VITIC
Thị trường thế giới

Nâng cao tính cạnh tranh mặt hàng thủy sản tại thị trường Anh

02/11/2023 09:17

- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Thuỷ sản tại đây;
- Xem th
êm xuất nhập khẩu Nông sản tại đây;

- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Rau quả tại đây;

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam với các nhóm hàng chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).


Ảnh minh hoạ

Khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam tại UK

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 4,4 nghìn tấn, trị giá 28,85 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 15,7% về giá trị so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 9,1 nghìn tấn, trị giá 141,3 triệu USD, tăng 4,5% về lượng, nhưng giảm 2,64% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Tôm, cá tra, cá ngừ và mực là những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam tới Anh. Trong ấn phẩm “Phát triển thị trường UK ngành hàng thủy sản” do Cục Xuất nhập khẩu biên soạn, các đối thủ cạnh tranh của tôm Việt Nam tại thị trường Anh là Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan. Những năm trước dịch Covid-19, nguồn cung tôm của Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan tại Anh bị ảnh hưởng. Riêng Ecuador trong giai đoạn 2020-2021 xuất khẩu tôm tới Anh vẫn tăng mạnh. Các nhà cung cấp tôm này đang dần ổn định nguồn cung, điều này tạo ra nhiều thách thức đối với mặt hàng tôm của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là tôm đến từ Ecuador và Ấn Độ.

Đối với mặt hàng cá tra, đây là mặt hàng thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam được xuất khẩu tới Anh, chiếm 20,63% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản tới Anh 9 tháng năm 2022. 

Cục Xuất nhập khẩu cũng chỉ ra đối thủ lớn nhất của mặt hàng cá tra phần lớn là những sản phẩm các thịt trắng khác có tính tương đồng và thay thế khi cần như các nhà cung cấp cá rô phi, cá nước lạnh. Trong khi đó, lợi thế lớn nhất của cá tra Việt Nam có mức giá phù hợp, dễ chế biến và tiện dụng cho chế biến ở nhà, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại nhà ở Anh tăng cao. 

"Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở Anh thì lựa chọn các sản phẩm chế biến từ cá tra sẽ là lựa chọn phù hợp vì có mức giá tối ưu hơn các loại khác. Khả năng cạnh tranh của mặt hàng cá tra đối với các loại cá thịt trắng khác ở thị trường Anh trong thời gian tới là cao"-ấn phẩm cũng chỉ rõ.

Đối với thủy sản khai thác như cá ngừ và mực, hai mặt hàng này là những mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn thứ 4 và thứ 5 tới Anh của Việt Nam tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn là 1,52% và 1,36%. Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, đây là những mặt hàng thủy sản không có kỳ vọng cạnh tranh cao ở thị thị trường Anh. Vì yêu cầu các sản phẩm khai thác của Anh là tương đương với EU. Trong khi thủy sản khai thác của Việt Nam đang chịu lệnh áp “thẻ vàng” của EC sẽ khiến cho nguồn cung hai nhóm hàng này của Việt Nam cho thị trường Anh là thấp.

Cần tiên phong về mẫu mã, khẩu vị, để tăng thị phần thủy sản tại Anh

Đa phần người dân Vương quốc Anh đều ăn cá hoặc thủy sản ít nhất 1 lần/tuần. Chính phủ nước này cũng khuyến khích người dân sử dụng thủy sản làm thực phẩm chính trong ít nhất 2 bữa ăn mỗi tuần nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Thị hiếu của người dân Vương quốc Anh cũng khá ổn định. Người tiêu dùng tại thị trường này cũng khó thay đổi thói quen.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng thủy sản giá trung bình và rẻ ở dạng đông lạnh và tiện dụng sẽ được người tiêu dùng Anh lựa chọn ưu tiên trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Do vậy các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Anh sẽ tăng trong thời gian tới là tôm sú, tôm thẻ đông lạnh cỡ nhỏ và trung bình. Các sản phẩm cá thịt trắng đông lạnh và đóng hộp tiện dụng ở nhà cũng là sản phẩm thủy sản ưu tiên tiêu dùng và được nhập khẩu nhiều vào Anh trong thời gian tới. Mặt hàng cá tra và tôm cỡ trung bình và nhỏ của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng thị phần trong thời gian tới.

Về dài hạn, Anh luôn là thị trường có yêu cầu cao và có cầu cao về những sản phẩm thủy sản chất lượng do vậy khi kinh tế phục hồi nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm thủy sản có trị giá cao ở dạng tươi sống, cỡ to phục vụ tiêu dùng ở các nhà hàng sẽ tăng trở lại.

Cục Xuất nhập khẩu lưu ý, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam bên cạnh việc đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, cần có những sản phẩm tiên phong về mẫu mã, hình thức và khẩu vị, khi đó mới có thể tăng mạnh thị phần thủy sản ở thị trường Anh

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.002.178