VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Phân tích thị trường dệt may 10 tháng và dự báo năm 2020

20/11/2019 13:19

          Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại số tháng 11/2019 có những nội dung chủ yếu: Ngành Công Thương: Sôi nổi phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; Phân tích và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chế biến, chế tạo Việt Nam; Một số giải pháp phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử, kinh tế số; Phân tích thị trường dệt may 10 tháng 2019 và dự báo năm 2020; “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”: Giải bài toán chất và lượng; Nghiên cứu xây dựng mang lưới phân phối cho sản phẩm công nghiệp Việt Nam tại thị trường ASEAN; Bắc Giang: 18 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019; Kiên Giang tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Quảng Ngãi đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đổi mới và hội nhập…

 

Phân tích thị trường dệt may 10 tháng và dự báo năm 2020
          Tóm tắt: Sau 10 tháng năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam cũng duy trì vị trí nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh (theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO). Dự báo năm 2020, tình hình xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tiếp tục thuận lợi với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm 2019 tuy nhiên mức tăng có thể thấp hơn với một số cơ hội, thách thức mới đan xen.
          Từ khóa: xuất khẩu dệt may, dệt may Việt Nam, dệt may 2019.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp dệt may trong nước đứng trước nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nên ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam bị cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu. Mặc dù tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng số lượng doanh nghiệp có đơn hàng lớn không nhiều, nhiều doanh nghiệp chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng. Tình hình nhập khẩu cũng trong tình trạng sụt giảm so cùng kỳ.
1. Tình hình xuất nhập khẩu dệt may 10 tháng năm 2019
Xuất khẩu
          Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may của Việt Nam tháng 10 năm 2019 ước đạt 3,2 tỷ USD, giảm 4,31% so với tháng trước và 0,92% so cùng kỳ 2018. Tổng KNXK hàng dệt may của Việt Nam 10 tháng năm 2019 ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 7,73% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 81,8% kế hoạch năm 2019. Giá trị thặng dư thương mại đạt 16,67 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018.
          Xuất khẩu vải của Việt Nam 10 tháng đầu 2019 ước đạt 1.743 triệu USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2018. Tính riêng tháng 10/2019 xuất khẩu vải của Việt Nam ước đạt 178 triệu USD, tăng 5,3% so với tháng trước và 8,5% so với cùng kỳ 2018.
          Xuất khẩu xơ, sợi dệt của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1.369 ngàn tấn, trị giá 3.384 triệu USD, tăng 12,4% về lượng và 21,5 về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tính riêng tháng 10/2019, xuất khẩu xơ, sợi dệt của Việt Nam ước đạt 130 ngàn tấn, trị giá 295 triệu USD, giảm 8,8% về lượng và 11,8% về trị giá so với tháng trước và tăng 4,2% về lượng nhưng giảm 12% về trị giá so với cùng kỳ 2018. Giá xơ, sợi xuất khẩu giảm mạnh, giá xuất khẩu trung bình 10 tháng đầu 2019 ước đạt 2.471 USD/tấn, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2018, tính riêng tháng 10/2019, giá xơ, sợi xuất khẩu trung bình của nước ta ước đạt 2.269 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng trước và giảm 15,5% so với cùng kỳ 2018.
          Số liệu tháng 9/2019 cho thấy, xuất khẩu sơ, sợi của Việt Nam nhiều nhất vẫn là sang thị trường Trung Quốc, chiếm tỷ trọng 57,38%. Nhưng xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 9/2019 đã giảm cả về lượng và trị giá do ngành may mặc của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ. Tại các thị trường khác của sợi Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Đài Loan tuy vẫn có đơn hàng nhưng số lượng rất nhỏ. Đặc biệt, giá bán vẫn theo xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Nhập khẩu
          Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu (NPL) dệt may đạt 18,4 tỷ USD, tăng 0,67% so với cùng kỳ 2018, trong đó mặt hàng bông giảm 12%, các mặt hàng còn lại tăng nhẹ. Cụ thể, nhập khẩu bông của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1.260 ngàn tấn, trị giá 2.268 triệu USD, giảm 6,4% về lượng và 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá bông nhập khẩu trung bình 10 tháng 2019 đạt 1.800 USD/tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2018.
          Nhập khẩu xơ sợi của Việt Nam 10 tháng năm 2019 ước đạt 912 ngàn tấn, trị giá 2.019 triệu USD, tăng 6,3% về lượng và 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tính riêng tháng 10/2019 nhập khẩu xơ sợi của Việt Nam ước đạt 95 ngàn tấn, trị giá 200 triệu USD, giảm 0,4% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với tháng trước và giảm 0,8% về lượng và 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xơ sợi nhập khẩu trung bình 10 tháng 2019 đạt 2.215 USD/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018, giá xơ sợi nhập khẩu trung bình tháng 10/2019 đạt 2.105 USD/tấn, tăng 3,5 % so với tháng trước và giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018.
          Nhập khẩu vải của Việt Nam 10 tháng năm 2019 ước đạt 10.934 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2018. Tính riêng tháng 10/2019 nhập khẩu vải của Việt Nam ước đạt 1.200 triệu USD, tăng 18,2% so với tháng trước và 4,1% so với cùng kỳ năm 2018.

2. Một số nhận định về các chủng loại xuất khẩu chủ yếu
Hàng dệt may      
          Xét về cơ cấu thị trường, số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, mặc dù trong tháng 9/2019, xuất khẩu dệt may sang hầu hết các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tính chung 9 tháng 2019, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang phần lớn các thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch lớn nhất trong số các thị trường, chiếm tỷ trọng 45,54% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Đứng thứ hai là thị trường EU, với tỷ trọng 12.88%. Tiếp theo là các thị trường Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Như vậy, riêng 5 thị trường lớn gồm Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã chiếm tới hơn 85% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay.
Mặt hàng xơ, sợi
          Tình hình xuất khẩu sợi những tháng cuối năm 2019 được dự báo chưa có nhiều khởi sắc, nhất là về giá do các nhà nhập khẩu tiếp tục mua hàng cầm chừng để thăm dò thị trường. Ngay từ nửa cuối năm 2018, xuất khẩu sợi của Việt Nam đã chững lại và giảm rất nhanh. Đơn giá xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam - liên tục giảm.
          Tổng lượng sợi nhập khẩu của Trung Quốc từ quý IV/2018 đến quý I/2019 chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; chứng tỏ nhu cầu về sợi của Trung Quốc giảm không đáng kể, lượng sợi tồn kho vẫn chưa đưa hết ra thị trường. Có thể nhà nhập khẩu Trung Quốc đang nhân cơ hội xung đột thương mại để gây sức ép lên các nước xuất khẩu sợi nhằm giảm giá xuống mức thấp. Hơn nữa, doanh nghiệp xuất khẩu sợi của Việt Nam không chỉ bị giảm giá bán mà còn chịu thêm thiệt hại do đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá. Các nhà nhập khẩu sợi của Trung Quốc đa phần là các công ty kinh doanh thương mại lập tức cắt giảm số lượng sợi nhập khẩu để xem xét tình hình thị trường và chỉ nhập khẩu số lượng đủ bán cho các nhà sản xuất và không mua để tích lũy.
          Trung Quốc hiện là thị trường chính của ngành sợi Việt Nam và đối với Trung Quốc thì Việt Nam cũng là đối tác cung cấp sợi chính với thị phần tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2014, Việt Nam chỉ đứng thứ 3 trong các quốc gia xuất khẩu sợi sang Trung Quốc, đến năm 2018 đã vươn lên đứng thứ nhất với 30% thị phần. Do đó, bất kỳ biến động nào đối với ngành dệt may Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành sợi Việt Nam. Tình trạng này đang là vấn đề trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành sợi. Tính cả 9 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu xơ, sợi trung bình sang thị trường Trung Quốc sụt giảm so với cùng kỳ năm trước nên mặc dù lượng tăng tới 21,35% nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng khiêm tốn 8,94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
          Theo các chuyên gia, ưu đãi thuế quan hấp dẫn từ CPTPP, EVFTA sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển khâu thượng nguồn của dệt may Việt Nam. Với công nghệ sản xuất hiện đại, nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp sản phẩm sợi của Việt Nam có chất lượng tốt, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất khẩu sang các thị trường trong khối CPTPP, EVFTA. Bên cạnh đó, một số thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Puma, Uniqlo… có định hướng gia tăng sử dụng lượng sợi tái chế. Đây là gợi ý tốt cho các doanh nghiệp ngành sợi trong chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh lâu dài.
Nguyên phụ liệu dệt may
          Kim ngạch xuất khẩu NPL dệt may trong tháng 9/2019 đạt 161,66 triệu USD, tăng 16% so với tháng trước và 9% so với tháng 9/2018. Lũy kế 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt trên 1,49 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 9 và 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng NPL dệt may chủ yếu sang các thị trường: Asean, Trung Quốc, EU, Hồng Kông (Trung Quốc); kim ngạch xuất khẩu sang 4 thị trường lớn này đã chiếm trên 70% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này.
          Thời gian qua ngành dệt may tăng trưởng nhanh, tuy nhiên, quy mô của các doanh nghiệp trong ngành vẫn chủ yếu là vừa và nhỏ, phương thức sản xuất vẫn chủ yếu là gia công, khả năng sản xuất theo thiết kế và thương hiệu còn hạn chế. Đặc biệt, hiện nay ngành phát triển vẫn chưa cân đối. Phát triển nhanh nhất là lĩnh vực may mặc, nhưng các lĩnh vực khác như kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất, thiết kế vẫn còn bị bỏ ngỏ nên kéo giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm dệt may. Trong bối cảnh yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở thành quy định bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu quan trọng thì bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào. Nguyên liệu cho ngành dệt may vẫn chủ yếu là nhập khẩu, chiếm tỷ lệ khoảng 80%.
          Lợi thế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do là ưu đãi về thuế, nhưng nếu muốn hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu thì các DN phải đáp ứng được các yêu cầu rất cao, liên quan đến chứng nhận xuất xứ nguồn nguyên liệu. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung đầu tư vào phát triển khâu thượng nguồn (sợi, dệt, nhuộm hoàn tất), tạo ra chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, do tiềm lực về vốn, công nghệ, quản trị còn hạn chế nên các doanh nghiệp trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khâu thượng nguồn, nhất là lĩnh vực dệt nhuộm; đề nghị các địa phương tạo điều kiện cấp phép cho các dự án đầu tư vào dệt nhuộm có công nghệ hiện đại xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.
Mặt hàng vải mành, vải kỹ thuật      
          Kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật trong tháng 9/2019 đạt 46,21 triệu USD, giảm 8% so với tháng trước nhưng lại tăng 10% so với tháng 9/2018. Lũy kế 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 457,21 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.
          Về thị trường xuất khẩu, tháng 9/2019, xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường đạt kim ngạch cao gồm có: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tính chung 9 tháng năm 2019, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch cao nhất 151,71 triệu USD, tăng 9,82% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 33,18% tỷ trong xuất khẩu. Thị trường Asean đạt kim ngạch 54,54 triệu USD, tăng 21,13% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 11,93%. Thị trường Hàn Quốc đạt kim ngạch 47,66 triệu USD, tăng 42,94% so cùng kỳ và chiếm 10,43% tỷ trọng.

3. Dự báo về xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2020
          Theo báo cáo WTO 2019 mới công bố, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của thế giới 2018 đạt 820 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2017. Trong đó tổng KNXK mặt hàng dệt đạt 315 tỷ USD, tăng 6,4%; tổng KNXK hàng may mặc đạt 505 tỷ USD tăng 11,1% so 2017. Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 trên thế giới với tổng kim ngạch đạt 39,8 tỷ USD chiếm thị phần 4,85%, sau Trung Quốc (276,37 tỷ USD, thị phần 33,7%) và Bangladesh (40,64 tỷ USD, thị phần 4,95%).
          Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung dệt may toàn cầu. Ngành dệt Trung Quốc bắt đầu giảm sản xuất, giảm nhập khẩu, giảm tồn kho, kết quả kéo theo thị trường bông thế giới, thị trường sợi thế giới bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ có những cơ hội, thách thức mới từ tình hình này.
Cơ hội:
          Ngành dệt may Việt Nam được coi là lựa chọn khá tốt ở một số nhóm mặt hàng nhờ lao động dồi dào, trình độ lao động khá cao so với các nước cạnh tranh khác trong khu vực, và giá lao động còn rẻ trong tương quan với năng suất. Việt Nam có thể là lựa chọn lý tưởng thay thế cho Trung Quốc khi hàng Trung Quốc trở nên đắt đỏ nếu trong tương lai hàng may mặc từ Trung Quốc bị đưa vào danh mục đánh thuế (hiện tại Mỹ mới chỉ đánh thuế mặt hàng dệt của Trung Quốc).
          Trong ngắn và trung hạn Việt Nam vẫn có khả năng tăng cường thị phần tại các nước nhờ các FTA, ví dụ sang EU (nhờ hiệp định EVFTA) và khối các nước CPTPP, đặc biệt là Canada và Úc nhờ (CPTPP). Làn sóng đầu tư FDI đồng thời cũng mở ra các cơ hội cho dệt may hợp tác, các cơ hội mua bán, sáp nhập công ty, các cơ hội chuyển giao công nghệ để trở nên lớn mạnh hơn trên thị trường nội địa và quốc tế.
Thách thức:
          Tăng trưởng kinh tế thế giới đang trên đà giảm tốc: Ngân hàng thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm từ 3% trong năm 2018 xuống còn 2,9% trong năm 2019 và 2,8% trong năm 2020-2021. Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm xuống mức 2% trong năm 2019.
          Lãi suất liên tục được điều chỉnh tăng. Trước khi kết thúc năm 2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ tăng lãi suất hai lần lên mức 3%. Điều này tác động đến tỷ giá và dòng vốn đầu tư (từ khu vực lãi suất thấp sang lãi suất cao). Do đó, Việt Nam có thể phải tăng nhẹ lãi suất theo đà tăng của thế giới, điều này là rủi ro mà doanh nghiệp cần lưu ý.
          Đồng USD tăng giá cùng thị trường tài chính biến động gây áp lực phá giá tiền tệ đối với các nước đang phát triển. Một số quốc gia dễ gặp phải nguy cơ căng thẳng về tài chính. Thị trường dệt may thế giới nhiều biến động với nhiều kịch bản khó lường về chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, về các rào cản kỹ thuật mới gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn suy giảm do tình hình địa chính trị, tình hình kinh tế toàn cầu giảm phát, kéo theo nhu cầu nhập khẩu giảm sẽ gây khó khăn về đơn hàng và áp lực đơn giá cho doanh nghiệp.
          Các doanh nghiệp dệt may trong nước dễ trở thành đơn vị cấp 2, đơn vị gia công cho khối doanh nghiệp FDI nếu làn sóng FDI ồ ạt chảy vào Việt Nam để tránh tình trạng bị áp thuế khi xuất đi từ Trung Quốc. Tình hình cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn và áp lực về giá, về đơn hàng, áp lực năng suất sẽ trở thành các vấn đề “nóng” nhất.

Triển vọng ngành dệt may Việt Nam thời gian tới:
          Hiện tại các doanh nghiệp ngành sợi vẫn đang nghe ngóng tình hình chiến tranh thương mại với tâm lý sản xuất dè chừng, thận trọng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường. Các công ty may tập trung vào hướng tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới, thị trường phi truyền thống. Ngành may hiện tại cũng nhiều đơn vị có đơn hàng đến hết năm 2019. Thêm vào đó các doanh nghiệp cũng nỗ lực phối hợp chặt chẽ với khách hàng nhằm chia sẻ rủi ro và lợi ích.

          Với tình hình nhiều biến động năm 2019 các doanh nghiệp cần thận trọng trong các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất và nỗ lực vượt qua thời kỳ nhiều thách thức này.

-----------******----------

 Bên cạnh đó, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại số tháng 11/2019 còn có những thông tin đáng chú ý như:

Học tập tấm gương Hồ Chí Minh

  • Ngành Công Thương: Sôi nổi phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” 

Môi trường kinh doanh

  • Phân tích và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chế biến, chế tạo Việt Nam 

Thị trường - Ngành hàng                                                                 

  • Một số giải pháp phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử, kinh tế số

  • Phân tích thị trường dệt may 10 tháng 2019 và dự báo năm 2020 

Người Việt - Hàng Việt                                                                     

  • “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”: Giải bài toán chất và lượng 

Quốc tế - Hội nhập

  • Nghiên cứu xây dựng mang lưới phân phối cho sản phẩm công nghiệp Việt Nam tại thị trường ASEAN 

Khuyến công

  • Bắc Giang: 18 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019

  • Khuyến công Cà Mau: Nhân rộng mô hình thiết bị sấy tôm khô sử dụng năng lượng mặt trời

  • Tinh dầu Kim Vui – Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019

  • Kiên Giang tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 

Trên đường phát triển

  • Quảng Ngãi đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đổi mới và hội nhập 

 
Mọi thông tin Quý độc giả vui lòng liên hệ:
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại
- Địa chỉ: Phòng 509 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn
Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
- Điện thoại:  024 3715 2179/ 37152202; Fax: 024 3715 2202
 
Người liên hệ:    
- Mr. Tuấn;                 0913535939   (tuanvq.vtic@gmail.com)
- Mrs Việt Hằng;        0989153746  ( hanglecnvn@gmail.com)

 

Tạp chí DNTM

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.021.584