3 mặt hàng mới của Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Ngày 19/8/2024, sau khi các Nghị định thư được ký kết, các mặt hàng gồm: dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu của nước ta chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Trong đó, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm ưu tiên với tiềm năng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta hiện nay. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam.
Năm 2023, Việt Nam có khoảng 110 ngàn ha trồng sầu riêng, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn (gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018), trong đó xuất khẩu trên 600 ngàn tấn. Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng tăng lên khoảng 150 ngàn ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu tấn.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam - khẳng định: Khi sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu sang Trung Quốc, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả có thể lên đến 7 tỉ USD trong năm 2024. Trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng có thể mang về trên 3 tỉ USD.
Cùng với sầu riêng, 2 nghị định thư quan trọng về xuất khẩu dừa tươi và cá sấu cũng đã ký kết.
Theo Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu rất lớn. Việc ký kết nghị định thư này đánh dấu sự kết thúc quá trình đàm phán kỹ thuật giữa hai bên, mở ra cơ hội cho dừa tươi Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với diện tích trồng khoảng 175.000 ha, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long. Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo.
Về xuất khẩu cá sấu, việc ký kết nghị định thư sẽ tạo ra cơ hội lớn cho người chăn nuôi, thúc đẩy ngành nuôi cá sấu phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.
Có thể nói, sự kiện các mặt hàng dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Chiều ngày 16/8, đại diện tổ chức BUREAU VERITAS tại Việt Nam đã trao giấy chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu) cho Công ty TNHH Xã Hội Tôm chứng nhận Minh Phú, đơn vị đồng hành thực hiện “Dự án tôm-lúa xã Biển Bạch Đông”.
-
Sau 4 năm thực thi EVFTA, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt gần 170 tỷ USD, tăng gần 50%. Trong đó, nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước
-
Thương mại giữa Việt Nam và Chile trong năm 2024 tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khẳng định mối quan hệ đối tác kinh tế chiến lược giữa hai quốc gia nằm ở hai bên bờ Thái Bình Dương. Cả hai bên đã không ngừng tận dụng những lợi thế từ các cam kết thương mại để thúc đẩy trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
-
Tháng 7/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 70,12 tỷ USD, tăng 9,4%, tương ứng tăng 6 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 36,24 tỷ USD, tăng 7,7%, tương ứng tăng 2,58 tỷ USD và trị giá nhập khẩu là 33,88 tỷ USD, tăng 11,2%, tương ứng tăng 3,42 tỷ USD so với tháng trước.