Vài điểm đáng lưu ý khi nhập khẩu linh kiện để sản xuất, lắp ráp xe ô tô
Từ ngày 15/7/2023, Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, điều kiện đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô; hàng hóa nhập khẩu là bộ linh kiện CKD và bộ linh kiện không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô thực hiện có một số thay đổi lớn.
Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô
Quy định về điều kiện áp dụng đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế được sửa đổi. Theo đó, quy định đối với linh kiện ô tô nhập khẩu không cần đáp ứng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ như quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP. Thay vào đó, linh kiện ô tô nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Trường hợp bộ linh kiện nhập khẩu (bao gồm nhập khẩu theo nhiều nguồn, nhiều chuyến) có thân vỏ ô tô và khung ô tô thì phải đảm bảo:
Thân vỏ ô tô bao gồm tối thiểu các cụm: cụm nóc, cụm sàn, cụm sườn trái, cụm sườn phải, cụm trước, cụm sau và các mảng liên kết (nếu có) rời nhau và chưa sơn tĩnh điện;
Khung ô tô: loại có chiều dài dưới 3,7 m nhập khẩu, đã hoặc chưa liên kết với nhau, phải chưa sơn tĩnh điện; loại có chiều dài từ 3,7 m trở lên, đã hoặc chưa liên kết với nhau, được phép sơn tĩnh điện trước khi nhập khẩu.
Linh kiện ô tô nhập khẩu không có mặt hàng thuộc nhóm 87.07 (thân xe, kể cả ca-bin).
Ngoài ra, Nghị định 26 còn sửa đổi mẫu số 05. Đồng thời, các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế sẽ phải thực hiện đăng ký lại với cơ quan hải quan khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Hàng hóa nhập khẩu là bộ linh kiện CKD và bộ linh kiện không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô
Doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện CKD hoặc bộ linh kiện không đồng bộ của xe ô tô được phân loại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo từng linh kiện, phụ tùng quy định tại 97 chương thuộc Mục I Phụ lục II Nghị định 26 hoặc lựa chọn phân loại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo bộ linh kiện CKD và bộ linh kiện không đồng bộ của xe ô tô quy định tại nhóm 98.21 hoặc áp dụng theo xe ô tô nguyên chiếc quy định tại 97 chương.
Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn cách tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô hoặc nhóm 98.21 thì không phải áp dụng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô, các điều kiện được áp dụng theo quy định tại điểm b.5.1 khoản 2 Mục II Chương 98, cụ thể như sau:
Linh kiện phải do các doanh nghiệp đảm bảo Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô trực tiếp nhập khẩu để sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân được các doanh nghiệp đảm bảo Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ủy quyền nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu hoặc nhập khẩu kinh doanh.
Trường hợp ủy thác nhập khẩu thì phải có hợp đồng ủy thác, trường hợp nhập khẩu kinh doanh thì phải có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có đủ điều kiện lắp ráp ô tô theo quy định khi làm thủ tục nhập khẩu.
Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện CKD hoặc bộ linh kiện không đồng bộ lựa chọn cách tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô hoặc nhóm 98.21 nhưng cơ quan hải quan qua thanh tra, kiểm tra phát hiện doanh nghiệp không sử dụng các bộ linh kiện này để thực hiện sản xuất, lắp ráp ô tô thì truy thu theo thuế suất thuế nhập khẩu của xe ô tô nguyên chiếc và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
Quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện CKD và bộ linh kiện không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp trong giai đoạn từ 01/10/2022 đến 15//2023 lựa chọn cách tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô hoặc nhóm 98.21 thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP, riêng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu không phải áp dụng.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng các Cục Hải quan tỉnh, thành phố quán triện, chỉ đạo các Chi cục khẩn trương thực hiện các thủ tục áp dụng thuế suất 0% của nhóm 98.49 đối với các tờ khai nhập khẩu linh kiện ô tô đáp ứng điều kiện quy định tại Chương trình ưu đãi thuế đăng ký từ ngày 01/10/2022 để kịp thời hoàn thuế cho doanh nghiệp kể từ ngày 15/7/2023.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan
-
Trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm mạnh, đơn hàng xuất khẩu nhỏ, thời gian giao hàng nhanh buộc doanh nghiệp ngành gỗ phải tìm kiếm công nghệ phù hợp.
-
Ngày 30 tháng 12 năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2954/QĐ-BCT về việc rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc: AR01.AD10).
-
Ngày 22 tháng 7 năm 2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1933/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hoà In-đô-nê-xi-a (mã vụ việc AD09).
-
Theo Thông tư 33, trước khi làm thủ tục hải quan với lô hàng xuất nhập khẩu, tổ chức cá nhân có đề nghị xác định xuất xứ hàng hóa thì nộp bộ hồ sơ đề nghị.