BÁO CÁO: Tình hình kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước (đến ngày 21/5/2020)
TÓM TẮT
Quốc tế:
Sau hơn 2 tháng thực hiện nhiều quy tắc kiểm dịch ứng phó với COVID-19, các nước đang tìm cách tái khởi động nền kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Dịch bệnh Covid-19 đặt ra một nhu cầu cấp thiết hơn cả trong việc thiết kế, xây dựng một chuỗi cung ứng thông minh hơn, bền vững hơn và đa dạng hơn sau khủng hoảng, dẫn đến xu hướng đa dạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giá hầu hết các mặt hàng nguyên liệu trên thị trường quốc tế đều tăng trong 2 tuần qua do một số yếu tố tích cực sau đây:
-
Ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng lệnh giãn cách/phong tỏa xã hội, đồng thời tăng cường các gói kích thích tăng trưởng hậu dịch bệnh.
-
Những tín hiệu khả quan từ các nước về thử nghiệm thành công vắc-xin chống SARS-CoV-2
-
Nhập khẩu của Trung Quốc tăng trở lại
-
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã công bố chi tiết về Chương trình Hỗ trợ ngành thực phẩm (CFAP)
Báo cáo cũng thống kê một số biện pháp tạo thuận lợi thương mại của các nước thành viên WTOứng phó với dịch COVID-19 và góp phần phục hồi nền kinh tế trong tháng 5/2020 (xem chi tiết trong Báo cáo và Phụ lục)
Việt Nam:
Sản xuất trong nước tiếp tục được thúc đẩy khi dịch bệnh trong cộng đồng về cơ bản được khống chế.Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, chủ yếu ở khâu đầu ra.
Dự báo lạm phát quý 2/2020 ở mức thấp do giá năng lượng (điện, dầu đều giảm), chi phí một số loại dịch vụ công sẽ chưa tăng, mức tiêu thụ phục hồi chậm.
Về xuất nhập khẩu: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kỳ đầu tháng 5/2020 (từ Từ ngày 01/05/2020 đến hết ngày 15/05/2020), xuất khẩu đạt 8,2 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đạt 88 tỷ USD, trong đó khối doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 66%. Nhập khẩu hàng hóa trong kỳ đầu tháng 5/2020 đạt 9,1 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đạt 87,5 tỷ USD, trong đó khối doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 57%.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 5/2020 đã có tín hiệu tăng trưởng trở lại so với tháng 4/2020, song vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2020 dự báo đạt 750 triệu USD, giảm 17,4% so với tháng 5/2019.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)được kỳ vọng sẽ là trợ lực quan trọng trong một năm nhiều khó khăn, thách thức như năm nay.
Liên đoàn Dệt may Quốc Tế (ITMF) đã thực hiện một cuộc khảo sát khoảng 700 công ty dệt may trên toàn cầu (từ ngày 28/3 đến 6/4/2020) cho thấy, trung bình các công ty ước tính doanh thu trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 28%/năm.Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, các chuyên gia cho rằng, nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và các nước có những tiến triển trong khống chế dịch bệnh Covid-19 và các gói kích thích tăng trưởng bắt đầu phát huy tác dụng từ quý 3/2020, ngành dệt may có triển vọng phục hồi vào cuối năm.
Nguồn cung sữa trong thời gian tới có xu hướng gia tăng khi các công ty sữa đều có kế hoạch tăng sản lượng, cộng với nguồn nhập khẩu sẽ đảm bảo đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Giá sữa thế giới có xu hướng giảm trong bối cảnh nguồn cung dư thừa do ảnh hưởng từ dịch Covid- 19. Vì vậy, trong thời gian tới, giá sữa trong nước sẽ tương đối ổn định, thậm chí điều chỉnh giảm hoặc các doanh nghiệp tăng khuyến mại nhằm khuyến khích tiêu thụ.
Ngành ô tô được tháo gỡ khó khăn nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích người tiêu dùng trong nước. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng đề án về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, đón đầu và tận dụng cơ hội từ làn sóng chuyển dịch đầu tư sau đại dịch, phát triển hệ sinh thái với ngành sản xuất ôtô, nhấn mạnh đây là việc làm cấp bách.
Để tham khảo báo cáo chi tiết, vui lòng liên hệ Ban biên tập theo email: thongtincongthuong@gmail.com
Đơn vị thực hiện
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại
-
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, tháng 3/2020, Việt Nam vượt qua Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hàng may mặc lớn số 1 vào thị trường Mỹ.
-
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2020, xuất khẩu hàng dây điện và dây cáp điện của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 25,22 triệu USD, giảm 11,2% so với tháng 3/2020 nhưng tăng 11,4% tháng 4/2019, nâng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 đạt 103,11 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2019.
-
Theo Bộ trưởng, tính đến ngày 20/5, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng hỗ trợ do đại dịch COVID-19. Tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng tới ngày 20/5 là 17,5 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương và quyết liệt triển khai hỗ trợ đến đúng đối tượng được thụ hưởng.
-
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,23 tỷ USD, giảm 8,1% so với 4 tháng đầu năm 2019. Riêng tháng 4/2020 giảm 1,9% so với tháng 3/2020 và giảm 2,7% so với tháng 4/2019, đạt 616,92 triệu USD.