Bắc Giang xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang Đức
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) vừa xuất khẩu thành công 3,5 tấn vải thiều tươi chín sớm Tân Yên (Bắc Giang) sang Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là lô vải thiều đầu tiên của huyện Tân Yên và của tỉnh trong vụ này xuất khẩu sang Đức.
Lô vải này do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco thu hái tại vùng vải tập trung ở thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên) đã có mã vùng trồng sản xuất theo quy trình an toàn và được liên kết với tổ sản xuất.
Bắc Giang xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên của huyện Tân Yên sang Đức - Ảnh: Báo Công thương
Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công ty cho biết, toàn bộ số vải này được cắt cuống, sơ chế, đóng hộp và xuất khẩu bằng đường hàng không. Vụ vải năm nay, đơn vị ký hợp đồng xuất khẩu 70 tấn sang Đức và 30 tấn sang Thái Lan.
Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND xã Phúc Hòa để tổ chức sản xuất trong 5 năm.
Đức là thị trường khó tính nhưng rất tiềm năng. Lô vải thiều đầu tiên của Tân Yên và của tỉnh xuất sang thị trường Đức trong vụ vải năm nay góp phần mở ra cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Theo Sở Công Thương, tính đến hết ngày 5/6, toàn tỉnh tiêu thụ được khoảng 30 nghìn tấn vải thiều chín sớm. Trong đó, huyện Tân Yên tiêu thụ được hơn 14 nghìn tấn trên tổng số 15,2 nghìn tấn vải của huyện.
Lượng vải xuất khẩu đạt hơn 13 nghìn tấn, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc với hơn 12 nghìn tấn. Giá bán phổ biến tại các điểm thu mua vải trong tỉnh từ 35- 65 nghìn đồng/kg tùy theo chất lượng vải, cao nhất từ trước tới nay.
Tính đến nay, Theo tổng hợp của ngành chức năng, đến nay, Bắc Giang tiêu thụ hơn 20 nghìn tấn vải thiều. Việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi mang lại niềm vui cho người trồng vải.
Với hơn 20 nghìn tấn đã tiêu thụ thì hơn 14 nghìn tấn tại thị trường nội địa còn lại là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản... Trong đó, riêng thị trường Hoa Kỳ và châu Âu gần 50 tấn.
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương, nhờ các giải pháp xúc tiến thương mại, trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều sang các thị trường quốc tế nên vải thiều Bắc Giang ngày càng đến được nhiều quốc gia.
Thời gian tới, các hoạt động xúc tiến tiêu thụ tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều doanh nghiệp đã khảo sát, ký hợp đồng với nhà vườn để thu mua, xuất khẩu vải thiều khi vào chính vụ.
Sản phẩm đi vào phân khúc thị trường cao cấp càng khẳng định chất lượng vải thiều Bắc Giang, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng. Hiện nay, vải chín sớm đang được tập trung thu hoạch, giá bán dao động từ 25-70 nghìn đồng/kg, nhiều nhà vườn thu về hàng trăm triệu đồng. Thành quả này tiếp tục tạo động lực cho người trồng vải tập trung chăm sóc để tạo ra sản phẩm chất lượng ở mùa vụ tới.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
-
Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ví như các tuyến cao tốc để nền kinh tế nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Bên cạnh việc tiến nhanh, tiến xa, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đối diện những cơn gió ngược, “mưa nắng thất thường”. Vậy chúng ta phải làm gì, làm thế nào để tận dụng tối đa các thỏa thuận FTA đã ký để giúp tăng trưởng càng cao càng tốt?
-
Ngày 4/6/2024, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Phát triển nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn ShengXiang Trade (Trung Quốc) về việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
-
Ngày 28/5/2024, hai tấn vải tươi đầu tiên của Việt Nam đã cập cảng hàng không sân bay Charles de Gaule ở thủ đô Paris. Đây cũng là những lô vải đầu tiên của vụ mùa 2024 đạt tiêu chuẩn GlobalGap được xuất từ Thanh Hà (Hải Dương) đi châu Âu bằng đường hàng không.
-
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có những bước phát triển đáng kể, đánh dấu bằng sự gia tăng cả về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai quốc gia. Sau khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, quốc gia này đã tìm kiếm những cơ hội thương mại mới ngoài khu vực châu Âu, và Việt Nam nổi lên như một đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.