VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Giải pháp ứng phó những khó khăn trong thương mại với Trung Quốc

21/10/2019 14:55

Từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường. Theo đó, rất cần những giải pháp ứng phó những khó khăn trong thương mại với Trung Quốc.


Ảnh: minh họa - Nguồn internet

Một số khó khăn trong trao đổi thương mại với Trung Quốc thời gian gần đây

Trung Quốc đã thay đổi hình thức thương mại từ các hình thức xuất nhập khẩu khác nhau sang chỉ một hình thức, xuất nhập khẩu chính thức, kể từ ngày 01/6/2019. Đây là một thay đổi hợp pháp vì mọi người ở bất cứ đâu cũng có nhu cầ về chất lượng cao hơn của các sản phẩm nhập khẩu. Trung Quốc cũng thay đổi thẩm quyền hành chính. Trước đó, một số bộ phận đã tham gia quản trị nhưng bây giờ chỉ có Tổng cục Hải quan Trung Quốc quản trị. Trung Quốc cũng đã và đang thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào nông nghiệp và phục hồi nông nghiệp. Do đó, một số sản phẩm nông nghiệp chủ chốt của Việt Nam đã chứng kiến ​​sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu và gặp một số khó khăn.

Thống kê từ số liệu hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu các loại hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm 2,08% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng liên tục giảm trong những tháng gần đây như gạo, các sản phẩm từ cao su, giấy và các sản phẩm từ giấy, sản phẩm mây tre, đan, cói và thảm... Đáng chú ý, có tới 15 loại hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2019 giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2018.

Có thể thấy, Trung Quốc đang và sẽ thiết lập ngày càng nhiều rào cản và yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, mặc dù Bộ Công Thương đã khuyến cáo, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về vấn đề này, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ,duy trì và tận dụng phương thức trao đổi hàng hóa giữa các cư dân biên giới với nhau, ... dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá.

Bởi thế, tuy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang có nhu cầu rất lớn trong nhập khẩu các mặt hàng thủy, hải sản của Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai, song do các doanh nghiệp của ta chưa đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu (như phải là cơ sở chế biến nằm trong danh sách đã được phía Trung Quốc đồng ý cho xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc; phải có chứng thư an toàn thực phẩm do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp...) nên trong thời gian qua, mặt hàng thủy, hải sản của Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai.

Với mặt hàng sữa, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sữa đứng thứ 2 thế giới. Hiện tại, Trung Quốc chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu. Tuy nhiên, sự khan hiếm nguồn cung không đồng nghĩa với việc Trung Quốc nới lỏng các tiêu chí. Việc Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khoẻ cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc tháng 4 vừa qua không có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn nếu không chứng minh được năng lực của mình về sản xuất chăn nuôi bò sữa theo chuỗi khép kín, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát được an toàn dịch bệnh cũng như an toàn thực phẩm. 

Giải pháp ứng phó những khó khăn trong thương mại với Trung Quốc

Ở nhiều quốc gia, việc đòi hỏi phải minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm. Truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp các bên liên quan truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác và còn giúp các doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm hàng hóa, giúp sự minh bạch thông tin về sản phẩm và hàng hóa để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng, đồng thời chống gian lận thương mại.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng tất yếu này, bởi truy xuất nguồn gốc chính là cánh cửa để hàng hóa Việt Nam bước vào các thị trường khó tính.

Trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước và để phát triển xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam một cách bền vững, thời gian tới phải tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

- Hoạt động xuất khẩu nông sản của chúng ta cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thủy sản, coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đồng thời thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi.

- Đặc biệt, cần triệt để chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Và để thay đổi được thói quen xuất khẩu tiểu ngạch, cần sự tăng cường tuyên truyền, tập huấn của các bộ, ngành đến người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu.

- Vấn đề logistics cho xuất khẩu sang Trung Quốc cũng cần được quan tâm. Chi phí cho hoạt động logistics hiện chiếm khoảng 20 - 25% tổng chi phí trong hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, khả năng cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào các vấn đề liên quan đến logistics.

Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc nói chung, chúng ta có lợi thế rất lớn do là nước láng giềng, có hệ thống đường biên giới rất dài với đa dạng các cửa khẩu thông quan giữa hai nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất thuận lợi để thông thương qua đường sắt, đường biển, đường hàng không... Nhưng, tình trạng ùn tắc tại các cảng, cửa biên vẫn xảy ra.

- Cân bằng sản xuất – tiêu thụ, bố trí sản xuất lệch thời vụ với bên Trung Quốc. Ví dụ quả thanh long, dưa hấu bên Trung Quốc chỉ phát triển được trước tháng 11, còn với Việt Nam phát triển từ tháng 11 đến tháng 4 sang năm. Như vậy, hai bên sẽ không xung đột về mặt thời điểm thu hoạch và tiêu thụ.

- Tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật, đặc biệt trong khâu chế biến để kéo dài thời gian bảo quản.

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể. Mỗi địa phương với dân số lớn có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ như Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người), Tứ Xuyên (80,4 triệu người), Hà Bắc (71,8 triệu người), Giang Tô (75,6 triệu người), Hồ Nam (65,6 triệu người)...

Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm. Nên, có thể thấy rằng, hàng hóa nông thủy sản của ta vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này.

Một số hoạt động tạo thuận lợi trong thương mại với Trung Quốc

- Về vấn đề logistics cho xuất khẩu sang Trung Quốc: Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, rà soát lại quy hoạch logistics gắn với khoản đầu tư của Chính phủ để phát triển logistics giao thông.

Định hướng xây dựng trung tâm logistics vùng, khu vực tạo ra kết nối thương mại chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong nước, kết nối hành lang kinh tế Việt Nam – Trung Quốc thông qua các cửa khẩu, cảng biển... tổ chức lại quản lý logistics tạo cơ chế đủ mạnh, đồng bộ chính sách.

Cụ thể tại khu vực phía Bắc, vừa qua, Bộ đã có hội nghị chuyên đề nhằm rà soát, đánh giá lại nhằm có định hướng kết nối kinh tế giữa Trung Quốc với Việt Nam thông qua hệ thống cửa khẩu đường bộ biên giới, cảng biển Lạch Huyện (Hải Phòng), các cảng hàng không và hệ thống giao thông kết nối của khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh), Hải Phòng với biên giới Việt Nam và các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông của Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc hiện cũng đã và đang xúc tiến các cơ chế hoạt động hợp tác song phương nhằm sớm xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics, các doanh nghiệp thương mại giữa hai bên giao thương hàng hóa.

- Về vấn truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Ngày 01/07/2019, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia chủ trì đề án 100/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ đã kí kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn chứng nhận và giám định Quốc gia Trung quốc (CCIC). Hai bên thống nhất thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau. Theo đó, hai bên cùng nhau thúc đẩy nghiệp vụ quản lý truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam, đồng thời kết nối hệ thống, cùng xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất nhập khẩu hàng hóa và thúc đẩy hải quan hai bên công nhận toàn diện kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau, thực hiện thuận tiện giao dịch thương mại.

Về hiệu quả của sự hợp tác giữa Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia và CCIC, trước đây muốn thông quan 1 xe dưa hấu, hải quan thường mất 3-4 tiếng, nhưng khi có truy xuất nguồn gốc và dán tem thì thời gian thông quan của hải quan giảm xuống chỉ còn 5 phút. Sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc và tin tưởng hơn.

Về triển vọng hợp tác giữa hai bên, việc Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia bắt tay với CCIC là bước đi tích cực trong việc tìm lối đi cho hàng hóa xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp làm truy xuất nguồn gốc đúng theo tiêu chuẩn của Hải quan Trung Quốc. Từ đó hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn.

Tham khảo “Danh sách các nhà vườn đăng ký và được xuất khẩu sang Trung Quốc”: Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ Ban biên tập.

 

Phòng Truyền thông

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.109.142