Doanh nghiệp ở TP.HCM đảm bảo nguồn dự trữ gạo theo yêu cầu
Giá gạo tại một số chợ truyền thống ở TP.HCM đã tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg do ảnh hưởng biến động của giá gạo thế giới. Trước tình hình này, Sở Công thương TP.HCM vừa có văn bản 4641/SCT-QLTM về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng gạo.
Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường đảm bảo nguồn dự trữ gạo, đáp ứng kịp thời mọi tình huống của thị trường.
Văn bản của Sở Công thương TP.HCM gửi UBND các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường (mặt hàng gạo) và hệ thống phân phối hiện đại.
Ở chợ truyền thống, tiểu thương đang thay bảng giá mới do giá gạo mua vào tăng (Ảnh: Lệ Hằng)
Theo đó, Sở yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo tuân thủ quy định mua lúa, gạo hàng hóa nhằm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Đối với doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường, Sở yêu cầu chủ động triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ gạo đảm bảo nguồn hàng đạt, vượt số lượng đã đăng ký; đảm bảo chất lượng, giá cả đã đăng ký với Sở Tài chính Thành phố.
Các doanh nghiệp này phải duy trì nguồn gạo dự trữ đầy đủ để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết, đồng thời tăng cường kiểm tra kiểm soát các đại lý, cửa hàng, điểm phân phối trực tiếp, điểm bán hàng bình ổn của doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc niêm yết giá gạo và bán đúng giá.
Với các hệ thống phân phối hiện đại, Sở Công thương yêu cầu dự báo nhu cầu của thị trường, có kế hoạch thu mua, dự trữ và kịp thời cung ứng mặt hàng gạo phục vụ thị trường trong mọi tình huống.
Tại một số chợ truyền thống, giá gạo tăng, cả phân khúc cao cấp và bình dân (Ảnh: Lệ Hằng)
Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn theo dõi diễn biến thị trường giá cả mặt hàng gạo để kịp thời báo cáo, đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hàng trên địa bàn.
Hiện nay, TP.HCM có 12 doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng gạo, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như SaiGon-Coop, Satra, MM Mega Martket … Lượng gạo các doanh nghiệp này dự trữ cung cấp cho thị trường là khoảng 3.300 tấn/tháng, chiếm hơn 20% nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân Thành phố.
Sở Công thương đang theo dõi sát diễn biến của thị trường, nếu có tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ sẽ điều phối nguồn hàng và xử lý kịp thời.
Ông Ngô Hồng Y- Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương TP.HCM cho biết: “Các doanh nghiệp bình ổn thị trường hiện chưa có đề xuất tăng giá, vẫn đảm bảo nguồn cung, lưu thông hàng hóa đối với mặt hàng gạo không để thiếu hụt nguồn cung trên địa bàn TP. Chúng tôi theo dõi sát diễn biến thị trường nếu có hiện tượng găm hàng, sốt giá cục bộ thì sẽ có biện pháp xử lý kịp thời, điều động những doanh nghiệp bình ổn thị trường (doanh nghiệp lớn), tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ người dân”.
Nguồn: VOV.vn
-
7 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 160,8 tỷ kWh, tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,4% so với Kế hoạch năm 2023 được phê duyệt.
-
Số lô hàng cá tra xuất khẩu bị cảnh báo trong 7 tháng năm 2023 đã giảm 89% so với cùng kỳ, chỉ có 7 lô hàng bị cảnh báo về chỉ tiêu chất lượng, vi sinh.
-
Nhằm kết nối giao thương, thúc đẩy liên kết, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp chế biến chế tạo sản phẩm hoàn chỉnh,
-
Giá lương thực, thực phẩm và giá điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Bảy tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%.