/2020.

Tại châu Á, sản xuất của hai nước xuất khẩu lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn ở mức yếu. Sản xuất tại Trung Quốc đang dần hồi phục, dù với tốc độ chậm trong tháng 5/2020.

Các nước tiếp tục tăng cường các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế. Thủ tướng Nhật Bản ngày 25/5/2020 thông báo Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng gần gấp đôi gói hỗ trợ khẩn cấp từ mức 117,1 nghìn tỷ yen hiện nay lên 200 nghìn tỷ yen (khoảng 1,86 nghìn tỷ USD). Trung Quốc cũng công bố các biện pháp tài chính bổ sung để thúc đẩy nền kinh tế, với giá trị tương đương khoảng 4,1% GDP của nước này.Ủy ban châu Âu (EC) ngày 29/5/2020 đã đề xuất thành lập quỹ 15 tỷ euro (16,6 tỷ USD) để đầu tư vào các công ty chiến lược đã bị suy yếu do cuộc khủng hoảng COVID-19, đồng thời để tránh việc các công ty của EU bị thôn tính bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ này có thể dành để mua cổ phần, hoặc cấp các khoản vay cho các công ty chiến lược trong các lĩnh vực như y tế, vũ trụ, quốc phòng, công nghệ kỹ thuật số và công nghệ thân thiện với môi trường

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi Chính phủ Trung Quốc thông qua luật an ninh đối với Đặc khu hành chính Hồng Kông – điều mà Hoa Kỳ và một số đồng minh kịch liệt phản đối. Điều này đồng nghĩa với việc các biện pháp trả đũa lẫn nhau về thương mại, vận chuyển, đầu tư...sẽ tiếp tục được hai bên đưa ra, gây khó khăn lớn cho lưu thông hàng hóa giữa hai nước. Trung Quốc yêu cầu các công ty quốc doanh ngừng mua đậu tương và thịt lợn của Hoa Kỳ, đồng thời tuyên bố sẽ mở rộng danh mục hàng hóa ngừng mua hoặc thậm chí hủy bỏ thỏa thuận Giai đoạn 1 nếu Hoa Kỳ có hành động tiếp theo.

Giá hầu hết các mặt hàng nguyên liệu trên thị trường quốc tế đều tăng trong 2 tuần qua do nhiều yếu tố (chi tiết trong báo cáo).

Dịch bệnh đã khiến ngành bán lẻ truyền thống toàn cầu gặp khó khăn chưa từng có. Trong chuỗi cung ứng những phương thức truyền thống nếu có thể đều đã chuyển dịch sang các hình thức giao dịch online.
 
Việt Nam
Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại khi dịch bệnh trong cộng đồng được kiểm soát vững chắc. Trong khi đó, theo đánh giá của Tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist, Việt Nam thuộc nhóm nền kinh tế an toàn sau đại dịch COVID-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5/2020 của Việt Nam đạt 42,7 điểm, tăng 10 điểm so với mức thấp kỷ lục 9 năm của tháng 4/2020, đây cũng là tháng tăng đầu tiên tính từ đầu năm đến nay. PMI tăng do dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam, nhà đầu tư lạc quan về triển vọng sản lượng ngành sản xuất sẽ tích cực vào năm tới.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 5/2020 tăng 26,9% so với tháng trước đó, do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.

Về xuất nhập khẩu,đúng như cảnh báo trong báo cáo kỳ trước, nhập siêu đã xuất hiện trở lại trong tháng 5/2020, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tư liệu phục vụ sản xuất. Nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 90,98 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trong 5 tháng năm 2020, có 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm khoảng 25% tổng KNXK). Về nhập khẩu, có 19 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 78,7% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa lớn cho Việt Nam (về kim ngạch) trong 5 tháng đầu năm 2020.

Tiến độ xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường EU đã khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu trong tuần từ 26/5-4/6/2020 đã chiếm 6,5% tổng trị giá xuất khẩu dệt may của cả nước, tăng khá so với tỷ trọng 4 - 5% trong các tuần trước.

Để tham khảo báo cáo chi tiết, vui lòng liên hệ Ban biên tập theo email: thongtincongthuong@gmail.com
 

Đơn vị thực hiện:
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.099.438