VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

BÁO CÁO: Tình hình kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước. Số tháng 6/2020

06/07/2020 08:33


TÓM TẮT

Quốc tế:
Mặc dù số ca nhiễm bệnh Covid-19 trên thế giới lập kỷ lục mới 140.000-190.000 người/ngày và nguy tái bùng phát dịch khi mở cửa lại nền kinh tế vẫn còn rất lớn, nhưng tháng 6/2020 đã ghi nhận nhiều nỗ lực phục hồi kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, xuất nhập khẩu tại nhiều nước để ngăn đà suy thoái. Sản xuất tại một số nước đã có mức tăng trưởng sau nhiều tháng suy giảm.

Sự ráo riết của các Chính phủ cũng như khu vực tư nhân để tái khởi động lại các hoạt động kinh tế là hoàn toàn có cơ sở khi báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới của IMF đưa ra vào tháng 6/2020 đã hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn -4,9% trong năm 2020, giảm 1,9% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2020.

Giá hàng hóa nguyên liệu trên thị trường quốc tế hầu hết tăng trong 2 tuần qua cũng như trong cả tháng 6/2020. Tuy nhiên, việc mở cửa nền kinh tế cũng làm cho số ca lây nhiễm gia tăng trở lại, ảnh hưởng tới nhu cầu hàng hóa cũng như tăng trưởng kinh tế ở các nước trong thời gian tới.

So với các lục địa khác, châu Á vượt qua khủng hoảng dịch bệnh sớm hơn, đang trên đà phục hồi. Thông qua hợp tác đa phương, cùng với ảnh hưởng tiềm năng của khu vực này, châu Á được kỳ vọng có thể đóng vai trò trung tâm, đưa thế giới ra khỏi đại dịch và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi.

Chỉ số PMI của các trung tâm sản xuất lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều đã tăng trở lại trong tháng 6/2020. Tuy nhiên, khó khăn cho quá trình phục hồi vẫn còn rất lớn: Tính đến tháng 6/2020, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Hoạt động thương mại giữa các nhà máy sản xuất lớn của Nhật Bản trong tháng 6/2020 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009 do ảnh hưởng của Covid-19.

Thái Lan sẽ khởi động một kế hoạch phục hồi nông nghiệp với ngân sách 310 tỷ baht (khoảng 10 tỷ USD) để giúp 2 triệu người mất việc làm về quê hương.

Hoạt động kinh tế khu vực tư nhân tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6/2020 tiếp tục giảm trong bối cảnh các nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Tại Hoa Kỳ, chỉ số PMI cũng được cải thiện. FED tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế thông qua kênh mua trái phiếu doanh nghiệp.

 
Việt Nam
Kinh tế thế giới và trong nước nửa đầu năm 2020 đối mặt với những khó khăn rất lớn do tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng đều sụt giảm.

GDP 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,81%, cũng là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có GDP sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Do dịch bệnh sớm được kiểm soát, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020. Tuy nhiên, do những tác động quá lớn của Covid-19 trong 4 tháng đầu năm, tính chung nửa đầu năm nay, tăng 2,71%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% và là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm 2011-2020. (Trong báo cáo có thống kê các nhóm hàng tăng và giảm so với cùng kỳ năm ngoái).

Hoạt động thương mại dịch vụ trong nước tháng 6/2020 tiếp tục tăng trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8%.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. CPI tăng chủ yếu do nhóm thực phẩm: giá thịt lợn tăng 3,36% (làm CPI chung tăng 0,14%); giá thịt chế biến tăng 2,04%, mỡ ăn tăng 4,93%; giá thịt gia cầm khác (ngan, vịt) tăng 2,19%; giá quả tươi, chế biến tăng 0,53%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 ước tính đạt 41,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu đạt 117,2 tỷ USD, giảm 3%. Trong 6 tháng đầu năm xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD.

Xuất siêu sang EU đạt 9 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 15,3 tỷ USD, giảm 19,3%; nhập siêu từ Hàn Quốc 11 tỷ USD, giảm 18,3%; nhập siêu từ ASEAN 3,1 tỷ USD, giảm 2,4%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 17,4% (do mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng 127,9%). Thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, giảm 8,8%. Thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 14,2%. Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, giảm 2,3%. Hàn Quốc đạt 9,3 tỷ USD, tăng 2,3%.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 10%. Thị trường ASEAN đạt 14,2 tỷ USD, giảm 11,9%. Nhật Bản đạt 9,3 tỷ USD, tăng 5,3%. Hoa Kỳ đạt 7,4 tỷ USD, tăng 7,2%. Thị trường EU đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8,4%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Dự báo: Triển vọng kinh tế sẽ khởi sắc quý III/2020 khi có 48,8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng so với quý II/2020; 18,1% số doanh nghiệp dự báo giảm và 33,1% số doanh nghiệp dự báo ổn định. Có 45,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 18,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 36,6% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.Xuất khẩu có tín hiệu khả quan khi khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy  có 34,2% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng xuất khẩu mới sẽ tăng trong quý III/2020; chỉ 21,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 43,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Để tham khảo báo cáo chi tiết, vui lòng liên hệ Ban biên tập theo địa chỉ (thongtincongthuong@gmail.com)
 

Đơn vị thực hiện:
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.073.733