VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Ngành Công Thương khu vực Trung du và miền núi phía Bắc: Tìm "kim chỉ nam" cho chiến lược phát triển

02/12/2020 09:36

Đại diện Sở Công Thương 14 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đã có cơ hội trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho ngành Công Thương khu vực cho tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 tại Hội nghị giao ban giám đốc Sở Công Thương khu vực Trung du và miền núi phía Bắc 2020, tổ chức tại tỉnh Yên Bái, ngày 1/12.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, với những khó khăn trong năm 2020, những điều kiện còn hạn chế về hạ tầng, kết nối, cơ sở vật chất, cùng hàng loạt các chính sách, chủ trương và các giải pháp của Chính phủ đề ra cũng như sự chủ động điều hành, phối hợp của các Bộ, ngành giúp ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi phía Bắc không ngừng nỗ lực để thực thi các “mục tiêu kép” một cách có hiệu quả.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc hội nghị

Những bài học từ thực tiễn, đặc biệt nhìn nhận trong góc độ địa phương đã chuẩn bị, cho thấy tâm thế sẵn sàng cho sự thích ứng về những vẫn đề liên quan như phát triển chuỗi giá trị trong công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá; vấn đề gắn với việc củng cố phát triển các mô hình của kinh tế tập thể; phương thức về tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông sản; những đề án lớn đến lồng ghép chính sách của ngành Công Thương trong phát triển kinh tế, xã hội nhất là những chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số…

Để phục vụ sự phát triển trong năm 2021 và những năm tiếp theo, thông qua hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ Công Thương mong muốn 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc cùng trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để có thể hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và tạo đà xây dựng, phát triển kế hoạch năm 2021. “Đây sẽ là những “kim chỉ nam” xuyên suốt cho chiến lược phát triển của mỗi địa phương” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

10/14 tỉnh chỉ số phát triển công nghiệp cao

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), tính chung 10 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc 10 tháng năm 2020 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cụ thể, toàn khu vực có 10/14 tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước 10 tháng 2,74%), là Bắc Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực đạt trên 239.800 tỷ đồng, chiếm trên 5,8% so với cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực đạt 37 tỷ USD. Tính đến hết tháng 10/2020, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đã thành lập 141 cụm công nghiệp với tổng diện tích 4.995ha.

Đánh giá cao chỉ số phát triển công nghiệp ấn tượng của khu vực này trước bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 10 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, công nghiệp chế biến, chế tạo là một điểm sáng trong phát triển kinh tế của khu vực. Trong đó, sự góp sức lớn nhất nằm ở khu vực kinh tế tư nhân và FDI. Để duy trì môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất, nhất là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nỗ lực của bản thân các địa phương và sự hỗ trợ kịp thời đến từ Trung ương.


Hội nghị giao ban giám đốc Sở Công Thương khu vực Trung du và miền núi phía Bắc 2020 tổ chức tại tỉnh Yên Bái

Lấy dẫn chứng trong lĩnh vực xuất khẩu luôn phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Do vậy, trong 10 tháng, các địa phương đã làm khá tốt công tác phát triển thị trường, duy trì đầu vào, tiếp tục tháo gỡ khó khăn để phục vụ cho sản xuất bằng cách kết nối các thị trường tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra, duy trì chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng chung của cả nước khá cao, tăng 11,6 % so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực 10 tháng năm 2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2019, con số này đã tạo ra tâm lý lạc quan cho sự phát triển của khu vực, bởi đây vốn là vùng gặp nhiều khó khăn vì điều kiện hạ tầng chưa tốt, hệ thống phân phối cho sản phẩm và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà sản xuất cũng chưa thật sự hoàn hảo.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu lên các vấn đề về phất triển hạ tầng năng lượng, vấn đề điện nông thôn vẫn phải đảm bảo thực hiện chương trình; vấn đề về liên kết vùng, quy hoạch của vùng; vấn đề về hội nhập; biện pháp để các địa phương liên kết và khai thác được các thế mạnh như phát triển lâm nghiệp công nghệ cao... Đặc biệt là tìm kiếm, phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với với xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc gắn với tạo dựng thương hiệu… Đảm bảo cung ứng hàng hoá chất lượng, thị trường cung cầu nhất là trong thời gian cao điểm cuối năm.

Gỡ "nút thắt" cho Công Thương địa phương

Tại hội nghị, đại diện 14 Sở Công Thương khu vực đã thảo luận làm rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc 10 tháng qua, đồng thời nêu lên những khó khăn và đề ra giải pháp trong tháng cuối năm và thời gian tới.


Đại diện 14 Sở Công Thương khu vực đã thảo luận, cho ý kiến đóng góp phát triển vùng

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế và những bước phát triển quan trọng, khá toàn diện trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ tỉnh Yên Bái thời gian qua, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư tỉnh ủy Yên Bái - chỉ rõ, phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ tại Yên Bái nói riêng và các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để khơi thông các điểm nghẽn giúp Yên Bái và các tỉnh trong khu vực phát triển, tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Chính phủ sớm hoàn thiện quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trong đó định hướng rõ phát triển các ngành, lĩnh vực gắn với tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Ông Đỗ Đức Duy đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, bố trí hỗ trợ nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng lưới điện quốc gia; quan tâm hỗ trợ các địa phương trong triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, phát triển thị trường, xuất nhập khẩu; quan tâm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh và khu vực.


Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư tỉnh ủy Yên Bái - phát biểu tại hội nghị

Cùng với đó, ông Đỗ Đức Duy cũng đề nghị Bộ Công Thương ủng hộ và báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của khu vực miền Bắc tại tỉnh Yên Bái. Do đó, để khơi thông các điểm nghẽn giúp Yên Bái và các tỉnh trong khu vực phát triển, tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Chính phủ sớm hoàn thiện quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc; trong đó, định hướng rõ phát triển các ngành, lĩnh vực gắn với tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Quyền - Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang - cũng nêu ý kiến, Bộ Công Thương sớm ban hành cơ cấu nhiệm vụ chức năng tổ chức của các Sở Công Thương, hướng dẫn về tiêu chuẩn trình độ của cán bộ công chức Sở Công Thương các tỉnh có thể kiện toàn công tác quy hoạch cán bộ, tạo thuận lợi trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển của ngành.

Nhận định vai trò là “cánh tay nối dài” của Bộ Công Thương trong việc điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu trong khu vực, Bộ trưởng đề xuất, tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai và Bắc Giang cần lưu ý phát triển chiến lược trở thành những trung tâm logistics để đảm bảo tính cạnh trạnh, đồng thời xây dựng hành lang kinh tế với các địa phương trong vùng, phát triển thị trường trong nước và thương mại quốc tế.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tiếp thu, giải đáp thắc mắc của các đại biểu tại hội nghị, đồng thời giao các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương là đầu mối liên kết, tháo gỡ khó khăn cho từng địa phương để các địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới, ngành Công Thương các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc cần có sự phối hợp chặt chẽ để cùng nhau tháo gỡ khó khăn giữ vững tăng trưởng của vùng.
 

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.020.847