VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

6 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển công nghiệp

26/07/2021 08:26

Chiều 25/7, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có phần trình bày về các nhóm giải pháp trọng tâm mà Bộ Công Thương sẽ triển khai trong thời gian tới để phát triển công nghiệp.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 25/7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

6 nhóm giải pháp phát triển công nghiệp

Ở nhóm giải pháp thứ nhất, Bộ trưởng nhìn nhận trong 5 năm tới, mục tiêu phát triển công nghiệp của Việt Nam phải kết hợp hài hòa giữa phát triển theo cả chiều rộng, chiều sâu, chú trọng chiều sâu; tạo đột phá trong nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp; phải tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ dân số vàng; khai thác triệt để cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và lợi thế thương mại khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ đánh giá kỹ hơn kết quả thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong những năm qua, từ đó xây dựng chủ trương, chính sách đủ mạnh, đồng bộ và khả thi để phát triển ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất, cơ khí chế tạo, chế biến và điện tử.

Nhóm giải pháp thứ hai Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hướng đến là tập trung hoàn thiện thể chế theo quan điểm của Đảng, bảo đảm công nghiệp-thương mại phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, khả thi. Trong đó, việc trước mắt là sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo để giải phóng sự phát triển công nghiệp của cả khu vực nhà nước và tư nhân.

Đồng thời, Bộ Công Thương kiên trì, thống nhất thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm mạnh thủ tục hành chính, giảm trung gian, tăng phân cấp, chú trọng hậu kiểm, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ trong chỉ đạo, điều hành.

Bộ Công Thương cam kết sẽ quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống tham nhũng, tiêu cực trong tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện các dự án trọng điểm.

Riêng đối với các dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài, Bộ Công Thương kiên trì, kiên quyết đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo hướng: khẩn trương định giá đúng, giải quyết dứt điểm, đúng luật, hợp tình hình để Nhà nước không mất thêm tiền và mất thêm người vào các dự án kém hiệu quả. Đồng thời, hướng đến mục tiêu để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia “giải cứu” các dự án càng sớm càng tốt.

Nhóm giải pháp thứ ba, Bộ Công Thương sẽ tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng công nghiệp thương mại, nhất là giao thông của các khu công nghiệp, khu chế xuất theo cơ chế kết hợp công-tư, trong đó, vốn Nhà nước chỉ là mồi, vốn tư nhân, vốn xã hội là cơ bản.

“Chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành và địa phương tham mưu Chính phủ sớm ban hành chính sách nhằm thu hút nguồn lực trong dân, đa dạng hóa hình thức đầu tư, hình thức quản lý như kinh nghiệm một số nước trong khu vực và một số địa phương đã thí điểm thành công thời gian vừa qua, hình thức đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư – quản trị công; đầu tư công-tư kết hợp và quản lý theo cơ chế đấu thầu khách quan”, Bộ trưởng nói.

Bộ Công Thương cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng thu hút, đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ tay nghề cao cho các dự án đầu tư lớn của các doanh nghiệp nước ngoài, sẵn sàng đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Thứ tư, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương tham mưu Chính phủ đánh giá lại hiệu quả đầu tư và các chính sách thu hút đầu tư FDI vào nước ta trong giai đoạn qua. Từ đó có chính sách phù hợp hơn, tăng tính ràng buộc hơn đối với các doanh nghiệp FDI. Phải đảm bảo khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam phải có công nghệ thật sự cao, ngành sản xuất của Việt Nam đang thực sự khuyến khích, mang lại giá trị gia tăng lớn. Đồng thời, doanh nghiệp đó phải có lộ trình để các doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, nhất là khâu nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động Việt Nam trước mắt và lâu dài.

Bộ Công Thương cũng sẽ khẩn trương đánh giá lại những hạn chế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vừa qua để có cơ chế, chính sách phù hợp. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời có cơ chế, chính sách đối với những doanh nghiệp lớn để các doanh nghiệp này đủ sức tham gia và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Nhóm giải pháp thứ 5, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch về năng lượng, điện và khoáng sản, hạ tầng thương mại từ năm 2030 đến năm 2045, đồng thời tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt và kiên quyết tạo điều kiện cho công nghiệp và thương mại đất nước phát triển.

Cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện chiến lược phát triển ngành công thương dựa trên tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng để đưa vào quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quốc gia trong thời gian tới.

“Nhân đây Bộ Công Thương đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ, ngành công thương thực hiện thành công nhiệm vụ, giải pháp nêu trên”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Đề nghị các địa phương, các ngành thực hiện thống nhất quy định chống dịch

Đối với nhiệm vụ cung ứng, đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16, Bộ Công Thương đã cùng Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch hợp tác trong sản xuất, cung ứng hàng hóa, phân định rạch ròi nhiệm vụ của mỗi ngành, đồng thời lập Tổ công tác tiền phương để cung ứng hàng hóa cho TPHCM và các tỉnh phía nam.

Tuy nhiên, do tính chất, thời điểm của làn sóng dịch COVID-19 lần này với biến chủng Delta lây lan nhanh, số bệnh nhân trong cộng đồng liên tục được phát hiện, vì thế, các địa phương mặc dù cảnh giác cao, có kinh nghiệm của đợt giãn cách trước nhưng vẫn bị động, lúng túng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thừa nhận việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trong vài ngày đầu giãn cách gặp khó khăn, thiếu hàng hoá cục bộ, đứt gãy chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối bất cập, các chợ truyền thống, chợ đầu mối đều bị đóng cửa….

Đến nay, sau chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và rút kinh nghiệm trong sự phối hợp giữa các bộ, ngành, tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu được cải thiện, cơ bản không còn hiện tượng thiếu hàng, người dân đi mua hàng tích trữ, giá cả giữ ổn định, tuy vẫn còn hiện tượng tăng giá ở một số mặt hàng như rau quả.

Dự báo dịch có thể còn tiếp tục bùng phát kéo dài, gây khó khăn cho chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối, lưu thông hàng hóa thiết yếu và đứt gãy cả nguồn cung cấp lao động, Bộ Công Thương đề nghị ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là tươi sống, rau củ, quả.

Bộ Công Thương mong muốn các ngành giao thông, công an, y tế, chính quyền địa phương, nhất là những địa phương trong vùng dịch, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không đặt ra những điều kiện khác và áp dụng máy móc các quy định mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia cũng như Bộ Y tế đưa ra.

Mặc khác, các địa phương trong vùng dịch cần tiếp tục rà soát và khẩn trương hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối hàng thiết yếu để có thể dự trữ ít nhất từ 10-15 ngày tương ứng với thời gian giãn cách, đồng thời chấn chỉnh khâu phân phối thông qua siêu thị, chợ truyền thống, chợ dân sinh và các chợ đầu mối.
 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Không kiểm tra xe chở hàng thiết yếu, lương thực phục vụ vùng có dịch COVID-19
    Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
  • Ứng phó “cơn bão” điều tra phòng vệ thương mại: Cần sự phối hợp của nhiều bên
    Gần 40% các vụ điều tra về phòng vệ thương mại thời gian qua tập trung vào ngành thép. Theo Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến các vụ điều tra phòng vệ thương mại với ngành thép gia tăng thời gian qua, theo đó để ứng phó với các vụ điều tra này, cần sự phối hợp của cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp…
  • Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020
    Đảng ủy Bộ Công Thương và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đã đổi mới, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
  • Tất cả vì cuộc sống, sức khỏe, tính mạng của người dân
    Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, do đó, Thường trực Chính phủ triệu tập cuộc họp gấp với các địa phương để đánh giá công tác triển khai, kết quả, những điểm chưa làm được, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó thống nhất về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo, giải pháp.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.986.942