VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thách thức và những cơ hội mới từ các thị trường trọng điểm

01/04/2020 15:14

 

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thách thức và những cơ hội mới từ các thị trường trọng điểm
 
Thống kê từ số liệu Hải quan cho thấy hết tháng 2/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,578 tỷ USD tăng 13,8% so với năm 2019, trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,137 tỷ USD tăng 13,9%. Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản gỗ Việt Nam (VIFOREST), trong 2 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc tăng nhưng lại có xu hướng giảm tại các thị trường Anh (-13%), Hàn Quốc (-6%), Hà Lan (-23%), Úc (-13%)… Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 giảm gồm: dăm gỗ giảm 3%, giá giảm 2 - 3 USD/tấn; gỗ dán và các loại ván nhân tạo xuất khẩu giảm 15%; gỗ xẻ xuất khẩu giảm 32%.
Ở chiều ngược lại, 2 tháng đầu năm 2020 nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 329,8 triệu USD giảm 11,1% so với 2019. Trong đó, nhập khẩu gỗ tròn giảm 49%; gỗ xẻ nhập khẩu giảm 45%; các loại ván nhân tạo chủ yếu được nhập từ Trung Quốc giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ các thị trường trọng điểm giảm: Malaysia giảm 28%; Brazil giảm 27%; Chile giảm 37%; Đức giảm 42%; Pháp giảm 9%.
 
Các mặt hàng gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam
giai đoạn 2016 - 2019

 

Những tác động do dịch Covid-19
 
Mặc dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, tuy nhiên, dịch COVID-19 kéo dài và lan rộng, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trọng điểm của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc nên dự báo ngành gỗ của Việt Nam sẽ chịu tác động rất lớn. Các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật… hiện đang diễn biến phức tạp về dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ đồ gỗ tại các thị trường này. Một số khách hàng đề nghị chậm giao hàng theo đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch bệnh. Trong khi đó, dự kiện để ký đơn hàng mới sẽ chậm từ 3 - 6 tháng do lo ngại dịch bệnh, khách hàng chưa sang.
Về gỗ nguyên liệu, dịch Covid-19 khiến một số doanh nghiệp thận trọng trong việc nhập nguyên liệu do sợ xuất khẩu gặp khó khăn. Mặt khác, do khó khăn về logistic, container và tàu biển vận chuyển, đẩy giá bán nguyên liệu tăng lên từ 2 - 3 USD/m3. Một số nguyên liệu đang thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào do gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, hiện chưa tìm được thị trường khác thay thế.
Các mặt hàng như dăm gỗ, viên nén nguyên liệu - mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu gần 20% đang bị ảnh hưởng nặng do bệnh dịch tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc làm hành trình tàu vận chuyển kéo dài hơn 1 tháng so với trước đây vì thắt chặt kiểm soát dịch bệnh ở cả cảng xuất và cảng nhập; tàu hàng chậm trễ nhận hàng làm tăng chi phí lưu kho bãi, tăng chi phí tài chính – vốn vay; nhu cầu các thị trường dăm gỗ giảm làm giảm giá 5 - 6 USD/ tấn dăm khô, dự báo giá dăm gỗ tiếp tục giảm 3 - 4 USD/ tấn khô trong thời gian tới; người trồng rừng dừng khai thác gỗ nguyên liệu làm gián đoạn nguồn cung ứng gỗ cho cả ngành dăm và ngành chế biến đồ gỗ...
Để khắc phục khó khăn thời gian tới cho doanh nghiệp ngành gỗ, VIFOREST kiến nghị bỏ thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% xuống còn 0% đến hết năm 2020 để thúc đẩy xuất khẩu và giảm ảnh hưởng dây chuyển tới doanh nghiệp và hộ dân trồng rừng. Đối với mặt hàng gỗ xẻ xuất khẩu hiện nay đang áp thuế 25%, đề nghị giảm xuống 0% đối với mặt hàng này làm từ gỗ nhập khẩu . Đồng thời kiến nghị trả chậm thuế VAT nhập khẩu nguyên liệu gỗ nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ thêm 3 - 6 tháng, không tính lãi suất phạt quá hạn.
 
Thách thức và cơ hội mới từ các thị trường
 
Thị hiếu mới của người tiêu dùng thế giới đối với sản phẩm gỗ: Theo một nghiên cứu từ Tập đoàn Freedonia, người tiêu dùng mong muốn có thêm tủ lưu trữ, bếp đảo với ghế băng và kệ kéo tích hợp đèn LED, điều này thúc đẩy nhu cầu về tủ bếp tăng 4,6% hàng năm và đạt 17,3 tỷ USD vào năm 2020
Nghiên cứu cho thấy, năm 2018 tủ cơ bản chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nhu cầu tủ bếp và xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2020. Tuy nhiên, nhu cầu tủ cao và tủ tường sẽ tăng nhanh hơn, thay vì chọn các loại tủ như kệ mở và giá đỡ để có không gian lưu trữ lớn hơn. Nhu cầu tủ cao dự kiến sẽ tăng với tốc độ cao nhất trong số các loại tủ, tăng 5% hàng năm và đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2020.
Nhu cầu loại tủ này được thúc đẩy nhờ: Sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các tủ lớn hơn, cung cấp nhiều không gian lưu trữ hơn cho thực phẩm và bát đĩa; Người tiêu dùng lắp đặt tủ cao để lưu trữ các thiết bị nhà bếp lớn, như máy trộn, để có nhiều không gian quầy hơn; Chủ nhà quan tâm đến việc lắp đặt tủ cao để tạo sự tương phản trực quan với tủ và chân tường trong nhà bếp.
Thị trường Hàn Quốc: Theo Bloomberg, dịch COVID-19 đang đe dọa đà phục hồi kinh tế của Hàn Quốc, thậm chí có thể khiến nước này giảm tốc độ tăng trưởng trong quý I/2020. Kinh tế Hàn Quốc thường chịu tác động rất sớm từ các biến động trên thế giới, do phụ thuộc nhiều vào thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc. Kinh tế Hàn Quốc được dự báo còn chịu nhiều tác động hơn nữa, do dịch COVID-19 đang lan nhanh trong cộng đồng, kìm hãm các hoạt động kinh tế. Kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều khả năng nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất bằng gỗ của Hàn Quốc sẽ chậm lại khiến nhập khẩu giảm.
Thị trường Hoa Kỳ: Theo nguồn furnituretoday. com, doanh số bán lẻ đồ nội thất và đồ gia dụng của Hoa Kỳ tháng 01/2020 có khởi đầu năm thuận lợi, đạt 9,75 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng 12/2019, tăng 1,8% so với tháng 01/2019.
Đối với Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ hồi đầu tháng 2/2020 đã chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển. Điều này có thể tạo ra những tác động đến xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước ta vào thị trường này. Đến nay các thông tin về tác động của chính sách mới của Hoa Kỳ đối với các hoạt động thương mại nói chung và xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ nói riêng của Việt Nam chưa rõ ràng. Tuy nhiên, ngành gỗ Việt cần tìm hiểu thông tin, đánh giá tác động từ đó đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu các rủi ro cho ngành.
Trong một diễn biến khác liên quan đến nguồn cung Trung Quốc, ngày 28/02/2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế chống bán giá đối với sản phẩm tủ và bàn trang điểm của Trung Quốc, vì các sản phẩm này đang được bán tại Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá thị trường. USTR đã áp thuế bán phá giá cuối cùng cho các nhà sản xuất Trung Quốc với tỷ lệ bán phá giá trung bình từ 4,37% đến 262,18%. Để quyết định việc áp dụng mức thuế có hiệu lực, USTR vẫn phải xác định trong vòng 45 ngày, kể từ ngày 28/02/2020 liệu ngành công nghiệp Hoa Kỳ có bị tổn thất lớn do hàng nhập khẩu có giá không công bằng hay không.
Thị trường Trung Quốc: Bức tranh thương mại gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu hình thành do nhóm các mặt hàng gỗ nguyên liệu. Dịch Covid-19 đang lan rộng sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia và các luồng cung xuất khẩu khác của Việt Nam đi các nước. Hiện chưa có thông tin về quy mô của tác động và cũng chưa có dự báo về thời gian kết thúc dịch.
 
Các mặt hàng gỗ có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Trung Quốc
giai đoạn 2016 - 2019

Dăm gỗ là mặt hàng quan trọng nhất được xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc với kim ngạch năm 2019 đạt 972,2 triệu USD, chiếm 79,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc năm 2019.         Dịch Covid-19 làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này sẽ tiếp tục gây ra tình trạng chậm trễ trong việc xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam sang thị trường này. Bên cạnh đó, do tác động của dịch, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định dừng dỡ hàng ở một số cảng và tăng cường biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng bao gồm hàng vận chuyển bằng tàu biển và điều này cũng gây ra khó khăn trong xuất khẩu dăm gỗ từ Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, các loại ván là nhóm mặt hàng quan trọng nhất được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam với giá trị nhập khẩu năm 2019 đạt 395,5 triệu USD, chiếm 60% tổng kim ngạch tất cả các mặt hàng hỗ nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam trong năm qua. Dịch Covid-19 đang làm cho luồng cung này bị chững lại. Lượng hàng đã nhập trước đó có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam đủ nguyên liệu từ nguồn này trong vòng 1-2 tháng tới. Hết giai đoạn này, nếu dịch chưa kết thúc, các doanh nghiệp nhập khẩu từ Việt Nam sẽ cần tìm kiếm nguồn hàng thay thế hoặc phải đình trệ sản xuất.
Trung Quốc cũng là nguồn cung phụ kiện quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam. Các doanh nghiệp tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng như: dây đai, phụ kiện, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất và một số phụ kiện kim loại khác từ Trung Quốc. Dịch Covid-19 đã làm các nguồn cung này bị chững lại. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm nguồn cung thay thế, đặc biệt khi nguồn phụ kiện được nhập khẩu từ trước chỉ còn đáp ứng sản xuất được khoảng 2-3 tháng.
Dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp đến các nhà máy của Trung Quốc vận hành tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc có 184 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động trong ngành. Năm 2019, có 93 doanh nghiệp của Trung Quốc tham gia xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam. Dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới sự vận hành của các doanh nghiệp này, bao gồm cả những lao động Việt Nam làm việc tại đây. Dịch không chỉ tác động đến các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam mà còn tới cả các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia khác đang hoạt động tại Việt Nam và phụ thuộc về nguồn cung gỗ nguyên liệu và các mặt hàng phụ trợ khác từ Trung Quốc.
Thị trường EU: Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU 27 liên tục tăng trong vòng 5 năm qua, trị giá lên tới 18 tỷ Eur (tương đương 19 tỷ USD) trong năm 2018, tăng trưởng với tốc độ bình quân là 5,1% trong giai đoạn năm 2014 – 2018. Trong đó nhập khẩu đồ nội thất gỗ nội khối tăng trưởng bình quân 5,2% và nhập khẩu ngoại khối tăng 4,9%.
Năm 2019, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU27 tiếp tục tăng. Theo số liệu từ Cơ quan Thông kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU27 trong 11 tháng năm 2019 đạt 6,4 triệu tấn, trị giá 17,2 tỷ Eur (tương đương 18,6 tỷ USD), tăng 5,2% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của EU27 đạt 2.681,6 Eur/tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2018.
EU 27 nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ các thị trường nội khối, tỷ trọng nhập khẩu nội khối chiếm tới 74,5% tổng lượng nhập khẩu. Trong đó, Ba Lan và Đức là hai thị trường cung cấp chính trong khu vực nội khối. Trong các thị trường ngoài khối, Trung Quốc là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho EU, đạt 713 nghìn tấn, 1,9 tỷ Eur (tương đương 2,07 tỷ USD) trong 11 tháng năm 2019, tăng 2,1% về lượng và tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường Trung Quốc đạt 2.693,1 Eur/tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam là thị trường ngoài khối cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ hai cho EU trong 11 tháng năm 2019, đạt 128 nghìn tấn, 406,5 triệu Eur (tương đương 439 triệu USD), tăng 0,3% về lượng và tăng 6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam vẫn còn thấp, mới chỉ chiếm 2% trong tổng nhập khẩu của EU 27, còn rất nhiều dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Đặc biệt, việc Hiệp định EVFTA được phê chuẩn sẽ mang đến cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam theo lộ trình giảm thuế. EU 27 là khu vực có tiềm năng lâm nghiệp lớn trên thế giới, công nghệ và thiết bị chế biến gỗ của EU đứng hàng đầu với các thiết bị hiện đại nhất. Do đó, EVFTA là mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam phát triển sản xuất và nhập khẩu thiết bị hiện đại của EU.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang bùng phát ở châu Âu dự báo sẽ gây khó cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, trong đó có mặt hàng gỗ vào thị trường này.
Việc EU đóng cửa biên giới trước mắt chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân, hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản chưa bị hạn chế. Tuy nhiên việc hàng hóa nhập khẩu vào các nước EU bằng đường hàng không có thể bị ảnh hưởng do nhiều chuyến bay bị hủy hoặc cắt giảm. Hệ thống vận tải nội khối EU cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới có thể gây đình trệ việc ký kết đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới. Để tránh bị tác động quá lớn, DN cần thương lượng với đối tác EU về việc bảo đảm giao thương hàng hóa ở mức cần thiết và DN Việt Nam cũng cần chứng minh được hàng hóa bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, khử khuẩn… trong bối cảnh dịch bệnh, để hạn chế mức sụt giảm có thể của xuất khẩu.
 
Các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu
giai đoạn 2017-2019

---------------------------------------------------------------------------------------------

 TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19”, tháng 3/2020.
* Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản, ngày 3/3/2020.
* Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định): Báo cáo Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ - Thực trạng 2019 và xu hướng 2020, tháng 2/2020.

--------------******-------------

 Bên cạnh đó, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại số tháng 3/2020 còn có những thông tin đáng chú ý như:
 
Vấn đề - Sự kiện
- Trọng tâm tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng
 
Môi trường kinh doanh
- Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển năng lượng
- Sản xuất và tiêu dùng bền vững - Giải pháp từ doanh nghiệp
 
Thị trường - Ngành hàng
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thách thức và những cơ hội mới từ các thị trường trọng điểm
- Dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp
 
Người Việt - Hàng Việt
- Giải pháp nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng Việt trong tình hình mới
 
Quốc tế - Hội nhập
- Nghiên cứu các rào cản thương mại của Ấn Độ và đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ
- Nghiên cứu xây dựng mạng lưới phân phối cho sản phẩm công nghiệp Việt Nam tại thị trường ASEAN - Kỳ 4 và hết
 
Khuyến công
- Kế hoạch hoạt động khuyến công Hà Nội năm 2020
- Thanh Hóa: Hiệu quả từ các đề tài khuyến công
 
Doanh nghiệp - Doanh nhân
- VASI cùng ngành Công Thương hành động chống dịch Covid-19
- Macca Nutrition Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại Dubai, UAE
 
Trên đường phát triển
- Quảng Ngãi: Bứt phá, phát triển toàn diện
- Khánh Hòa: Đổi mới tăng trưởng và phát triển bền vững
 
Mọi thông tin Quý độc giả vui lòng liên hệ:
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại
- Địa chỉ: Phòng 509 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn
Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
- Điện thoại:  024 3715 2179/ 37152202; Fax: 024 3715 2202
 
Người liên hệ:    
- Mr. Tuấn;                 0913535939   (tuanvq.vtic@gmail.com)
- Mrs Việt Hằng;        0989153746  ( hanglecnvn@gmail.com)

 

Tạp chí DNTM


 

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.095.040