VITIC
Xuất nhập khẩu

4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Bỉ đạt trên 1 tỷ USD.

13/06/2024 09:10

Là một trong những nước phát triển ở Tây Âu, Bỉ là trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hóa của châu Âu. Với vai trò là thành viên sáng lập EU, Bỉ đi tiên phong trong quá trình xây dựng EU lớn mạnh và nhất thể hóa. Với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bỉ duy trì tương đối đồng đều quan hệ với các quốc gia, trong đó tại khu vực Đông Nam Á, Bỉ coi trọng quan hệ với Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Ảnh minh họa - Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những năm gần đây, thương mại song phương giữa Việt Nam và Bỉ đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, phản ánh mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc và đa dạng giữa hai quốc gia. Việt Nam, với vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đã trở thành đối tác quan trọng của Bỉ trong khu vực. Ngược lại, Bỉ với nền kinh tế phát triển và vai trò là một trung tâm thương mại và logistics hàng đầu châu Âu, đã cung cấp cho Việt Nam nhiều cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu rộng lớn.

Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam – Bỉ giai đoạn 2020-2023
Đơn vị tính: Tỷ USD
 
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong giai đoạn từ 2020-2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Bỉ đạt trung bình 3,91 tỷ USD. Cũng trong giai đoạn này, cả hai quốc gia đã nỗ lực thúc đẩy nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các diễn đàn kinh tế và hội chợ thương mại, tạo cơ hội gặp gỡ và kết nối cho doanh nghiệp hai nước. Chính phủ và các cơ quan chức năng của cả Việt Nam và Bỉ đã không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nắm bắt cơ hội thị trường và vượt qua các thách thức do bối cảnh thế giới tác động.  Tính đến năm 2023, Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Bỉ bao gồm dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện, sản phẩm nông nghiệp như cà phê, hạt điều và thủy sản. Ngược lại, Bỉ xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như dược phẩm, hóa chất, máy móc thiết bị và sản phẩm công nghệ cao. Sự tăng trưởng này phần nào được thúc đẩy bởi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, giúp giảm thiểu các rào cản thuế quan và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại giữa hai bên.

Các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Bỉ trong 2 tháng đầu năm 2024 (Việt Nam xếp thứ 18)
Đơn vị tính: Tỷ USD, %

Nguồn: Trademap.org

Theo số liệu thống kê từ Trademap, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 18 của Bỉ, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 0,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Bỉ, cải thiện từ mức 0,73% của cùng kỳ 2023. Đứng đầu trong danh sách này là các thị trường: Hà Lan, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Italy…

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ trong giai đoạn 2013 – 2023
Đơn vị tính: Tỷ USD, %

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Bỉ năm 2023 đạt 3,84 tỷ USD, giảm 18,76% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,23 tỷ USD, giảm 18,81% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 0,91% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta ra thế giới; nhập khẩu đạt 615,36 triệu USD, giảm 18,49% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 0,19% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ thế giới.

Riêng trong tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Bỉ đạt 333,79 triệu USD, tăng 1,98% so với tháng trước đó và tăng 8,68% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Bỉ đạt 1,19 tỷ USD, tăng 18,05% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Bỉ trong 4 tháng đầu năm 2024

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong đó, giày dép các loại là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Bỉ với trị giá xuất khẩu trong tháng 4/2024 đạt 111,68 triệu USD, tăng 19,83% so với tháng trước đó nhưng giảm 2,84% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại của nước ta sang Bỉ đạt 396,95 triệu USD, tăng 2,29% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 33,46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang thị trường Bỉ.

Trong tháng 4/2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Bỉ tổng 54,28 triệu  USD, giảm 2,01% so với tháng trước đó và tăng 7,37% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu từ Bỉ tổng 201,51 triệu USD, tăng 2,56% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, dược phẩm là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu của nước ta từ Bỉ trong 4 tháng đầu năm với trị giá nhập khẩu trong tháng 4/2024 đạt 22,89 triệu USD, tăng mạnh ở mức 14,42% so với tháng trước và tăng 65,46% so với cùng tháng năm trước; trị giá nhập khẩu mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 55,92 triệu USD, tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 27,75% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ Bỉ.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Bỉ trong 4 tháng đầu năm 2024

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Việc đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Bỉ là một trong những chiến lược quan trọng nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia. Bỉ với vị trí địa lý chiến lược tại trung tâm châu Âu và là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển, là thị trường tiềm năng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của nước ta. Để tận dụng hiệu quả cơ hội này, Việt Nam cần thực hiện một loạt các biện pháp cụ thể.

Trước tiên, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác, thiết lập mạng lưới phân phối và xúc tiến thương mại tại Bỉ. Các hội chợ thương mại, hội thảo và các sự kiện kết nối kinh doanh là cơ hội quý báu để doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm và gặp gỡ trực tiếp các nhà nhập khẩu, nhà phân phối và người tiêu dùng tại Bỉ. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác giữa các tổ chức xúc tiến thương mại của hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường.

Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu và giảm thiểu các rào cản hành chính sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng cường động lực để mở rộng hoạt động xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng cũng cần được chú trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ hai, việc nghiên cứu và phân tích thị trường Bỉ là cần thiết nhằm hiểu rõ nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng, từ đó điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng của Liên minh châu Âu, đặc biệt là trong các ngành hàng thực phẩm, nông sản và đồ gia dụng. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu và tạo lập uy tín trên thị trường quốc tế thông qua các chứng nhận chất lượng cũng là một yếu tố then chốt.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm thông qua các kênh truyền thông hiện đại và mạng xã hội. Việc sử dụng các chiến lược marketing số không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tăng cường khả năng tiếp cận đến người tiêu dùng một cách hiệu quả. Các công ty nên tận dụng nền tảng thương mại điện tử để mở rộng kênh bán hàng và giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tại Bỉ.

Việc đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Bỉ không chỉ góp phần tăng cường kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Đây là một mục tiêu chiến lược cần được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại.

Về định hướng phát triển quan hệ thương mại của hai nước trong thời gian tới, trong bài phát biểu tại sự kiện “Meet Vietnam” vào tháng 2/2024 tại Brussels, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Thảo đã nêu bật sự đa dạng và tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia trong 6 lĩnh vực quan trọng: cảng biển - logistics, nông nghiệp hiện đại, năng lượng xanh, y tế - dược phẩm, đào tạo nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân. Với vị trí địa lý chiến lược và sự phát triển của ngành cảng biển - logistics, Việt Nam và Bỉ có thể hợp tác trong việc tối ưu hóa hệ thống logistics, tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa và tăng cường giao thương quốc tế. Việt Nam có tiềm năng to lớn cả về vị trí địa lý cũng như kinh tế để phát triển cảng biển và logistics, có thể trở thành trung tâm kết nối của khu vực. Về địa lý, Việt Nam nằm ở cửa ngõ khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triển năng động nhất và là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.200 km với nhiều cảng nước sâu, vừa nằm trên tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất kết nối châu Á - châu Âu, vừa kết nối với hành lang Đông Tây đi sâu vào nội địa toàn bộ khu vực. Là một nền kinh tế mở và phát triển năng động bậc nhất khu vực nên Việt Nam có nhu cầu rất cao về phát triển cảng biển và logistics hiện đại. Đây cũng là lĩnh vực Bỉ có thế mạnh vượt trội, Bỉ là một trong những trung tâm logistics quan trọng nhất khu vực với cảng Antwerp - Bruges hàng đầu châu Âu. Do vậy, Việt Nam rất mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác, các nhà đầu tư của Bỉ trong lĩnh vực này. Đặc biệt, Việt Nam và Bỉ đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2018. Do đó, Việt Nam mong muốn mở rộng hơn nữa hợp tác với Bỉ để phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, không chỉ đáp ứng nhu cầu của hai nước, mà còn góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững, giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời kết nối với các thị trường lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)...Với cam kết về phát triển bền vững và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam và Bỉ có thể hợp tác trong việc phát triển các dự án năng lượng Mặt Trời, điện gió và năng lượng thủy điện, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ mới. Đây là lĩnh vực Chính phủ Việt Nam rất coi trọng và ưu tiên cao, cũng là lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu lớn trong quá trình phát triển kinh tế bền vững. Với vị trí và đặc điểm địa lý thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh vượt trội để sản xuất năng lượng xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn có thể mở rộng xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Cũng tại khuôn khổ sự kiện này, ông Andries Gryffroy, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ, Chủ tịch Liên minh Bỉ - Việt nhấn mạnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ không chỉ là một mối quan hệ hai chiều thông thường mà còn là một mối quan hệ đặc biệt, được xây dựng trên cơ sở của tôn trọng, tin tưởng và lợi ích chung. Theo ông Gryffroy, Việt Nam và Bỉ có nhiều điểm tương đồng và tiềm năng phát triển chung và việc hợp tác trong các lĩnh vực như cảng biển, nông nghiệp, năng lượng xanh, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho cả hai quốc gia. Ông Gryffroy cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức và doanh nghiệp hai nước, đồng thời khuyến khích việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và công nghệ để tăng cường hiệu quả của hợp tác. Ông Andries Gryffroy khẳng định tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ, nhằm mục tiêu xây dựng một tương lai tươi sáng và phát triển bền vững cho cả hai quốc gia.

Thông tin chi tiết xem tại đây;

Quang Chiến (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.001.230