VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Nhu cầu tại các thị trường lớn phục hồi, xuất khẩu cà phê tăng trở lại

01/07/2020 09:24

Tháng 5/2020, nhiều quốc gia tại châu Âu, châu Á đang dần mở cửa lại nền kinh tế, các quán cà phê, nhà hàng được hoạt động trở lại, kéo nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng lên; xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng cả về lượng và trị giá.
 
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính chung 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 813 nghìn tấn, trị giá 1,367 tỷ USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu cà phê bình quân trong tháng 5/2020 đạt mức 1.680 USD/tấn, giảm 0,4% so với tháng 4/2020, nhưng tăng 2,4% so với tháng 5/2019. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu cà phê bình quân đạt mức 1.682 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Đức, Mỹ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020 với thị phần lần lượt là 15,3%, 8,9% và 7,8%.
 
Việt Nam là nhà cung cấp cà phê lớn thứ 3 cho thị trường Mỹ
Trong tháng 5/2020, giá cà phê thế giới biến động trái chiều. So với tháng trước, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2020 thị trường London tăng 3 USD/tấn lên 1.189 USD/tấn. Giá cà phê tăng do nguồn cung cà phê Robusta có dấu hiệu khó khăn ở các nước sản xuất chính khi người trồng cà phê thể hiện sự kháng giá. Bên cạnh đó, sức mua hàng hóa gia tăng sau giãn cách xã hội cũng là yếu tố khiến giá cà phê gia tăng trong tháng. Ngược lại với đà tăng của cà phê Robusta, giá cà phê Arabica tiếp tục sụt giảm nhiều phiên liên tiếp. Giá giao tháng 7/2020 đã giảm thêm 25 USD/tấn xuống còn 2.299 USD/tấn. Nguyên nhân là do sức ép bán hàng vụ mới gia tăng tại sàn Arabica.
 
Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, hiện đang đối mặt với áp lực dư cung lớn do vào năm “được” của chu kỳ “2 năm 1”. Đồng thời, giá trị đồng nội tệ Brazil vẫn tiếp tục giảm mạnh so với đồng USD của Mỹ. Mức sâu kỷ lục được ghi nhận trong tháng 5, là yếu tố đáng lo ngại của thị trường cà phê. Trong nửa cuối tháng 5, đồng Real đã mạnh dần so với đồng USD (đồng USD giảm do các nhà đầu tư đổ xô tìm kiến nơi trú ẩn an toàn để giữ tiền), tuy nhiên, sự gia tăng là chưa đủ để kéo giá cà phê Arabica ra khỏi tình trạng trì trệ kéo dài.
 
Tại thị trường thế giới, theo Intracent, nhu cầu nhập khẩu cà phê của Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 379,6 nghìn tấn, tương đương 1,39 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê đứng thứ 3 cho thị trường Mỹ, sau Brazil và Colombia. Thị phần cà phê của một số nguồn cung cho Mỹ như Colombia, Guatemala, Mexico, Peru, Đức, Uganda… giảm so với cùng kỳ 2019.
 
Thị trường cà phê trong nước biến động cùng xu hướng thị trường thế giới và bắt đầu phục hồi trên diện rộng trong nửa cuối tháng 5/2020. So với tháng 4, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 700 - 900 đ/kg lên mức 30.700 - 31.200 đ/kg, giá cao nhất tại khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. Tại cảng TP.HCM, giá cà phê giao cũng đã tăng lên ngưỡng 33.000 đ/kg. Người trồng cà phê Việt Nam đang hứng chịu nhiều yếu tố cực đoan từ thời tiết, hạn hán trong những tháng đầu năm, về lâu dài sẽ khiến cây suy kiệt, giảm năng suất. Do đó trong thời gian tới, cùng với xu hướng của thị trường thế giới, giá cà phê trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục đà tăng ổn định.
 
Một số nhận định và dự báo về thị trường
Theo World Atlas, tiêu thụ cà phê của người Mỹ đạt 4,2kg/người mỗi năm. Mức tiêu thụ cà phê của Mỹ đã tăng thêm 1 kg trong 5 năm qua. Còn theo Hiệp hội cà phê quốc gia Mỹ (NCA) năm 2019, 64% người Mỹ từ 18 tuổi trở lên uống cà phê mỗi ngày. Hiện nay nhiều bang của Mỹ tuyên bố kết thúc biện pháp cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này sẽ cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới.
 
Tại các thị trường Châu Âu, Châu Á, trong khi các mặt hàng xuất khẩu khác ít nhiều chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì ở mức ổn định, tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là sự lo ngại chuỗi cung ứng gián đoạn trong dịch, nhiều quốc gia có xu hướng tích trữ cà phê, đặc biệt là tại Châu Âu.
 
Nguồn cung cà phê toàn cầu được dự đoán sẽ chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt trong niên vụ mới do sự thay đổi hành vi người tiêu dùng đối với giãn cách xã hội. Tháng 5/2020, nhiều quốc gia tại Châu Âu, Châu Á đang dần tái mở cửa nền kinh tế, theo đó các quán cà phê, nhà hàng được hoạt động trở lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Điều này cùng với thông tin các nước sản xuất cà phê tại Châu Phi đang gặp hán hạn nghiêm trọng được kỳ vọng sẽ khiến giá cà phê trên thị trường thế giới tăng trong thời gian tới.
 
Dự báo nguồn cung và xuất nhập khẩu cà phê niên vụ 2020/21 của thế giới
Tính toán đến tác động của dịch Covid-19, mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu niên vụ 2020/21.
 
Các nguồn cung chủ yếu:
Thế giới: Theo dự báo này, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2020/21 sẽ tăng 9,1 triệu bao (60 kg) so với niên vụ trước, lập kỷ lục 176,1 triệu bao. Brazil tiếp tục chiếm phần lớn sản lượng cà phê của thế giới do cà phê Arabica bước vào mùa thu hoạch chu kỳ 2 năm/lần và Robusta đạt sản lượng kỷ lục. Xuất khẩu cà phê thế giới cũng được dự báo tăng hơn niên vụ trước, phần lớn do xuất khẩu của Brazil tăng mạnh.
 
Brazil: Sản lượng Arabica của Brazil trong niên vụ này được dự báo tăng 6,8 triệu bao so với mùa trước lên tới 47,8 triệu bao. Nguyên nhân chính do điều kiện thời tiết tốt tại các vùng trồng cà phê, hỗ trợ thiết lập cây phát triển, dẫn đến sản lượng cao. Ngoài ra, phần lớn vụ thu hoạch Arabica của Brazil bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 6 và chất lượng của cây trồng dự kiến sẽ được tốt hơn so với vụ thu hoạch trước. Sản xuất Robusta của nước này cũng được dự báo sẽ tăng 1,8 triệu bao so với vụ trước, đạt mức kỷ lục 20,1 triệu bao.
 
Việt Nam: Cũng theo dự báo của USDA, sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2020/21 được dự báo đạt 30,2 triệu bao, giảm 1,1 triệu bao so với sản lượng cao kỷ lục của niên vụ trước. Diện tích canh tác không thay đổi so với vụ trước với hơn 95% tổng sản lượng là cà phê Robusta.
 
Colombia: Sản lượng Arabica của Colombia được dự báo sẽ tăng 300.000 bao lên 14,1 triệu bao với năng suất cao hơn. Xuất khẩu cà phê của Colombia chủ yếu sang Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, được dự báo tăng 400.000 bao lên mức 12,4 triệu bao.
 
Indonesia: Sản lượng cà phê của Indonesia được dự báo sẽ giảm 400.000 bao xuống còn 10,3 triệu bao với sản lượng Robusta thấp hơn vụ trước. Thời tiết ít mưa ở Nam Sumatra và Java, nơi chiếm khoảng 75% sản lượng Robusta dẫn tới năng suất giảm. Vùng sản xuất Arabica ở Bắc Sumatra, có điều kiện phát triển thuận lợi nên dự kiến sẽ tăng sản lượng 50.000 bao lên 1,3 triệu bao. Xuất khẩu cà phê của Indonesia dự báo giảm 200.000 bao so với vụ trước, đạt 5,9 triệu bao.
 
Ấn Độ: Sản lượng cà phê tại Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 400.000 bao lên 5,3 triệu bao do thời tiết thuận lợi vào thời kỳ cà phê ra hoa và đậu quả dự kiến sẽ cải thiện năng suất của cà phê Arabica và Robusta. Xuất khẩu dự báo giảm 300.000 bao xuống còn 3,3 triệu bao, trong khi hàng tồn kho dự kiến sẽ tăng nhẹ.
 
Trung Mỹ và Mexico: Tổng sản lượng cà phê niên vụ 2020/21 của khu vực Trung Mỹ và Mexico được dự báo tăng 600.000 bao lên 18,0 triệu bao. Trong đó, Honduras dự kiến sẽ chiếm gần như tất cả tăng trưởng của khu vực, tăng 500.000 bao lên 6,1 triệu bao trong điều kiện tăng trưởng thuận lợi cùng với việc áp dụng phân bón để tăng năng suất. Honduras chiếm khoảng một phần ba sản lượng của cả khu vực. Mexico và Guatemala mỗi nước chiếm khoảng 20% sản lượng của khu vực. Sản lượng của Nicaragua dự báo sẽ giảm vụ thứ ba liên tiếp. Xuất khẩu của Trung Mỹ và Mexico niên vụ này được dự báo là 14,5 triệu bao. Trong đó, hơn 45% xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, tiếp theo là khoảng 1/3 xuất sang Hoa Kỳ.
 
Các thị trường nhập khẩu chính:
EU (số liệu dự báo vẫn bao gồm Vương quốc Anh): Nhập khẩu của Liên minh châu Âu niên vụ này được dự báo tăng 2 triệu bao lên mức 49,5 triệu bao và chiếm gần 45% tổng lượng nhập khẩu cà phê hạt cà phê của thế giới. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (29%), Việt Nam (23%), Colombia (7%) và Honduras (6%).
Hoa Kỳ: Là thị trường nhập khẩu số lượng cà phê hạt lớn thứ hai thế giới và dự báo sẽ tăng 2 triệu bao, lên mức 27 triệu bao. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (24%), Colombia (22%), Việt Nam (16%) và Honduras (6%)

 ----------------------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
* Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA): Coffee: World Markets and Trade - 2020/21 Forecast Overview, June 2020.* Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Thông tin định kỳ tham khảo thị trường nông sản tháng 5/2020

 ---------------******-------------

 Bên cạnh đó, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại số tháng 6/2020 còn có những thông tin đáng chú ý như:
 
Vấn đề - Sự kiện
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí
 
Môi trường kinh doanh
- Tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới - Cộng hưởng giải pháp từ Chính phủ và doanh nghiệp
- Một số giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam
Thị trường - Ngành hàng
- Nhu cầu tại các thị trường lớn phục hồi, xuất khẩu cà phê tăng trở lại
Người Việt - Hàng Việt
- Giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước
Quốc tế - Hội nhập
- EVFTA: Các cam kết và cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam
Khuyến công
- Chính sách khuyến công quốc gia tập trung toàn diện hỗ trợ sản xuất CNNT tiêu biểu
- Khuyến công Quảng Bình: Phát huy hiệu quả thiết thực
Trên đường phát triển
- Bắc Giang: Chủ động các giải pháp thực hiện Nghị quyết 01/NĐ-CP
 
Mọi thông tin Quý độc giả vui lòng liên hệ:
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại
- Địa chỉ: Phòng 509 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn
Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
- Điện thoại:  024 3715 2179/ 37152202; Fax: 024 3715 2202
Người liên hệ:    
- Mr. Tuấn; 0913535939 (tuanvq.vtic@gmail.com)
-Mrs Việt Hằng; 0989153746 ( hanglecnvn@gmail.com)

 

Tạp chí DNTM

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.020.754