VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW tại Bộ Công Thương

26/09/2022 09:07

Chiều 23/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã làm việc với Bộ Công Thương về khảo sát, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi làm việc

Chủ trì buổi làm việc có đồng chí Phạm Tấn Công – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Cùng tham gia buổi làm việc còn có các thành viên của Đoàn công tác và đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương gồm Đảng ủy Bộ, Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Vụ Kế hoạch, Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Văn phòng bộ.


Ông Phạm Tấn Công – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công cho biết, Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là Nghị quyết hết sức quan trọng. Cách đây 11 năm, khi được Bộ Chính trị ban hành, đây là Nghị quyết đầu tiên riêng về doanh nhân. Từ khi Nghị quyết được ban hành đã có rất nhiều thay đổi từ thể chế, pháp luật cho đến thực tiễn vì sự phát triển của doanh nhân. Lần đầu tiên trong Hiến pháp 2013 đã chính thức ghi nhận giới doanh nhân trong Hiến pháp, thành lập quyền kinh doanh và bảo hộ của Nhà nước.

Cùng với đó, các Nghị quyết Đại hội XI, XII, XIII của Đảng đều khẳng định vai trò của doanh nhân trong sự phát triển của đất nước. Kết quả thực tế của Nghị quyết 09-NQ/TW đem lại là vai trò của đội ngũ doanh nhân đã được phát huy, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn vừa qua.

Bộ Công Thương có vai trò chức năng, nhiệm vụ quan trọng đối với phát triển của doanh nhân Việt Nam nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Việc khảo sát tại Bộ Công Thương có nội dung quan trọng giúp cho Tổ Biên tập, Ban Chỉ đạo nghiên cứu phát hiện đưa vào tổng kết, tham mưu trình Bộ Chính trị với nội dung phát huy doanh nhân, tham gia xây dựng chính sách, hỗ trợ xây dựng phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, sản phẩm, công tác xúc tiến thương mại, công tác bảo vệ quyền lợi của doanh nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…”- ông Phạm Tấn Công cho hay.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu 

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã tiến hành chỉ đạo triển khai thực hiện một cách chủ động, khẩn trương trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị và có trách nhiệm cao trong công tác học tập, quán triệt và thông tin, tuyên truyền, xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, đảm bảo đúng định hướng của Đảng, bám sát đúng nội dung, yêu cầu của Trung ương.

Sau gần 11 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, ngành Công Thương đã có đóng góp to lớn trong việc hình thành số lượng doanh nghiệp, doanh nhân trong nước có năng lực cạnh tranh và có thương hiệu toàn cầu trong các ngành công nghiệp cơ bản, và trở thành lực lượng quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, hệ thống thể chế chính sách, pháp luật của ngành ngày càng hoàn thiện để tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, doanh nhân”- Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Ghi nhận những kết quả của Bộ Công Thương trong việc thực hiện Nghị quyết 09, ông Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương – cũng khẳng định 6 kết quả nổi bật của Bộ Công Thương.

Thứ nhất, nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với các cấp uỷ đảng của bộ đã được nâng cao, đồng bộ, toàn diện, cụ thể. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09 tại Bộ đạt được nhiều nội dung, đặc biệt là việc tham gia, tham mưu các công tác chiến lược về hoàn thiện hệ thống chính sách, thể chế trong thực hiện Nghị quyết 09.

Thứ hai, với vị trí, vai trò và chức năng nhiệm vụ của Bộ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo cụ thể hóa Nghị quyết 09 bằng việc tham mưu, hoàn thiện hệ thống pháp luật rất nhiều và tốt. Cụ thể, 15 dự án luật, 90 nghị định, 800 thông tư và đơn giản hoá khoảng 880 thủ tục hành chính. Đây là một khối lượng công việc rất lớn.

“Điều này thể hiện với vai trò, vị trí của mình, Bộ Công Thương đã làm được một khối lượng công việc rất lớn, để từ đó tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc khối khu vực của Bộ và các khu vực khác phát triển thuận lợi. Bộ Công Thương cũng là Bộ đi đầu trong cải cách hành chính, kết nối cơ chế một cửa trong dịch vụ công”- ông Đỗ Ngọc An đánh giá.


Ông Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo - phát biểu tại buổi làm việc

Ở góc độ khác, Bộ Công Thương là đơn vị sự nghiệp lớn, nhưng thời gian qua trong các nội dung của Nghị quyết 09, Bộ đã tổ chức sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn và nâng cao chất lượng dịch vụ trong các đơn vị sự nghiệp công để góp phần cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Doanh nghiệp được thông thoáng thủ tục hành chính, tiếp cận thuận lợi thì đội ngũ doanh nhân sẽ gắn bó hơn với sự nghiệp phát triển đất nước.

Thứ ba, việc bồi dưỡng doanh nghiệp, doanh nhân có kết quả tốt. Xây dựng đạo đức văn hoá trong sản xuất kinh doanh, nâng cao trách nhiệm xã hội, đề cao tính dân tộc và xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong khối doanh nghiệp thuộc sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương là có những kết quả rất tích cực.

Đó là, tôn vinh các doanh nghiệp xuất khẩu; nâng cao, xây dựng tôn vinh các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; năng lực tiên phong… Đặc biệt, các hoạt động của Bộ dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ đã góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đơn cử, Bộ Công Thương dẫn dữ liệu của Brand Finance cho biết, thương hiệu Việt Nam năm 2022 có giá trị đạt 431 tỷ USD, xếp hạng thứ 32 thế giới.

Xét về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá trong Top 100 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam, mức tăng trưởng về giá trị cũng rất cao là 36%, so với mức tăng trưởng ở Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, ở Ấn Độ là 16%, ở Malaysia là 10%, ở Trung Quốc là 6%, ở Nhật Bản là 5% và ở Thái Lan là 4%. Thành tích này có đóng góp rất cụ thể của Bộ Công Thương.

Thứ tư, khối doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương dưới sự tham mưu của Bộ đã có sự hội nhập tốt, đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Sức cạnh tranh cao, quy mô doanh nghiệp ngày càng tăng, khoảng 30% tổng số doanh nghiệp của cả nước với 258.431 doanh nghiệp trên tổng số doanh nghiệp cả nước là 860.000. Đây là một số lượng rất lớn dưới vai trò đào tạo và dẫn dắt của Bộ.

Từ đó có thể khẳng định, số lượng các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành đã giữ vai trò động lực, dẫn dắt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Đặc biệt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 09. Tham gia hội nhập quốc tế nhưng khẳng định nền kinh tế độc lập, tự chủ theo tinh thần Nghị quyết 09, Bộ Công Thương cũng đã làm rất tốt.

Thứ năm, Bộ đã tham mưu rất tích cực trong 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Thứ sáu, công tác Đảng, xây dựng hệ thống chính trị dưới sự thực hiện quy chế phối hợp của Ban Cán sự Đảng Bộ với Đảng ủy có sự nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ từ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển Đảng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ đảng viên nói riêng.

Cũng tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn công tác đã trao đổi, làm rõ với lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương một số nội dung liên quan đến Báo cáo tổng kết của ngành Công Thương về thực hiện Nghị quyết 09.


Các thành viên của Đoàn công tác trao đổi một số nội dung liên quan đến Báo cáo tổng kết của ngành Công Thương về thực hiện Nghị quyết 09




Bà Đỗ Vũ Anh Thư - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) tại buổi làm việc


Ông Nguyễn Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) phản hồi ý kiến trao đổi của Đoàn công tác


Bà Hà Mai Anh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Công Thương

Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến của Đoàn công tác, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, sẽ tiếp thu, giải trình, bổ sung trong Báo cáo để hoàn thiện.

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.092.097