VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả bứt phá mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn

12/02/2020 08:42

NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO

I. Kinh tế thế giới
Năm 2019 được đánh giá là năm khó khăn của kinh tế thế giới trước tác động của hàng loạt yếu tố bất ổn. Đó là chuỗi căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ với nhiều quốc gia, xu hướng lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, bất ổn địa chính trị diễn ra tại nhiều khu vực, tiến trình Anh rời khỏi EU (Brexit) chưa được giải quyết, giá dầu liên tục biến động. Trong khi đó, xu hướng nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng và chuyển dịch của các dòng đầu tư vẫn tiếp diễn, trong đó đáng chú ý nhất là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục giảm lãi suất cơ bản... So với dự báo đầu năm 2019, các số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2019 giảm tốc, chỉ ở mức 2,9%-3%. Theo ước tính của WTO, tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm 2019 cũng chỉ đạt 1,2%, thấp hơn so với dự báo được đưa ra vào tháng 4/2019 (2,6%), đánh dấu mức thấp nhất của chỉ số này trong vòng 3 năm trở lại đây.

Trong năm qua, châu Á tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới (khoảng 5%), chiếm hơn 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, các quốc gia trong Liên minh EU... đều giảm tốc. Diễn biến này đã tác động tiêu cực tới niềm tin của doanh nghiệp, suy yếu hoạt động đầu tư và xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bước sang năm 2020, kinh tế thế giới đã xuất hiện một số tín hiệu khả quan. Nổi bật nhất trong số đó là việc Mỹ và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận giai đoạn 1 vào ngày 16/1/2020, đánh dấu bước tiến quan trọng sau nhiều tháng bất đồng và liên tục áp thuế trả đũa lẫn nhau, gây xáo trộn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Theo văn kiện được ký kết, Trung Quốc cam kết sẽ mua tổng cộng hơn 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Đổi lại, Washington cam kết sẽ không áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, nhưng sẽ không vội dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan đã áp. Mức thuế 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ được giữ nguyên. Trong khi đó mức thuế 15% được áp ngày 01/9/2019 lên 120 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7,5%. Tuy nhiên, thỏa thuận giai đoạn 1 chưa đủ để giải quyết các bất đồng sâu rộng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, cuộc chiến thương mại giữa hai nước vẫn sẽ là yếu tố tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thế giới trong năm 2020.

Cùng với căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, kinh tế thế giới năm 2020 dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn, cả về kinh tế, thương mại cũng như các vấn đề về địa chính trị. Diễn biến của các sự kiện trọng điểm như tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Biển Ðông, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế chủ chốt khác, tiến trình Brexit... vẫn rất khó lường và là rủi ro hàng đầu với đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng không đồng đều, tình trạng suy thoái và nợ công gia tăng tại một số nền kinh tế cũng tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, thương mại toàn cầu ổn định vào cuối năm 2019, nhưng chưa có dấu hiệu hồi phục vào năm 2020; nhu cầu về nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục tăng. Với những yếu tố trên, dự báo kinh tế thế giới năm 2020 sẽ tăng trưởng chậm lại, có nhiều bất định và hiệu quả của các chính sách kinh tế là không cao.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định năm 2019 đã đánh dấu giai đoạn tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Theo WB, trong năm 2020, dù có sự cải thiện, nhưng nền kinh tế thế giới vẫn sẽ dễ bị tổn thương trước các rủi ro liên quan đến căng thẳng thương mại và địa chính trị. WB đánh giá sự phục hồi tại một số nước sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, song cũng thận trọng cho rằng viễn cảnh này đang đứng trước nhiều rủi ro bị chệch hướng như nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang trở lại.

WB dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 2,5% trong năm 2020, cao hơn 0,1% so với năm 2019, nhưng thấp hơn 0,1% so với dự báo được đưa ra vào tháng 6/2019. Tăng trưởng thương mại được kỳ vọng sẽ tăng từ 1,4% của năm 2019 (cũng là mức thấp nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009) lên 1,9% trong năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng thương mại trung bình là 5% kể từ năm 2010.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm từ mức 2,3% trong năm 2019 xuống 1,8% trong năm 2020, phản ánh tác động tiêu cực từ việc tăng thuế trước đó và những rủi ro liên quan đến chính sách. Tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDEs) được dự báo sẽ đạt mức 4,1% trong năm 2020, cao hơn so với mức 3,5% trong năm 2019. Trong khi đó, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ giảm tốc từ 1,6% trong năm 2019 xuống còn 1,4% trong năm 2020, một phần là do lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy giảm.

II. Kinh tế trong nước
Năm 2019, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả bứt phá mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở cả trong và ngoài nước. Đây là năm thứ 2 liên tiếp cả nước đạt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch, với GDP tăng trưởng 7,02% - ở mức cao hàng đầu thế giới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã được nâng lên 266 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.800 USD/năm; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân đạt 2,79%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra và đánh dấu mức thấp nhất trong 3 năm gần đây; thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; thương mại hàng hóa đạt 517,26 tỷ USD, xuất siêu đạt 11,1 tỷ USD; nợ công giảm về 56% GDP, năng lực cạnh tranh cải thiện rõ nét…

Những kết quả trên là nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển khả quan trong năm 2020, đồng thời khẳng định tính kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý cũng như sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Đây là năm cuối của nhiệm kỳ 2015-2020, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cũng rất nặng nề, không chỉ là hoàn thành các mục tiêu chiến lược này, mà quan trọng là làm sao để đặt nền tảng vững bền hơn cho sự phát triển của nền kinh tế giai đoạn tiếp theo.

Trong năm nay, mặc dù kinh tế trong nước sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ những diễn biến bất định, khó lường bởi xu hướng bảo hộ, căng thẳng thương mại và những bất ổn địa chính trị trên thế giới, nhưng với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nền tảng kinh tế khá vững chắc, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang được phát huy, chất lượng tăng trưởng tăng và hiệu quả vốn đầu tư được cải thiện cộng với những yếu tố hỗ trợ về việc tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA, EVIPA hay CPTPP; kỳ vọng vào việc EU rút thẻ vàng ngành thủy sản Việt Nam và Việt Nam tiếp tục hoàn tất việc ký tham gia 2/8 công ước còn lại của Tổ chức lao động quốc tế, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ đạt được mục tiêu 6,8% do Quốc hội đề ra.

Mọi thông tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 

Phòng TTXNK

Tin cũ hơn
  • Cung cầu lúa mỳ của Mỹ không thay đổi nhiều so với dự báo
    Trong niên vụ 2019/2020, cung cầu lúa mỳ của Mỹ không thay đổi nhiều so với dự báo trước. Tiêu thụ lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi và lương thực dự kiến tăng 10 triệu bushel so với dự báo trước
  • Ngành dược phẩm Việt Nam năm 2019 và dự báo 2020
    Thống kê trong năm 2019, tình hình sản xuất dược phẩm ở hầu hết các nhóm hàng đều giảm so năm 2018, trong đó nhóm hàng dược phẩm khác chưa phân vào đâu và dịch vụ sản xuất dược phẩm là giảm mạnh nhất lần lượt 19,79% và 18,36%. Ngược lại, dược phẩm chứa hoóc môn nhưng không có kháng sinh dạng viên đạt 58,52 tỷ viên, tăng 8,05% so năm 2018.
  • Reuters: Xuất khẩu gạo Thái Lan và Việt Nam gặp khó vì coronavirus
    Đồng THB của Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua. Sự sụt giảm đáng kể này được cho là hậu quả bởi ngành du lịch nước này – một động lực chính cho sự tăng trưởng – bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Corona gây ra.
  • Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ tăng mạnh trong năm 2019
    Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 12/2019 đạt 599,89 triệu USD, tăng 11,4% so với tháng 11/2019, tăng 51,3% so với tháng 12/2018. Năm 2019
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.094.788