Giá dầu thế giới đảo chiều giảm
Dầu thô đã ghi nhận một phiên với biến động mạnh, khi tăng trong hơn nửa đầu phiên, nhưng sau đó đảo chiều giảm trở lại và kết thúc trong sắc đỏ.
Kết phiên ngày 23/3, giá dầu WTI giảm 1,33% xuống 69,96 USD/thùng, dầu Brent giảm 1,15% xuống 75,5 USD/thùng.
Mở cửa với lực mua chiếm ưu thế, giá dầu được hỗ trợ khi trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi những thông điệp mức tăng lãi suất có thể sớm dừng lại, với đa số các quan chức cho thấy mức đỉnh lãi suất sẽ đạt 5,1%.
Diễn biến trong cuộc đình công tại Pháp kéo dài đến ngày thứ 16, trong đó, nhiều nhà máy lọc dầu gặp gián đoạn, khiến một số trạm xăng thiếu nhiên liệu trầm trọng.
Theo dữ liệu của Bộ năng lượng được trích dẫn bởi liên minh công nghiệp dầu khí Pháp, khoảng 15% trạm xăng đã hết ít nhất một sản phẩm, và hơn 1/3 số trạm đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện ở ba khu vực ở miền tây nước Pháp và miền nam nước Pháp. Lo ngại về nguồn cung gián đoạn đã thúc đẩy lực mua đối với giá dầu.
Cũng hỗ trợ giá dầu thô, giá xăng RBOB đạt mức cao nhất trong 10 ngày sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các kho dự trữ của sản phẩm này đã giảm vào tuần trước nhiều nhất kể từ tháng 9 năm 2021.
Nhà phân tích Robert Yawger của Mizuho cho biết nhu cầu xăng cao hơn sẽ khuyến khích các nhà máy lọc dầu sử dụng nhiều dầu thô hơn để sản xuất nhiên liệu.
Mức giảm hơn 6 triệu thùng trong báo cáo của EIA đã tác động lớn đến thị trường vì tình hình xăng dầu ở Mỹ đang trong trạng thái khá khan hiếm.
Bên cạnh đó, Goldman Sachs cho biết nhu cầu hàng hóa đang tăng ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, với nhu cầu dầu lên tới 16 triệu thùng mỗi ngày, đồng thời dự báo dầu Brent sẽ đạt 97 USD/thùng vào quý II năm 2024.
Tuy nhiên, giá dầu nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại vào cuối phiên sau khi Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói với các nhà lập pháp rằng việc bổ sung lại vào Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của quốc gia này có thể mất vài năm. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng dư thừa nguồn cung, đặc biệt là khi Bộ Năng lượng có kế hoạch tiến hành giải phóng thêm 26 triệu thùng như một phần nhiệm vụ của quốc hội.
Áp lực vĩ mô vẫn tạo ra sức ép nhất định cho giá dầu, khi mà Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) trong ngày hôm qua đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 1,5% bất chấp những rủi ro từ Ngân hàng Credit Suisse đã làm chao đảo thị trường tài chính trước đó.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản sau khi chứng kiến lạm phát tăng vọt trong tháng 2. Điều này làm gia tăng áp lực đối với nền kinh tế và cũng góp phần thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu, do lo ngại tăng trưởng chậm làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)/
Báo điện tử Chính phủ
-
Kết thúc tuần giao dịch ngày 13/3-19/3, giá dầu WTI đánh mất 12,83% xuống 66,93 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2021, và đây cũng là mức giảm trong tuần mạnh nhất trong vòng gần 1 năm qua. Giá dầu Brent cũng giảm 11,85% xuống còn 72,97 USD/thùng.
-
Duma Quốc gia (Quốc hội) Nga đã thông qua trong lần đầu tiên một dự luật tạo cơ sở cho việc sử dụng đồng ruble kỹ thuật số và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng đồng ruble kỹ thuật số.
-
Điện nhập khẩu từ Campuchia truyền đến Singapore qua tuyến cáp ngầm dài hơn 1.000km và được khai thác từ năng lượng mặt trời, thủy điện, cũng có thể là năng lượng gió.
-
Với những kết quả tích cực trong năm 2022, kinh tế Việt Nam đang là một trong những “điểm sáng” và “điểm đến” nhiều tiềm năng cho cộng đồng các nhà kinh doanh và đầu tư toàn cầu.