BÁO CÁO: Ngành hàng Lúa gạo tháng 10/2022
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm ước đạt 6,07 triệu tấn, tăng 17,2% so với năm ngoái. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu ước đạt 700.000 tấn.
Báo cáo ngành hàng Lúa gạo tháng 10/2022
Thị trường trong nước
Thị trường lúa gạo tháng 10/2022 giá tăng khi diễn biến nhu cầu cuối năm ngày càng tăng, nguồn cung khan hiếm. Vùng trồng lớn nhất cả nước ở đồng bằng sông Cửu Long đến cuối tháng 10 mới bắt đầu thu hoạch vụ Thu Đông. Đáng chú ý, lúa nếp tăng cao do thị trường Trung Quốc nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn, và diện tích gieo trồng cũng như sản lượng lúa nếp năm nay giảm bởi giá năm ngoái thấp. Thời điểm cuối tháng 8, giá gạo nếp khoảng 480 USD/tấn, thì hiện đã tăng lên mức 570 USD/tấn.
Thị trường xuất khẩu
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm ước đạt 6,07 triệu tấn, tăng 17,2% so với năm ngoái. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu ước đạt 700.000 tấn.
Theo nguồn tin Reuters tháng 10/2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong bối cảnh giá gạo nội địa tăng và nhu cầu xuất khẩu tốt. Theo đó, giá gạo 5% tấm cuối tháng 9/2022 đạt 400-410 USD/tấn, tăng mạnh lên 425 – 430 USD/tấn cuối tháng 10/2022.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 46% trong tổng lượng và chiếm 43,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,47 triệu tấn, tương đương 1,14 tỷ USD, giá trung bình 462,9 USD/tấn, tăng mạnh 35,3% về lượng, tăng 22,2% về kim ngạch nhưng giảm 9,7% về giá so với 9 tháng đầu năm 2021.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 11,7% trong tổng lượng và chiếm 12,3% trong tổng kim ngạch, đạt 626.012 tấn, tương đương 319,41 triệu USD, giá trung bình 510,2 USD/tấn, giảm 26% về lượng và giảm 24,7% kim ngạch; giá tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 546.976 tấn, tương đương 246,9 triệu USD, giá 451,4 USD/tấn, tăng mạnh 94,4% về lượng và tăng 71,2% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 10,2% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 3,58 triệu tấn, tương đương 1,7 tỷ USD, tăng 16,7% về lượng, tăng 8,3% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 429.159 tấn, tương đương 209,31 triệu USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 12,2% kim ngạch.
Dự báo thị trường trong nước
Từ báo cáo số liệu và tình hình thực tế các chuyên gia dự báo xu hướng từ nay đến cuối năm giá gạo châu Á tăng do thời tiết bất lợi ở một số nước trồng lúa và nhu cầu ổn định, đặc biệt là từ Trung Quốc, nhất là gạo phẩm cấp thấp và gạo tấm. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, có nguy cơ gây thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, trong khi Trung Quốc dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm tới sẽ là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên trước những biến động trái chiều, khó lường như thời tiết, giá năng lượng, phân bón… các doanh nghiệp xuất khẩu cũng nên cân nhắc kỹ nguồn cung – cầu để ký hợp đồng cung cấp cho năm tới để tránh rủi ro không mong muốn.
Thị trường Thế Giới
Thị trường xuất khẩu thế giới trong tháng 10/2022 có nhiều biến động, khi thị trường cung cấp lúa gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ đã công bố chính sách mới cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với các loại gạo trắng trừ Basmati khiến cho thế giới biến động nhiều về giá cả. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng gạo toàn cầu năm 2021 và 2022 tăng nhờ sản lượng của Thái Lan, Sri Lanka và Uruguay tăng. Tiêu thụ gạo thế giới ước tính cũng tăng, chủ yếu do Ấn Độ. Tồn trữ gạo thế giới ước tính giảm, đặc biệt là ở Ấn Độ, do nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu đều tăng mạnh trước khi áp thuế và lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm gần đây. Nhập khẩu được dự báo sẽ tăng nhẹ do nhu cầu tăng ở Senegal và Việt Nam. Xuất khẩu được dự báo sẽ tăng, chủ yếu đến từ Brazil, Thái Lan và Việt Nam.
Thị trường Ấn Độ
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tháng 10/2022 giảm mạnh trong tuần đầu tiên của tháng 10 (do đồng rupee lao dốc xuống mức thấp kỷ lục) sau đó tăng vào cuối tháng (do rupee mạnh lên và lo ngại về nguồn cung). Cụ thể, gạo đồ 5% tấm giảm từ 385-392 USD/tấn cuối tháng 9/2022 (cao nhất kể từ tháng 4/2021) xuống 375 – 384 USD/tấn cuối tháng 10/2022.
Do thời tiết thất thường, dự báo sản lượng gạo Ấn Độ năm nay sẽ không đạt kỳ vọng, chất lượng gạo cũng bị ảnh hưởng.
Thị trường Thái Lan
Giá gạo Thái Lan tháng 10/2022 giảm mạnh do nhu cầu ở thị trường trong và ngoài nước chững lại trong khi Thái Lan vào vụ thu hoạch chính với sản lượng dồi dào, đồng baht giảm xuống gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng USD và lo ngại dai dẳng về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Gạo 5% xuất khẩu của Thái Lan cuối tháng 9/2022 ở mức 420-435 USD/tấn, giảm xuống 405 USD/tấn cuối tháng 10/2022.
Dự báo thị trường thế giới.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo về sản lượng gạo toàn cầu năm 2022-2023 xuống 505,0 triệu tấn (quy xay xát), giảm 2,95% so với báo cáo tháng trước, và giảm hơn 2% so với năm trước, là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2015-2016. Do thời tiết bất lợi của năm nay nên dự báo sản lượng của các nước có kim ngạch xuất khẩu lớn bị giảm dẫn đến dự liệu tồn trữ cũng giảm do vậy sản lượng cho năm 2022-2023 giảm từ 3,6 triệu tấn xuống còn 689,3 triệu tấn thấp hơn 2% so với một năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2019/20. Đây là lần sụt giảm nguồn cung gạo toàn cầu đầu tiên kể từ năm 2004-2005.
So với năm trước, sản lượng sụt giảm ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới - là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm sản lượng toàn cầu. Tổng sản lượng của 2 nước này năm 2022/23 dự kiến sẽ giảm 8,3 triệu tấn. Sản lượng của Pakistan năm 2022-2023 dự kiến cũng giảm 1,7 triệu tấn và vụ mùa của Mỹ dự kiến giảm 0,84 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng gạo dự kiến sẽ giảm ít nhất 100.000 tấn trong năm 2022-2023 ở Bangladesh, Liên minh châu Âu, Ghana, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nepal, Philippines và Tanzania.
Sản lượng năm 2022-2023 dự kiến sẽ tăng ít nhất 100.000 tấn so với một năm trước ở Myanmar, Ai Cập, Indonesia, Iran, Nigeria, Thái Lan và Việt Nam. Vụ mùa của Ai Cập dự kiến sẽ tăng mạnh nhất, tăng 0,7 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn, dựa trên diện tích thu hoạch lớn hơn và sản lượng dự kiến cao hơn. Campuchia dự kiến sẽ thu hoạch một vụ mùa kỷ lục vào năm 2022/23.
Dự báo tiêu thụ gạo trên toàn cầu năm 2022-2023 sẽ giảm 1,2 triệu tấn so với báo cáo tháng trước, xuống 518,1 triệu, giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục của năm trước. Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến USD điều chỉnh giảm mức dự báo về tiêu thụ gạo thế giới trong năm 2022-2023. Tiêu thụ gạo của Trung Quốc năm 2022-2023 dự báo giảm 1,1 triệu tấn so với báo cáo tháng trước, xuống 155,0 triệu tấn, thấp hơn một chút so với mức kỷ lục đầu năm. Việc điều chỉnh giảm phần lớn dựa trên dự kiến sử dụng gạo trong thức ăn chăn nuôi giảm. Mức tiêu thụ trong năm 2022-2023 của Ấn Độ vẫn được dự báo là gần 109,3 triệu tấn, thấp hơn 1,5 triệu tấn so với kỷ lục của năm trước.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và PTNT
-
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP
-
Tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ về việc rút nhiệm vụ xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”, Chính phủ đã giao “Bộ Công Thương xem xét, quyết định ban hành văn bản
-
Trong 10 tháng năm 2022, dù chỉ số sản xuất nhựa trong nước giảm 5,39% nhưng xuất khẩu sản phẩm nhựa vẫn tăng trưởng khá16,2% so với cùng kỳ năm 2021
-
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu nguyên liệu nhựa đạt 1,78 tỷ USD, ngược lại nhập khẩu nguyên liệu nhựa đạt 9,81 tỷ USD-cao gấp 5,5 lần so với con số xuất khẩu.