5 tháng, xuất siêu 1,9 tỷ USD
(VITIC-DNTM) Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của nước ta gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% (riêng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 33,3 tỷ USD, tăng 10,4%); nhập khẩu đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng ước tính tiếp tục có mức xuất siêu 1,9 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục có mức xuất siêu. Ảnh minh họa
Xuất khẩu hàng hóa
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2020 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 1,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11,9 tỷ USD, tăng 7,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2020 giảm 15,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 0,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 22,3%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,30 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 66,06 tỷ USD (chiếm 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 6,9%.
Trong 5 tháng có 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 18 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,3 tỷ USD, tăng 22,1%; hàng dệt may đạt 10,4 tỷ USD, giảm 14,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 8,5 tỷ USD, tăng 25%; giày dép đạt 6,8 tỷ USD, giảm 4,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,1 tỷ USD, giảm 12,2%; thủy sản đạt 2,8 tỷ USD, giảm 10,3%; sắt thép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,5%; xơ, sợi dệt đạt 1,3 tỷ USD, giảm 21,4%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 3,6%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15,5%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,3 tỷ USD, giảm 5%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 1,6 tỷ USD, giảm 10,3%; cao su đạt 470 triệu USD, giảm 29,6% (lượng giảm 30,7%); hạt tiêu đạt 309 triệu USD, giảm 17,9% (lượng tăng 0,4%). Một số mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng: Gạo đạt 1,4 tỷ USD, tăng 17,2% (lượng tăng 3,7%); cà phê đạt 1,4 tỷ USD, tăng 2,9% (lượng tăng 4,7%); hạt điều đạt 1,2 tỷ USD, tăng 2,2% (lượng tăng 17,8%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 24,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,3 tỷ USD, tăng 20,1%. Thị trường EU đạt 12,9 tỷ USD, giảm 12%. Thị trường ASEAN đạt 9,4 tỷ USD, giảm 13,4%. Nhật Bản đạt 8,1 tỷ USD, tăng 2,2%. Hàn Quốc đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,5%.
Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4/2020 đạt 18.523 triệu USD, thấp hơn 1.877 triệu USD so với số ước tính, trong đó sản phẩm hóa chất thấp hơn 108 triệu USD; chất dẻo thấp hơn 120 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 172 triệu USD; sắt thép thấp hơn 207 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 213 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng thấp hơn 323 triệu USD.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2020 ước tính đạt 19,4 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,6 tỷ USD, tăng 4,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2020 ước tính giảm 15,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 18,5%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 41,94 tỷ USD, giảm 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,54 tỷ USD, giảm 4,3%.
Trong 5 tháng có 19 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 78,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,8 tỷ USD (chiếm 22,3% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,4 tỷ USD, giảm 3%; điện thoại và linh kiện đạt 4,9 tỷ USD, tăng 0,2%; vải đạt 4,7 tỷ USD, giảm 14,5%; sắt thép đạt 3,4 tỷ USD, giảm 15,9%; chất dẻo đạt 3,3 tỷ USD, giảm 10,7%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,8 tỷ USD, tăng 7,6%; kim loại thường đạt 2,4 tỷ USD, giảm 8,8%; sản phẩm hóa chất đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8%; ô tô đạt 2,2 tỷ USD, giảm 29,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,2 tỷ USD, giảm 12,3%; hóa chất đạt 2 tỷ USD, giảm 5,8%; dầu thô đạt 2 tỷ USD, tăng 8,3%; than đá đạt 1,8 tỷ USD, tăng 14,5%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,6 tỷ USD, tăng 1,7%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12,5%; tân dược đạt 1,3 tỷ USD, tăng 4,2%; xăng dầu đạt 1,3 tỷ USD, giảm 48,1%; bông đạt 1,1 tỷ USD, giảm 9%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 90,98 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 9,7% và chiếm 6,7%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 5 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 28,9 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 17,3 tỷ USD, giảm 9,5%; ASEAN đạt 11,8 tỷ USD, giảm 14,1%; Nhật Bản đạt 8,1 tỷ USD, tăng 9,9%; Hoa Kỳ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,4%; EU đạt 5,8 tỷ USD, tăng 5,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 5 ước tính nhập siêu 900 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,5 tỷ USD.
VITIC-DNTM
-
(VITIC-DNTM) Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
-
Công đoàn Bộ Công Thương xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
-
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đang được Quốc hội xem xét phê chuẩn, đánh dấu một bước tiến lớn của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tính cả EVFTA, Việt Nam đã có 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, trong đó có các FTA thế hệ mới với kỳ vọng không chỉ giảm thuế mà cả phát triển đầu tư, dịch vụ và khoa học công nghệ
-
Trong không khí thi đua chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ III, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 26/5/2020 tại Hà Nội, Đảng bộ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 - 2025.